Quyết định 116/2004/QĐ-UB phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động (sửa đổi) của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 116/2004/QĐ-UB |
Ngày ban hành | 28/04/2004 |
Ngày có hiệu lực | 28/04/2004 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Nguyễn Thành Tài |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 116/2004/QĐ-UB |
TP.Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 04 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA CHỦ TỊCH UBND THÀNH PHỐ VỀ PHÊ DUYỆT ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG (SỬA ĐỔI) CỦA HỘI BẢO TRỢ BỆNH NHÂN NGHÈO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003 ;
Căn cứ Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20 tháng 5 năm 1957 ban hành Luật quy định quyền lập Hội và Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội ;
Căn cứ Thông tư số 01/2004/TT-BNV ngày 15 tháng 01 năm 2004 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội ;
Căn cứ Quyết định số 3661/QĐ-UB-VX ngày 14 tháng 7 năm 1998 của Ủy ban nhân dân thành phố về đổi tên Hội Bảo trợ Bệnh viện miễn phí thành phố thành "Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh" ;
Theo biên bản Đại hội đại biểu Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh ngày 17 tháng 02 năm 2004 ;
Xét đề nghị của Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh tại Văn bản số 109/CV-HBT/04 ngày 09 tháng 3 năm 2004 và của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 79/TTr-SNV ngày 25 tháng 3 năm 2004 ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay phê duyệt kèm theo Quyết định này Điều lệ tổ chức và hoạt động (sửa đổi) của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Bãi bỏ Quyết định số 4106/1998/QĐ-UB-VX ngày 10 tháng 8 năm 1998 và Quyết định số 74/2004/QĐ-UB ngày 30 tháng 3 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các Sở-ngành thành phố có liên quan, và Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận : |
KT. CHỦ TỊCH UBND THÀNH PHỐ |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
|
ĐIỀU LỆ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG HỘI BẢO TRỢ BỆNH NHÂN NGHÈO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 116 /2004/QĐ-UB ngày 28 tháng 4 năm 2004 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố)
Được chăm sóc và chữa trị tốt khi ốm đau, mù lòa, khuyết tật là yêu cầu bức xúc và là nguyện vọng chính đáng của nhân dân lao động nghèo, trẻ em bất hạnh. Thông cảm với tình hình ngân sách Nhà nước hiện nay còn nhiều khó khăn, để thực hiện phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, trên cơ sở đó Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh được thành lập.
Chương 1:
TÊN GỌI - TÔN CHỈ - MỤC ĐÍCH CỦA HỘI
Điều 1. Hội lấy tên là Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Hội là một tổ chức quần chúng bao gồm mọi thành viên có lòng nhân ái, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nam nữ, địa vị xã hội, tự nguyện đóng góp công sức, trí tuệ, tiền của để giúp đỡ bệnh nhân nghèo, trẻ em khuyết tật, dị tật có điều kiện chữa trị, sớm hòa nhập vào cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống, an sinh xã hội.
Điều 3. Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh hoạt động tuân thủ pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, theo Điều lệ Hội và quy định của Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 4. Hội có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng tại ngân hàng. Trụ sở của Hội đặt tại 24 Nguyễn Thị Diệu phường 6 quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.
Chương 2:
NHIỆM VỤ CỦA HỘI
Điều 5. Nhiệm vụ của Hội là :
1. Vận động và tiếp nhận sự đóng góp về vật chất và tinh thần của tất cả các cá nhân và tập thể, các tổ chức từ thiện, nhân đạo trong và ngoài nước, cho việc tài trợ khám chữa trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo, trẻ em khuyết tật, dị tật.
2. Tổ chức các hoạt động có doanh thu gây quỹ Hội, nhằm bảo đảm khả năng bảo trợ kinh phí lâu dài cho hoạt động của Hội.
3. Thực hiện các chương trình nhân đạo của Hội tại thành phố và các địa phương có yêu cầu nhằm gây phong trào sâu rộng chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân nghèo, trẻ em khuyết tật, dị tật bất hạnh, đồng thời trao đổi kinh nghiệm để địa phương phát huy nội lực cùng đồng hành giúp nhiều bệnh nhân nghèo hơn và chia sẻ gánh nặng ngân sách cho Nhà nước.
