Quyết định 109/QĐ-UBND Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2024 trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng

Số hiệu 109/QĐ-UBND
Ngày ban hành 16/01/2024
Ngày có hiệu lực 16/01/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Lê Trung Chinh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 109/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 16 tháng 01 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH RÀ SOÁT, ĐÁNH GIÁ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 năm 5 năm 2013 và Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017);

Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2024 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Trên cơ sở Kế hoạch này, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã chịu trách nhiệm xây dựng Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2024 tại cơ quan, đơn vị. Giao Ủy ban nhân dân các quận, huyện hướng dẫn Ủy ban nhân dân các phường, xã thực hiện việc rà soát, đánh giá thủ tục hành chính theo lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ;
- CT, PCT UBND thành phố;
- Cổng Thông tin điện tử thành phố;
- Lưu: VT, KSTT.

CHỦ TỊCH




Lê Trung Chinh

 

KẾ HOẠCH

RÀ SOÁT, ĐÁNH GIÁ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 109/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Rà soát các quy định, thủ tục hành chính (TTHC) nhằm kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc hủy bỏ những quy định hành chính, TTHC hoặc các yêu cầu, điều kiện tuân thủ TTHC rườm rà, phức tạp, chồng chéo, mâu thuẫn được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đang gây khó khăn, cản trở trong quá trình giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

b) Triển khai thực hiện Kế hoạch hoạt động kiểm soát TTHC năm 2024 của thành phố; bảo đảm đơn giản hóa TTHC và các quy định có liên quan, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước; tăng cường thực hiện liên thông TTHC.

2. Yêu cầu

a) Hoạt động rà soát, đánh giá TTHC phải được thực hiện thường xuyên, có trọng tâm; bảo đảm một TTHC được thực hiện là cần thiết, hợp lý và hợp pháp với lợi ích đơn giản hóa TTHC đạt được cao nhất. Việc tổ chức rà soát phải được thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát TTHC (sau đây gọi tắt Thông tư số 02/2017/TT-VPCP).

b) Kết quả rà soát, đánh giá TTHC phải cụ thể, thiết thực, đáp ứng được các mục tiêu đề ra.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Nội dung rà soát, đánh giá

Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố và UBND các quận, huyện, phường, xã được quyền lựa chọn những lĩnh vực có nhiều TTHC hoặc nhóm TTHC vướng mắc, bất cập, gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân để tiến hành rà soát, đánh giá, nhưng phải đảm bảo rà soát, đánh giá ít nhất 50% tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị.

[...]