QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CỬA HÀNG XĂNG
DẦU TỈNH BẠC LIÊU ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07
tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể
kinh tế - xã hội; được điều chỉnh bổ sung bởi Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày
11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 55/2007/NĐ-CP ngày 6
tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;
Căn cứ Thông tư số 14/1999/TT-BTM ngày 07
tháng 07 năm 1999 của Bộ Thương mại về việc hướng dẫn điều kiện kinh doanh xăng
dầu;
Xét đề nghị của Sở Công thương tại Tờ trình số
32/TTr-SCT ngày 19 tháng 6 năm 2009 và Báo cáo thẩm định số 06/BC-HĐTĐ ngày 24
tháng 6 năm 2009 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về quy hoạch phát triển hệ thống cửa
hàng xăng dầu tỉnh Bạc Liêu đến năm 2015, định hướng đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều l. Phê duyệt quy hoạnh phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu tỉnh
Bạc Liêu đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 (Sau đây gọi tắt và Quy hoạch),
với những nội dung chủ yếu sau:
1. Chủ đầu tư dự án Quy hoạch: Sở Công thương;
2. Thời gian thực hiện: Quy hoạch được thực hiện
trong giai đoạn 2009 - 2020.
3. Quan điểm, mục tiêu phát triển:
3.1. quan điểm phát triển:
- Xăng dầu là mặt hàng rất quan trọng đối với sản
xuất và tiêu dùng của đời sống xã hội, có vị trí đặc biệt trong sự nghiệp công
nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế đất nước. Mặt khác, xăng dầu dễ cháy nổ,
gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của nhân dân; là một trong những mặt
hàng kinh doanh có điều kiện, vì vậy các chủ thể tham gia kinh doanh xăng dầu
(Không phân biệt thành phần kinh tế) phải thực hiện nghiêm ngặt và dầy đủ các
quy định của Nhà nước về điều kiện kinh doanh xăng dầu;
- Việc quản lý và điều tiết thị trường xăng dầu
của tỉnh thông qua các doanh nghiệp Nhà nước có năng lực là đầu mối sẽ đảm bảo
nguồn cung ứng phục vụ cho các nhu cầu tiêu thụ của tỉnh. Sự điều tiết của các
công ty đầu mối thông qua hệ thống kho cảng và mạng lưới cửa hàng bán lẻ rải đều
khắp các huyện thị sẽ góp phần làm cho thị trường xăng dầu trên địa bàn tỉnh ổn
định, giá cả cạnh tranh và hợp lý, đảm bảo chất lượng hàng hóa cũng như lợi ích
của người tiêu dùng;
- Đảm bảo tính nhất quán trong quản lý và điều
tiết của Nhà nước đối với thị trường xăng dầu, sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất
giữa cơ quan quản lý chuyên ngành với chính quyền địa phương các cấp, trong đó
đặc biệt là cấp xã, phường bởi chính các cửa hàng xăng dầu đặt trên địa bàn quản
lý trực tiếp của xã, phường;
- Đảm bảo cho lưu thông xăng dầu diễn ra bình
thường đáp ứng kịp thời cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, phân bố mạng lưới cửa
hàng hợp lý, đảm bảo thuận tiện cho người tiêu dùng và tăng doanh thu cho doanh
nghiệp.
- Đảm bảo an toàn, hiện đại, chống cháy nổ; phục
vụ tốt cho các yêu cầu về sản xuất và bảo vệ môi trường;
- Quy hoạch mạng lưới cửa hàng xăng dầu trên địa
bàn tỉnh Bạc Liêu trong thời gian tới, ngoài việc phục vụ cho phát triển kinh tế
- xã hội của tỉnh, còn phải đảm bảo hiệu quả kinh tế của việc đầu tư của các chủ
thể kinh doanh xăng dầu;
- Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp kinh
doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh tích cực đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị cửa
hàng xăng dầu, mở rộng quy mô, đảm bảo văn minh thương mại và thực hiện các
tiêu chuẩn về chất 1ượng và môi trường…
3.2. Mục tiêu phát triển:
3.2.1. Mục tiêu tổng quát:
Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa
bàn tỉnh Bạc Liêu nhằm mục đích: Điều chỉnh mạng lưới cửa hàng xăng dầu hiện
có, định hướng xây dựng một số cửa hàng xăng dầu mới khang trang, hiện đại, nhằm
đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh xăng dầu, tăng hiệu quả đầu tư, khai thác
tốt cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có của các doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư của
cácthành phần kinh tế. Quy hoạch cũng đảm bảo độ an toàn về đáp ứng nhu cầu
xăng dầu, mặt hàng thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm
2015, định hướng đến năm 2020.
