Quyết định 1117/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2025”

Số hiệu 1117/QĐ-UBND
Ngày ban hành 24/04/2023
Ngày có hiệu lực 24/04/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Nguyễn Văn Đệ
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1117/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 24 tháng 4 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM (OCOP) TỈNH NGHỆ AN, GIAI ĐOẠN 2023-2025”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ Tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1274/TTr-SNN-KHTC ngày 13/4/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo quyết định này Đề án “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2023-2025”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (để b/c);
- Văn phòng điều phối NTM TW (để b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, Các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức Chính trị - xã hội cấp tỉnh;
- Các Huyện ủy, Thị ủy và Thành ủy;
- PVP KT UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NN (M).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Đệ

 

ĐỀ ÁN

“MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM (OCOP) TỈNH NGHỆ AN, GIAI ĐOẠN 2023-2025”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1117/QĐ-UBND ngày 24/4/2023 của UBND tỉnh Nghệ An)

THÔNG TIN CHUNG

1. Tên Đề án: Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025.

2. Cơ quan chỉ đạo thực hiện Đề án: Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An.

3. Cơ quan chủ trì thực hiện Đề án: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An.

4. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2023 - 2025.

5. Phạm vi và địa bàn thực hiện: Tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (sau đây gọi tắt là Chương trình OCOP) được xác định là một giải pháp giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, trong đó chủ thể là các thành phần kinh tế tư nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã. Chương trình OCOP được thực hiện theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Trong giai đoạn 2019-2022, Chương trình thực hiện trong điều kiện khó khăn, xuất phát điểm thấp, ảnh hưởng dịch Covid -19, nguồn lực hạn chế; nhận thức của một số cán bộ Đảng viên và nhân dân bước đầu còn hạn chế, cơ chế chính sách chưa kịp thời. Song với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các Bộ ngành Trung ương; với quyết tâm chính trị cao của cấp ủy chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự đồng tình, hưởng ứng của người dân, biết phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, cộng với những chính sách, chương trình, đề án về phát triển kinh tế xã hội được tỉnh, các huyện ban hành, tổ chức thực hiện trong thời gian qua đã và đang phát huy hiệu quả góp phần vào thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị hàng hóa làm tăng thu nhập và góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần ở nông thôn. Nhờ đó, đến hết năm 2022 toàn tỉnh đã có 403 sản phẩm được công nhận đạt hạng OCOP 3 sao trở lên, chiếm 4,6% số sản phẩm đạt hạng sao cả nước; trong đó: 43 sản phẩm đạt 4 sao; 359 sản phẩm đạt 3 sao và có 01 sản phẩm đạt 5 sao đã được Trung ương đánh giá, công nhận, trong đó có 9 điểm du lịch nông thôn[1] và Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm đạt sao được công nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình OCOP thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh trong phát triển sản phẩm OCOP của các địa phương đơn vị. Vì vậy, để tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được của Chương trình OCOP giai đoạn 2019 - 2022, khắc phục được những hạn chế, vướng mắc nhằm thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm của các chủ thể sản xuất và người dân về sản phẩm OCOP thì việc ban hành Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025” là hết sức cần thiết.

[...]