Quyết định 1138/2002/QĐ-UB về Quy chế bổ nhiệm công, viên chức lãnh đạo do Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành

Số hiệu 1138/2002/QĐ-UB
Ngày ban hành 16/04/2002
Ngày có hiệu lực 01/05/2002
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Phạm Minh Đoan
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1138/2002/QĐ-UB

Thanh Hóa, ngày 16 tháng 04 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ BỔ NHIỆM CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC LÃNH ĐẠO

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Điều 49 Luật Tổ chức HĐND và UBND công bố ngày 05/7/1994;
Căn cứ Pháp lệnh cán bộ, công chức công bố ngày 09/3/1998;
Căn cứ Quy định số 950/QĐ-TU ngày 12/6/2000 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về phân công, phân cấp, quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ và Quy chế Đánh giá và bổ nhiệm cán bộ số 02QC/TU ngày 26/7/2001 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa;
Căn cứ Quyết định số 277/2001/QĐ-UB ngày 02/02/2001 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành Quy định phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức;
Sau khi thông qua UBND tỉnh tại cuộc họp ngày 29/02/2002;
Theo đề nghị của Trưởng ban Tổ chức Chính quyền tỉnh tại Tờ trình số 302/TT-TCCQ ngày 12 tháng 4 năm 2002,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Chính quyền tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban TC-CB Chính phủ
- Thường trực Tỉnh ủy
- Thường trực HĐND tỉnh
- Chủ tịch, các Phó chủ tịch, các Ủy viên UBND tỉnh.
- Như Điều 2 QĐ
- Lưu VP

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
CHỦ TỊCH




Phạm Minh Đoan

 

QUY CHẾ

BỔ NHIỆM CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC LÃNH ĐẠO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1138/2002/QĐ-UB ngày 16 tháng 4 năm 2002 của UBND tỉnh Thanh Hóa)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Việc bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo trong các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước phải bảo đảm các nguyên tắc:

1. Cấp ủy Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ.

2. Phải đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định đi đôi với thực hiện đầy đủ trách nhiệm cá nhân, nhất là của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

3. Phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và bảo đảm sự ổn định, kế thừa, phát triển của đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức, cơ quan, đơn vị.

4. Công chức, viên chức được bổ nhiệm phải có đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định cụ thể từng chức danh lãnh đạo đã được cấp có thẩm quyền quy định.

Điều 2. Trong quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công chức lãnh đạo là công chức được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo trong cơ quan hành chính sự nghiệp.

2. Viên chức lãnh đạo doanh nghiệp là viên chức được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo trong doanh nghiệp Nhà nước (bao gồm: Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng).

3. Bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo lần đầu là giao công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong cơ quan, đơn vị hoặc giữ chức vụ mới cao hơn chức vụ đang đảm nhận.

4. Bổ nhiệm lại công chức, viên chức lãnh đạo là giao công chức, viên chức tiếp tục giữ chức vụ cũ khi chức vụ đó đã hết thời hạn bổ nhiệm.

5. Thời hạn giữ chức vụ là thời gian quy định cụ thể cho công chức, viên chức được bổ nhiệm giữ chức vụ nào đó (được tính bằng năm).

6. Từ chức là công chức, viên chức xin thôi đảm nhận chức vụ do nguyện vọng cá nhân, được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận.

7. Miễn nhiệm là công chức, viên chức thôi giữ chức vụ đảm nhận để chuyển công tác khác do cấp có thẩm quyền quyết định.

[...]