ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1005/QĐ-UBND
|
Nam Định, ngày 02 tháng 6 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN
Ý YÊN ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của
Chính phủ về lập, phê duyệt, quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã
hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính
phủ;
Căn cứ Quyết định 2341/QĐ-TTg ngày 02/12/2013 của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh
Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1588/QĐ-UBND ngày 15/9/2014 của
UBND tỉnh Nam Định phê duyệt đề cương, nhiệm vụ lập quy hoạch phát triển kinh
tế - xã hội huyện Ý Yên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Báo cáo thẩm định số 310/BCTĐ-QHYY ngày 27/4/2015
của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Ý
Yên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị tại Tờ trình số 115/TTr-SKHĐT ngày 13/5/2015
của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh
tế - xã hội huyện Ý Yên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội huyện Ý Yên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (sau
đây gọi tắt là Quy hoạch), với các nội dung chủ yếu sau:
I. Quan điểm phát triển
1. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Ý Yên
đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định và đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy
hoạch phát triển ngành, lĩnh vực đã được UBND tỉnh phê duyệt.
2. Phát triển huyện Ý Yên trở thành địa bàn có không
gian rộng mở kết nối giữa hai thành phố Nam Định và Ninh Bình, phát triển thương
mại dịch vụ theo các tuyến quốc lộ 10, quốc lộ 37B, quốc lộ 38B, đường trục
phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh
Bình và đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Hải Phòng. Chú trọng phát triển
kinh tế công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và là nơi cung cấp các loại hàng hóa
nông sản cho thành phố Ninh Bình và Nam Định.
3. Tăng cường đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng
kinh tế - xã hội, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế và cải thiện đời
sống nhân dân. Thu hút đầu tư có trọng điểm để phát triển các điểm thương mại,
dịch vụ lớn và phát triển hạ tầng các khu - cụm công nghiệp. Quy hoạch xây dựng
và phát triển trục đô thị Lâm - Yên Bằng - Bo (Yên Chính).
4. Phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn
đề xã hội, tạo công ăn việc làm và xoá đói giảm nghèo. Chú trọng các biện pháp
bảo vệ môi trường tại các khu - cụm công nghiệp, làng nghề, đô thị và vùng nông
thôn.
5. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố thế
trận quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội và ổn định an ninh nông thôn.
II. Mục tiêu phát triển
1. Mục tiêu tổng quát
Khai thác lợi thế là huyện có nhiều ngành nghề truyền
thống phát triển, nhiều tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ đi qua, nhất là
vị trí kết nối giữa đường cao tốc Bắc Nam, quốc lộ 10, đường trục phát triển
kết nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định và thành phố Ninh Bình để phát triển
mạnh lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ. Chú trọng tăng trưởng kinh tế với bảo vệ
môi trường, nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo đảm
an sinh xã hội, thực hiện giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2020, Ý
Yên là huyện có trình độ phát triển ở mức trung bình khá của tỉnh Nam Định.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Về phát triển kinh tế
- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (theo
giá 2010) bình quân thời kỳ 2015-2020 đạt 12%/năm, thời kỳ 2021-2030 đạt
14%/năm.
- Đến năm 2020: Cơ cấu kinh tế các ngành công
nghiệp và xây dựng - dịch vụ - nông lâm thủy sản tương ứng là 50% - 35% - 15%;
giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 140 triệu đồng.
- Đến năm 2030: Cơ cấu kinh tế các ngành công nghiệp
và xây dựng - dịch vụ - nông lâm thủy sản tương ứng là 60% - 32% - 8%; giá trị
sản xuất bình quân đầu người đạt 380 triệu đồng.
2.2. Về phát triển xã hội và an ninh, quốc phòng
- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân hàng năm 0,9%;
giảm tỷ suất sinh bình quân hàng năm 0,15-0,2°/oo; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình
quân hàng năm 1%.
- Hàng năm tạo việc làm cho 4.000 - 4.500 lượt người,
đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên 60%.
- Tập trung xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020 có
25 xã, thị trấn đạt đầy đủ tiêu chí nông thôn mới, bằng 80% tổng số xã, thị trấn.
- Đẩy mạnh thực hiện công tác chăm sóc và bảo vệ sức
khỏe nhân dân, đến năm 2020 tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn dưới
10%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên 80% dân số.
- Đến năm 2020, về cơ bản thu gom và xử lý 100% rác
thải sinh hoạt; 100% dân số khu vực đô thị sử dụng nước sạch và 100% dân số khu
vực nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh.
- Củng cố và phát triển nền quốc phòng toàn dân và thế
trận an ninh nhân dân, ổn định vững chắc an ninh nông thôn và trật tự an toàn
xã hội.
III. Định hướng phát triển các
ngành, lĩnh vực
1. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Khuyến khích và tạo điều kiện phát triển công nghiệp
trở thành ngành kinh tế chủ lực của huyện, phấn đấu tăng trưởng giá trị sản
xuất công nghiệp (theo giá 2010) bình quân thời kỳ 2015-2020 đạt trên 17%/năm,
thời kỳ 2021- 2030 đạt trên 19%/năm, trong đó trọng tâm là các ngành nghề sau:
- Cơ khí đúc và gia công kim loại với các sản phẩm chính
như đúc đồng, kim khí, đồ gia dụng,... nâng cao chất lượng và quảng bá thương
hiệu sản phẩm đúc Ý Yên trong và ngoài nước.
- Đồ gỗ mỹ nghệ với chú trọng nâng cao hơn nữa độ tinh
sảo, thẩm mỹ của các sản phẩm để cung cấp cho các thị trường trong và ngoài
nước.