Chương 3:
HỘI VIÊN
Điều 6. Những công dân Việt Nam và những tổ chức từ thiện, xã hội tự nguyện gia nhập Hội và đóng góp công sức, tiền của, trí tuệ để phục vụ cho mục đích của Hội đều trở thành Hội viên.
Những người tiêu biểu, có công đóng góp lớn, liên tục cho Hội đều được xét công nhận là Hội viên danh dự hoặc tặng danh hiệu “Ân nhân của Hội”. Việc xét các danh hiệu nói trên do Ban Chấp hành Hội quyết định.
Điều 7. Hội viên có nhiệm vụ :
1. Tham gia đóng góp công sức, tiền của phục vụ cho mục đích của Hội.
2. Tuyên truyền mục đích của Hội và vận động những người giàu lòng từ thiện đến với Hội để tham gia đóng góp công sức, trí tuệ, vật chất cho Hội.
3. Thực hiện các chương trình hoạt động của Hội.
4. Tham gia giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chương trình của Hội.
Điều 8. Hội viên có quyền lợi :
1. Tham gia ứng cử và bầu cử vào các cơ quan lãnh đạo của Hội.
2. Thảo luận và biểu quyết các vấn đề liên quan hoạt động của Hội.
3. Được Hội giúp đỡ để phát huy khả năng làm công việc từ thiện theo quy định của Hội.
Chương 4:
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Điều 9. Cơ quan cao nhất của Hội là Đại hội toàn thể Hội viên (hoặc Đại hội đại biểu), 5 năm họp 1 lần.
Đại hội có nhiệm vụ và quyền hạn sau :
1. Quyết định nhiệm vụ và phương hướng công tác của Hội.
2. Thông qua báo cáo hoạt động của Ban Chấp hành Hội.
3. Quyết định bổ sung, sửa đổi Điều lệ Hội.
4. Bầu Ban Chấp hành Hội.
Điều 10. Giữa hai kỳ Đại hội, cơ quan lãnh đạo của Hội là Ban Chấp hành Hội. Nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Hội là 5 năm.
Ban Chấp hành Hội họp định kỳ 6 tháng 1 lần để xây dựng chương trình hoạt động của Hội trong từng thời kỳ. Khi có yêu cầu, Chủ tịch Hội hoặc Ban Thường vụ Hội có quyền triệu tập họp Ban Chấp hành Hội.
Số lượng ủy viên Ban Chấp hành do Đại hội quyết định. Trong quá trình hoạt động, Ban Chấp hành Hội có quyền bổ sung ủy viên Ban Chấp hành để thay thế các ủy viên không thể tiếp tục nhiệm vụ.
Điều 11. Ban Chấp hành Hội bầu ra Ban Thường vụ và Ban Kiểm tra của Hội. Ngoài ra, Ban Chấp hành có quyền mời một số nhân vật tiêu biểu, có uy tín, có khả năng đóng góp cho Hội làm cố vấn. Tùy theo yêu cầu hoạt động, Ban Chấp hành quyết định thành lập các Ban chuyên môn giúp việc của Hội và cử cán bộ phụ trách.
Điều 12. Ban Thường vụ của Hội gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký và các ủy viên. Số ủy viên thường vụ do Ban Chấp hành Hội quy định.
- Chủ tịch Hội là người chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Hội theo Điều lệ.
- Các Phó Chủ tịch Hội là người thay mặt cho Chủ tịch Hội theo sự ủy quyền của Chủ tịch Hội và phụ trách các chương trình hoạt động của Hội.
- Tổng Thư ký là người chịu trách nhiệm điều hành văn phòng của Hội theo sự chỉ đạo của Chủ tịch và Phó Chủ tịch Thường trực.
Điều 13. Ban kiểm tra của Hội có nhiệm vụ :
1. Giám sát việc thi hành Điều lệ của Hội, Nghị quyết của Đại hội và Nghị quyết Ban Chấp hành Hội.
2. Theo dõi việc thu chi và sử dụng tài chánh, tài sản của Hội, có biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa lãng phí và thất thoát ; kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện các chương trình mục tiêu của Hội.
