Quyết định 1013/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

Số hiệu 1013/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/06/2015
Ngày có hiệu lực 18/06/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Long
Người ký Phan Anh Vũ
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1013/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 18 tháng 6 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH CÔNG THƯƠNG PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 2146/QĐ-TTg, ngày 01/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 11476/QĐ-BCT, ngày 18 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành công thương thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công thương tại Tờ trình số 885/TTr-SCT ngày 12 tháng 6 năm 2015 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Công thương chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các sở ngành tỉnh, các đơn vị có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công thương, thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Anh Vũ

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH CÔNG THƯƠNG PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1013/QĐ-UBND, ngày 18/6/2015 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

Thực hiện Quyết định số 2146/QĐ-TTg, ngày 01 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 11476/QĐ-BCT, ngày 18 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành công thương thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể như sau.

I. THỰC TRẠNG NGÀNH CÔNG THƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG:

1. Kết quả phát triển ngành công thương thời gian qua:

- Ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh duy trì được mức tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 13,81%/năm. Tính theo giá so sánh 2010 thì qui mô giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 ước đạt 24.670 tỷ đồng, tăng 1,9 lần so với năm 2010; tốc độ tăng bình quân 13,67%/năm.

- Công nghiệp chế biến có bước tăng trưởng khá, đã hình thành một số ngành hàng có lợi thế so sánh của tỉnh như giày da, may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, bia đóng lon, thức ăn chăn nuôi, gạch - gốm… Các doanh nghiệp ngày càng chú trọng đến việc đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh.

- Kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tập trung được quan tâm đầu tư tạo điều kiện thu hút các dự án sản xuất kinh doanh; khu công nghiệp HPhú (giai đoạn 1 và 2), khu công nghiệp Bình Minh và tuyến công nghiệp Cổ Chiên đã thu hút 36 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư (11 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 25 dự án có vốn đầu tư trong nước), với tổng vốn triển khai 985,5 tỷ đồng, đạt 25,06% so với số vốn đăng ký 3.931,2 tỷ đồng; diện tích đất triển khai được 86,3 ha, đạt 49,18% so với 175,42 ha đã thuê.

- Tỉnh đã định hướng quy hoạch phát triển 14 cụm công nghiệp với tổng diện tích 692,41 ha. Tiểu thủ công nghiệp khu vực nông thôn tiếp tục được mở rộng và phát triển, nhất là việc bảo tồn và phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống góp phần khai thác tốt nguồn nguyên liệu địa phương, giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động tại chỗ. Hoạt động khuyến công mở rộng thêm nhiều nội dung hỗ trợ doanh nghiệp và ngày càng đi vào chiều sâu. Số lượng cơ sở sản xuất có gia tăng phát triển, nhiều ngành nghề có xu hướng tăng trưởng cao như: Chế biến nông sản - lương thực - thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, giày da…

- Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP đến năm 2015 đạt 22,2%; trong đó riêng công nghiệp đạt 19%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 61% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

- Hoạt động nội thương đạt tốc độ phát triển nhanh, tổng mức bán lẻ hàng hvà doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 15%/năm; tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP đến năm 2015 chiếm 44,4%. Hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước bước đầu đã tạo cầu nối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tăng cường hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn thông qua việc tổ chức các phiên chợ ở các huyện. Hệ thống chợ trong tỉnh được quan tâm đầu tư nâng cấp, việc chuyển đổi Ban quản lý chợ sang doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác kinh doanh chợ có chuyển biến tích cực, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Hiện nay có 19 chợ, trung tâm thương mại do doanh nghiệp, hợp tác xã và tư nhân khai thác kinh doanh. Đến nay, toàn tỉnh có 5 siêu thị và 116 chợ (02 chợ hạng 1, 25 chợ hạng 2 và 89 chợ hạng 3). Thực hiện tốt công tác bình ổn giá cả, kiểm soát thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoá, đầu cơ tăng giá, nhất là trong các dịp lễ Tết.

- Hoạt động xuất nhập khẩu đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế của tỉnh, trong thời gian qua xuất khẩu đã có những phát triển nhanh chóng góp phần tiêu thụ hàng nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm của tỉnh, đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho tỉnh. Bình quân giai đoạn 2011-2015, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân 5,3%/năm. Năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 330 triệu USD, qui mô gấp 1,3 lần so với năm 2010. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tích cực, hàng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng cao (từ 37% năm 2010 tăng lên 61% năm 2015).

2. Mặt hạn chế:

[...]