Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 1047/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án “Đột phá về công tác cán bộ tại các cơ quan, đơn vị khối nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025"

Số hiệu 1047/QĐ-UBND
Ngày ban hành 02/06/2022
Ngày có hiệu lực 02/06/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Lê Duy Thành
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1047/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 02 tháng 6 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐỘT PHÁ VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ TẠI CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ KHỐI NHÀ NƯỚC TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2022-2025"

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Luật Viên chức năm 2010; Luật sửa đổi một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ;số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức;số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức;

Căn cứ các Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: số 10-NQ/TU ngày 20/11/20219 về xây dựng đội ngũ trí thức và trọng dụng nhân tài tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020 - 2025; số 08-NQ/TU ngày 22/9/2021 về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Các Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: số 05-ĐA/TU ngày 05/11/2021 về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2021-2025; số 06-ĐA/TU ngày 05/11/2021 đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025

Căn cứ Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 03/8/2021 của HĐND tỉnh về một số chính sách đặc thù xây dựng đội ngũ trí thức và thu hút trọng dụng người có tài năng tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025;

Theo đề nghị của Sở Nội vụ tại Tờ trình số 257/TTr-SNV ngày 10/5/2022 về việc phê duyệt Đề án “Đột phá về công tác cán bộ tại các cơ quan, đơn vị khối Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025".

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Đột phá về công tác cán bộ tại các cơ quan, đơn vị khối Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025” (Chi tiết Đề án kèm theo quyết định này).

Điều 3. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Duy Thành

 

ĐỀ ÁN

ĐỘT PHÁ VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ TẠI CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ KHỐI NHÀ NƯỚC TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2022-2025
(Kèm theo Quyết định số 1047/QĐ/UBND ngày 02/6/2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

Phần thứ nhất

ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH, CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CHUNG

Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ và trong quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội, có diện tích tự nhiên hơn 1.235,87 km2 với dân số 1.181.313 người; có 3 vùng sinh thái: đồng bằng, trung du và miền núi; tỉnh có 21 cơ quan chuyên môn, 09 đơn vị hành chính cấp huyện (02 thành phố và 7 huyện) và 136 xã, phường, thị trấn (105 xã, 15 phường, 16 thị trấn) 1.236 thôn, tổ dân phố (900 thôn, 336 tổ dân phố).

Từ khi tái lập tỉnh đến nay (từ ngày 01/01/1997 - 01/01/2022), kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc đã có bước phát triển vượt bậc cả về lượng và chất. Trong giai đoạn 1997-2021, tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân tăng 13,44%/năm. GRDP bình quân đầu người liên tục tăng trưởng, vượt mức bình quân của cả nước; năm 2020 đạt 105,5 triệu đồng/người (tương đương 4.500 USD), cao gấp 1,73 lần so với mức trung bình của cả nước (2.779 USD), đứng thứ 5/11 tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và đứng vị trí thứ 10/63 tỉnh/thành phố cả nước; Quy mô GRDP tỉnh Vĩnh Phúc năm 2021 theo giá hiện hành ước đạt 136,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 10,2% so với năm 2020. Đưa giá trị GRDP bình quân đầu người lên 114,27 triệu đồng/người, tăng 8,8 triệu đồng/người, tương đương tăng 8,30% so với năm 2020, cao gấp 52,5 lần so với GRDP bình quân đầu người năm 1997 chỉ ở mức 2,18 triệu đồng/người. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2021 tăng 8,02% so với cùng kỳ năm 2020 đứng thứ 9 cả nước. Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến, đan xen cả thuận lợi và khó khăn, thách thức do hậu quả của thiên tai bão lũ liên tiếp xảy ra, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động bất lợi đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Song với sự đoàn kết, nỗ lực quyết tâm cao của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Chính phủ, các địa phương, các tổ chức, cá nhân, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh bình quân tăng 6,86%/năm.

Sau 05 năm thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU ngày 30/11/2016 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương 6 khóa XII, với sự quyết tâm, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và toàn thể các cơ quan trong hệ thống chính trị của tỉnh nên công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đến nay đã cơ bản hoàn thành và đạt được mục tiêu đề ra. Bộ máy các cơ quan của tỉnh được kiện toàn sắp xếp tinh gọn, giảm 194 đầu mối. Một số cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp đơn ngành, đơn lĩnh vực được sắp xếp lại theo mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực tạo sự liên thông, thống nhất giải quyết trong công việc. Kết quả tinh giản biên chế đã giảm 10% biên chế giao so với năm 2015. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chính sách tinh giản biên chế được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, làm thay đổi nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân về sự cần thiết của chính sách tinh giản biên chế, tiết kiệm chi ngân sách. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực về chất lượng, hiệu quả trong công tác góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

II. CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Cơ sở chính trị

- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021-2026.

[...]