Quyết định 114/2007/QĐ-UBND thành lập Bệnh viện quận 5 trực thuộc Ủy ban nhân dân quận 5 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 114/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 16/08/2007
Ngày có hiệu lực 26/08/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Thị Thu Hà
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 114/2007/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 08 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ THÀNH LẬP BỆNH VIỆN QUẬN 5 TRỰC THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 5

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BYT-BNV ngày 12 tháng 04 năm 2005 của Bộ Y tế - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân quản lý Nhà nước về y tế ở địa phương;
Căn cứ Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19 tháng 09 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế Bệnh viện;
Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 5 tại Tờ trình số 1886/TTr-UBND ngày 16 tháng 07 năm 2007; của Giám đốc Sở Y tế tại Công văn số 4375/SYT-TCCB ngày 26 tháng 07 năm 2007 và của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 548/TTr-SNV ngày 02 tháng 08 năm 2007
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay thành lập Bệnh viện quận 5 trực thuộc Ủy ban nhân dân quận 5 trên cơ sở sắp xếp lại Trung tâm Y tế quận 5. Bệnh viện quận 5 là đơn vị sự nghiệp y tế, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được cấp kinh phí hoạt động và mở tài khoản ở Kho bạc Nhà nước theo quy định. Trụ sở chính đặt tại số 644 đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5.

Bệnh viện quận 5 chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân quận 5 và hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật của Sở Y tế.

Điều 2. Chức năng, nhiệm vụ của Bệnh viện quận 5

1. Cấp cứu - Khám bệnh - Chữa bệnh:

a) Tiếp nhận tất cả các trường hợp người bệnh từ ngoài vào hoặc từ các cơ sở y tế chuyển đến để cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh nội trú hoặc ngoại trú;

b) Tổ chức khám sức khỏe và chứng nhận sức khỏe theo quy định của Nhà nước;

c) Có trách nhiệm giải quyết toàn bộ bệnh thông thường về nội khoa và các trường hợp cấp cứu về ngoại khoa;

d) Tổ chức giám định sức khỏe khi có yêu cầu;

đ) Tổ chức chuyển người bệnh lên tuyến trên khi vượt quá khả năng của Bệnh viện.

2. Đào tạo cán bộ y tế:

a) Bệnh viện là cơ sở thực hành cho các trường, lớp trung học y tế;

b) Tổ chức đào tạo liên tục cho các thành viên trong Bệnh viện và cơ sở y tế tuyến dưới để nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng quản lý chăm sóc sức khỏe ban đầu.

3. Nghiên cứu khoa học về y học:

a) Tổ chức tổng kết, đánh giá các đề tài và chương trình về chăm sóc sức khỏe ban đầu;

b) Tham gia các công trình nghiên cứu về y tế cộng đồng và dịch tễ học trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu;

c) Nghiên cứu áp dụng y học cổ truyền và phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc.

4. Chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn, kỹ thuật:

a) Lập kế hoạch và chỉ đạo y tế cơ sở thực hiện các phác đồ chẩn đoán và điều trị;

b) Tổ chức chỉ đạo các phường thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và thực hiện các chương trình y tế ở địa phương.

5. Phòng bệnh:

a) Phối hợp với các cơ sở y tế dự phòng thường xuyên thực hiện nhiệm vụ phòng bệnh, phòng dịch;

b) Tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho cộng đồng.

6. Hợp tác quốc tế:

[...]