3.2 2. Mục tiêu cụ thể:
Dự kiến phát triển hệ thống
kinh doanh xăng dầu từ nay đến 2015, số lượng cửa hàng xăng dầu cần phải bổ sung
khoảng 40 cửa hàng tại các địa phương trong tỉnh như sau:
- Thị xã Bạc Liêu: Dự kiến từ
nay đến 2015, trong nội ô thị xã Bạc Liêu không phát triển mới cửa hàng xăng dầu
mà tập trung nâng cấp, chỉnh trang các cửa hàng hiện có, đồng thời rà soát nhu
cầu tiêu dùng tại các khu đô thị mới và khu vực các xã Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch
Đông để bổ sung 05 cửa hàng kinh doanh mới…;
- Huyện Vĩnh Lợi: Dự kiến phát
triển thêm 06 cửa hàng kinh doanh mới;
- Huyện Hòa Bình: Dự kiến phát
triển thêm 05 cửa hàng kinh doanh mới;
- Huyện Phước Long: Dự kiến
phát triển thêm 07 cửa hàng kinh doanh mới;
- Huyện Hồng Dân: Dự kiến phát
triển thêm 05 cửa hàng kinh doanh mới;
- Huyện Giá Rai: Dự kiến phát
triển thêm 06 cửa hàng kinh doanh mới;
- Huyện Đông Hải: Dự kiến phát
triển thêm 06 cửa hàng kinh doanh mới.
Các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
trước đây khi xây dựng chưa có quy hoạch, nhiều số chủ đầu tư tự thiết kế, xây
dựng nên các hạng mục công trình xây dựng trong cửa hàng không đảm bảo yêu cầu
theo tiêu chuẩn cửa hàng xăng dầu, một số cửa hàng vi phạm lộ giới do đường
giao thông mới được nâng cấp mở rộng sau khi đã có cửa hàng.
Do đó, những cửa hàng này cần phải cải tạo và
nâng cấp để đủ điều kiện hoạt động theo quy định hiện hành. Đối với những cửa
hàng không đủ điều kiện theo quy định, nếu sau thời gian quy định mà không khắc
phục được thì buộc phải ngưng hoạt động (Đã được nêu cụ thể trong quy hoạch).
4. Các giải pháp chủ yếu:
4.1. Giải pháp về đất đai và vốn
đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu:
Vốn đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu do các chủ
đầu tư mở cửa hàng kinh doanh tự huy động và bố trí sử dụng;
Đất để xây dựng cửa hàng trên từng địa bàn sẽ do
chủ đầu tư tự sang nhượng. Trường hợp đất thuộc quyền quản lý của Nhà nước, Nhà
nước sẽ cho thuê theo giá quy định hiện hành, thời gian thuê đất được xác định
thống nhất và theo quy định pháp luật hiện hành.
4.2. Giải pháp về nguồn nhân
lực:
Xăng dầu là mặt hàng dễ cháy, có ảnh hưởng môi
trường và yêu cầu kỹ thuật cao, do đó những người tham gia kinh doanh xăng dầu nói
chung phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về thương phẩm cũng như về thiết bị
xăng dầu.
Ngoài kiến thức về chuyên ngành xăng dầu còn phải
nắm được kiến thức về tin học, biết sử dụng máy tính phục vụ cho công tác quản
lý. Cán bộ làm công tác quản lý phải hiểu biết về nghiệp vụ và công tác hạch
toán kinh tế.
Do vậy nguồn nhân lực kinh doanh xăng dầu phải
được đào tạo qua trường lớp có trình độ nghiệp vụ kỹ thuật và bằng cấp chuyên
môn theo quy định của Nhà nước;
Kinh doanh xăng dầu hiện nay do nhiều chủ thể
kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế khác nhau; các điều kiện kinh doanh Nhà
nước quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực… tất cả các chủ thể
kinh doanh đều phải nghiêm chỉnh chấp hành;
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nguồn
nhân lực đạt trình độ chuyên môn nhất định, Sở Công thương, Sở Khoa học và Công
nghệ phối hợp với các trường chuyên nghiệp, các cơ sở đào tạo mở các lớp bồi dưỡng
tại chức kể cả ngắn hạn và dài hạn ngay tại địa phương.