3. Xem xét và giải quyết các đơn khiếu nại và khiếu tố của hội viên và quần chúng. Đối với những việc quan trọng thì trao đổi với Chủ tịch, các Phó Chủ tịch. Nếu cần thiết thì xin ý kiến Ban Thường vụ hoặc Ban Chấp hành.
Điều 14. Tổ chức cơ sở của Hội là các Chi hội ở các tổ chức kinh tế, văn hóa, xã hội, ngành, giới, công ty, xí nghiệp, chợ, bệnh viện … được thành lập trên cơ sở tự nguyện.
Nơi nào có từ 5 hội viên trở lên thì được thành lập Chi hội, Chi hội có từ 20 hội viên trở lên thì bầu Ban Chấp hành Chi hội. Ban Chấp hành Chi hội có từ 3 đến 11 ủy viên gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ủy viên thư ký và ủy viên kiểm tra … Chi hội dưới 20 hội viên thì có thể cử Chủ tịch, Phó Chủ tịch và ủy viên thư ký.
Điều 15. Chi hội có nhiệm vụ :
1. Tuyên truyền vận động phát triển quỹ Hội.
2. Phát triển hội viên.
3. Thực hiện các nhiệm vụ, chương trình mục tiêu và các kế hoạch của Hội.
4. Tham gia đóng góp ý kiến cho Hội.
5. Tham gia kiểm tra việc thực hiện các chương trình mục tiêu của Hội.
6. Sinh hoạt định kỳ và báo cáo cho Hội.
Chương 5:
TÀI SẢN VÀ TÀI CHÁNH CỦA HỘI
Điều 16. Tài sản và tài chánh của Hội gồm :
1. Tiền, ngoại tệ, vàng và hiện vật do hội viên, các nhà hảo tâm và các tổ chức trong và ngoài nước đóng góp, ủng hộ.
2. Tiền thu được từ các hoạt động từ thiện và tiền lãi gởi ngân hàng.
3. Doanh thu do các hoạt động sinh lợi của Hội (theo quy định của pháp luật).
Điều 17. Tài sản và tài chánh của Hội được quản lý và sử dụng đúng mục đích :
- Chủ yếu là bảo trợ chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo, trẻ em khuyết tật, dị tật.
- Một phần nhỏ chi cho Văn phòng để phục vụ mọi hoạt động của Hội (hành chánh, quản trị, tiếp khách, trả lương cho cán bộ nhân viên, công tác phí …).
Điều 18. Tiền lãi thu được từ tiền gởi ngân hàng phải nhập vào tổng quỹ của Hội để chi theo quy định của Điều 17 nói trên. Ban Chấp hành quyết định trích tỷ lệ từ tổng quỹ cho Văn phòng và công tác phí theo nguyên tắc tiết kiệm.
Điều 19. Thường trực Hội có trách nhiệm theo dõi thu chi, công khai tài sản và tài chánh của Hội, báo cáo bằng văn bản việc tiếp nhận và sử dụng tiền và tài sản đã đóng góp trong các cuộc họp định kỳ của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và trước các kỳ Đại hội của Hội.
Điều 20. Trường hợp Hội tự giải tán hoặc sáp nhập với các tổ chức từ thiện khác, tài sản và tài chính của Hội sẽ do Ban Chấp hành Hội xem xét, đề ra biện pháp xử lý thích hợp nhất, trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.
Chương 6:
KHEN THƯỞNG - KỶ LUẬT
Điều 21. Những đơn vị, cán bộ nhân viên, hội viên và quần chúng có thành tích xuất sắc được Hội đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố hoặc Chính phủ khen thưởng.
Điều 22. Hội viên vi phạm Điều lệ, Nghị quyết của Hội hoặc làm tổn thương đến uy tín danh dự của Hội sẽ bị thi hành kỷ luật : khiển trách, cảnh cáo hoặc khai trừ … ra khỏi Hội.
Chương 7:
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 23. Điều lệ này có hiệu lực thi hành sau khi được Đại hội thông qua và được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
Điều 24. Chỉ có Đại hội toàn thể hội viên hoặc Đại hội đại biểu hội viên mới được quyền sửa đổi và bổ sung Điều lệ với 2/3 đại biểu dự đại hội tán thành và được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt mới có giá trị thi hành./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