4.3. Giải pháp kỹ thuật:
4.3.1. Giải pháp công nghệ:
- Nhập hàng: Xăng dầu được vận chuyển từ các kho
đầu mối trong tỉnh bằng xà lan, ghe chuyên dùng hoặc xe bồn nhập vào các bồn chứa
qua hệ thống nhập kín bằng phương pháp bơm đẩy. Mỗi bể chứa có một hệ thống được
lắp đặt van chặn để bảo đảm an toàn khi vận hành;
- Dự trữ và bảo quản: Để bảo đảm an toàn phòng
cháy chữa cháy và chống tổn thất do bay hơi, xăng dầu được bảo quản trong bồn
chứa chôn ngầm;
- Xuất hàng: Mỗi trụ bơm có một hệ thống xuất
riêng biệt;
- Tự động hóa: Để đáp ứng nhu cầu phát triển
trong tương lai và phù hợp trình độ khoa học công nghệ của khu vực và thế giới,
nhằm xây dựng cửa hàng xăng dầu an toàn, hiện đại, văn minh và đảm bảo uy tín đối
với khách hàng, cửa hàng xăng dầu cần lựa chọn sử dụng các thiết bị tự động hóa
phù hợp.
4.3.2. Giải pháp xây dưng:
- Cửa hàng xăng dầu loại I: Có đầy đủ các chức
năng của một trạm dịch vụ xăng dầu tổng hợp và được phát triển trên cơ sở quy
mô của cửa hàng xăng dầu loại II. Khu vực nhà nghỉ, nhà ăn uống và bãi đỗ xe được
bố trí liên hoàn với khu vực bán xăng dầu và dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phương
tiện tạo thành một tổ hợp các công trình dịch vụ thống nhất. Tuy vậy, khu vực
nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống và bãi đậu phương tiện có thể được quản lý và hoạt động
độc lập, cần chú trọng khu nhà vệ sinh thuận tiện cho khách đi xe, nhất là các
cửa hàng xăng dầu nằm dọc các tuyến đường có xe khách đi qua;
- Cửa hàng xăng dầu loại II: Chức năng của cửa
hàng xăng dầu loại này là cung cấp các sản phẩm dầu khí, hàng hóa nhu yếu phẩm
và dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa phương tiện. Trên cơ sở quy mô và bố trí tổng mặt
bằng của cửa hàng xăng dầu loại III, cửa hàng xăng dầu loại II được phát triển
thêm xưởng sửa chữa phương tiện; cửa hàng tự chọn trong cùng một khu vực hợp lý
và được bố trí cạnh luồng ra vào của phương tiện. Bố trí nhà vệ sinh phù hợp,
nhất là các cửa hàng xăng dầu nằm dọc các tuyến đường có xe khách đi qua;
- Cửa hàng xăng dầu loại III: Chức năng của cửa
hàng loại này là cung cấp các sản phẩm dầu khí và có thể thêm dịch vụ rửa xe.
Mái che trụ bơm được bố trí ở vị trí trung tâm khuôn viên cửa hàng, tạo các luồng
đường ra vào cửa hàng thoáng rộng. Nhà giao dịch, bán hàng hợp khối với mái che
trụ bơm, thuận tiện cho việc giao dịch. Cầu rửa xe độc lập được bố trí phía sau
khối mái che và nhà văn phòng, nhà vệ sinh, nhất là các cửa hàng xăng dầu nằm dọc
các tuyến đường có xe khách đi qua. Các hạng mục khác như:
Bồn bể đặt ngầm, trạm cấp nước sạch được bố trí
hợp lý với khu vực bán xăng dầu theo quy định hiện hành;
- Cửa hàng xăng dầu ở khu vực nông thôn vùng
sâu: Chức năng của cửa hàng xăng dầu loại ở nông thôn vùng sâu chủ yếu là cung
cấp xăng dầu cho các đối tượng tiêu dùng tại các xã vùng sâu, vùng xa, những
nơi đặc biệt khó khăn và những nơi có nhu cầu xăng dầu nhưng khối lượng không lớn.
Do vậy cửa hàng loại này sẽ có quy mô nhỏ hơn, vốn đầu tư ít nhưng được đặc biệt
chú ý đến việc bảo đảm an toàn giao thông và phòng chống cháy nổ. Khuyến cáo
các cửa hàng loại này phải chuẩn bị quỹ đất để sau 2015 nâng cấp thành cửa hàng
loại III.
4.3.3. Giải pháp cấp điện:
- Phương án cấp điện: Lưới điện quốc gia đã được
kéo đến hầu hết các địa phương trong tỉnh. Việc cung cấp điện cho các cửa hàng
xăng dầu trên phạm vi toàn tỉnh nhìn chung thuận lợi. Nguồn điện cung cấp cho
các phụ tải của cửa hàng xăng dầu là lưới điện quốc gia, các yêu cầu về sắp đặt
trang thiết bị điện cho cửa hàng xăng dầu phải phù hợp theo quy định hiện hành;
- Ở những nơi không có điện lưới quốc gia có thể
sử dụng máy phát điện cỡ nhỏ, ống xả của máy nổ phải có bộ dập tàn lửa và bọc
cách điện;
- Thiết kế: Hệ thống dây dẫn điện được sử dụng
trong cửa hàng xăng dầu là các loại cáp ngầm chôn trong tường hoặc dưới đất,
các loại thiết bị khác như công tắc, đèn, cầu dao... phải là thiết bị được bọc
kín và cách điện tốt.
Cấm tuyệt đối việc sử dụng các loại thiết bị hở
như: Cầu dao, công tắc, ổ cắm đặt gần trụ bơm xăng dầu.
4.3.4. Giải pháp cấp nước:
Các cửa hàng xăng dầu đặt tại thị xã, thị trấn,
khu công nghiệp... có hệ thống cấp nước sạch của các trạm cấp nước dân cư. Một
số cửa hàng xăng dầu nằm xa khu dân cư và không có hệ thống cấp nước chung phải
sử dụng nguồn nước từ các giếng nước ngầm. Các cửa hàng loại I, II, III trên
các tuyến quốc lộ đều phải có tháp nước để cấp nước cho hệ thống chữa cháy, hệ
thống nước sinh hoạt và cấp nước cho hệ thống làm mát động cơ xe.
4.3.5. Giải pháp thoát nước
và vệ sinh môi trường:
Mặt bằng xây dựng cửa hàng được san lấp và tạo độ
dốc thoát nước tự nhiên. Mặt bằng cửa hàng xăng dầu không được láng bằng bê
tông nhựa đường. Nước thải được chia ra hai loại: Không nhiễm xăng dầu và bị
nhiễm xăng dầu:
- Nước không bị nhiễm xăng dầu bao gồm: Nước mưa
trên nền, nước thải sinh hoạt được thải theo hệ thống hố ga, ống dẫn ra hệ thống
thoát nước chung của khu vực;
- Nước nhiễm xăng dầu bao gồm: Nước vệ sinh mặt
bằng, bãi đậu, rửa xe. Toàn bộ nước nhiễm xăng dầu được xử lý thông qua hệ thống
lắng gạn cơ học hoặc bằng phương pháp hóa lý…, sau đó được kết nối với hệ thống
thoát nước không nhiễm xăng dầu và được thoát ra ngoài. Nước thải nhiễm xăng dầu
phải được xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.
Ngoài ra trong khuôn viên cửa hàng nên bố trí một
số tiểu cảnh và hệ thống cây xanh nhằm điều hòa không khí và cải thiện môi trường.
4.3.6. Giải pháp an toàn
phòng cháy chữa cháy:
Cửa hàng được trang bị các thiết bị chữa cháy ban
đầu theo quy định hiện hành. Lắp đặt các biển hướng dẫn cho phương tiện ra vào.
Có bảng nội quy cụ thể về an toàn PCCC. Các dụng cụ chữa cháy phải đặt ở xa những
nơi dễ phát cháy nhưng phải đảm bảo yêu cầu dễ thấy và dễ lấy.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
1. Sở Công thương:
- Tổ chức công bố công khai quy hoạch đã được
phê duyệt đến các cấp, các ngành, các huyện, thị xã, các thành phần kinh tế và
nhân dân trong tỉnh biết để triển khai thực hiện. Phổ biến, hướng dẫn các tổ chức,
cá nhân thực hiện đúng quy trình cấp mới, sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng
ký kinh doanh xăng dầu;
- Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh
và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã triển khai thực hiện đúng quy hoạch, cũng
như thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, xử lý các
trường hợp vi phạm và giải quyết các khiếu nại có liên quan theo đúng thẩm quyền,
trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, xử lý;
- Định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo kết quả triển
khai thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.
2. Các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với
Sở Công thương triển khai thực hiện quy hoạch đồng bộ với quy hoạch ngành lãnh
thổ trên địa bàn tỉnh.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công
thương, Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện,
thị xã và các đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.