Tiếp tục chú trọng phát triển các ngành nghề đã định
hình lâu dài trên địa bàn huyện như hàng thủ công mây tre đan, thêu ren, đồ gỗ
mỹ nghệ, may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng,... khuyến khích đầu tư đổi mới
thiết bị công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất và khả năng
cạnh tranh của sản phẩm, bảo vệ môi trường.
Nghiên cứu đánh giá và đề xuất xây dựng khu công nghiệp
Hồng Tiến (quy mô 150 ha) và Trung Thành (quy mô 200 ha) trong giai đoạn sau
năm 2020. Mở rộng cụm công nghiệp thị trấn Lâm (từ 13 ha lên 21,2 ha) trong giai
đoạn đến năm 2020; xem xét khả năng hình thành các cụm công nghiệp đã được quy
hoạch gồm Yên Xá (12 ha) và Yên Ninh (20 ha) trong giai đoạn sau năm 2020. Nghiên
cứu quy hoạch, hình thành các điểm công nghiệp tại các xã có nghề sản xuất phát
triển (Yên Trị, Yên Bình, Yên Cường, Yên Nhân, Yên Phong,...).
2. Phát triển dịch vụ, du lịch, thương mại
Trên địa bàn huyện có nhiều tuyến đường cao tốc, quốc
lộ, tỉnh lộ chạy qua là điều kiện thuận lợi để quy hoạch hình thành các điểm
thương mại - dịch vụ hiện đại trên tuyến. Phấn đấu tăng trưởng giá trị dịch vụ
(theo giá 2010) bình quân thời kỳ 2015-2020 đạt 12%/năm, thời kỳ 2021-2030 đạt
14%/năm.
Quy hoạch xây dựng trung tâm thương mại tổng hợp có
tính chất vùng tại Cao Bồ để khai thác lợi thế về vị trí đầu mối kết nối với đường
cao tốc Bắc Nam, quốc lộ 10, đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển
tỉnh Nam Định với thành phố Ninh Bình.
Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia các hoạt
động thương mại, dịch vụ, đầu tư nâng cấp hạ tầng thương mại - dịch vụ tại thị
trấn Lâm, khu vực Yên Bằng (đầu cầu Non Nước), khu vực Bo (Yên Chính); cải tạo
và nâng cấp các chợ nông sản đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hoá của người
dân.
Xây dựng dự án du lịch làng nghề Ý Yên để gắn với tuyến
du lịch trong và ngoài tỉnh.
3. Phát triển nông nghiệp, thuỷ sản
Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả đề án tái cơ
cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện. Xác định cây trồng chủ lực thuận lợi
canh tác (lúa chất lượng cao, lạc, ngô, khoai tây, đậu tương) để quy hoạch xây
dựng thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung mô hình “cánh đồng lớn” gắn với
bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Phấn đấu tăng trưởng
giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản (giá năm 2010) bình quân đạt 2,5-3%/năm
trong suốt thời kỳ quy hoạch.
Khuyến khích phát triển mô hình
tích tụ ruộng đất trong nội bộ nông dân, liên kết doanh nghiệp với nông dân
(doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm) để
hình thành các cánh đồng, vùng sản xuất quy mô tập trung từ 10-40 ha. Phát
triển vùng sản xuất rau, hoa quả công nghệ cao cung ứng nông sản cho thành phố
Ninh Bình và Nam Định, các đô thị, các khu, cụm công nghiệp.
Phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại
tập trung xa khu dân cư với các con nuôi chủ lực lợn, gà, vịt. Hình thành các
vùng chăn nuôi tại các xã thuần nông: Yên Trung, Yên Nghĩa, Yên Thành, Yên Thọ,
Yên Tân,... mỗi vùng có từ 01 đến 02 trang trại làm hạt nhân liên kết với các
doanh nghiệp.
Quy hoạch đất và chủ động phối hợp với các đơn vị có
liên quan trong quá trình hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (quy
mô 200 ha) theo Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
4. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chủ yếu
4.1. Giao thông
Phối hợp tích cực trong thực hiện giải phóng mặt bằng
khi Trung ương và tỉnh triển khai đầu tư mới hoặc nâng cấp công trình giao thông
trọng điểm (đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Hải Phòng; đường trục phát
triển kết nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh
Bình; nút giao đầu mối Cao Bồ; quốc lộ 10;....).
Nâng cấp, mở rộng và làm mới các tuyến đường chính và
đường nội thị, đường giao thông trong khu đô thị mới, các khu tái định cư,...
Hoàn thành nâng cấp tỉnh lộ 485, các tuyến huyện lộ (đường 57B và 57C) và làm
mới các đường huyện, xã, thôn xóm, đường trục chính nội đồng. Phấn đấu đến năm
2020 cơ bản cứng hóa đường giao thông nông thôn.
4.2. Cấp điện
Nâng cấp và xây dựng mới hệ thống trạm biến áp 220 KV,
110 KV và truyền tải điện để đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất công nghiệp, thương
mại, dịch vụ và điện sinh hoạt trong nhân dân. Quy hoạch cấp điện cho khu công
nghiệp Hồng Tiến và Trung Thành làm định hướng đầu tư xây dựng cho giai đoạn
sau năm 2020.
4.3. Thuỷ lợi và cấp nước
Tiếp tục nâng cấp, phát huy năng lực thiết kế của các
công trình thuỷ lợi hiện có, tăng cường nạo vét, cứng hoá kênh mương đáp ứng
yêu cầu tưới tiêu. Tu bổ, nâng cấp, kiên cố hóa hệ thống đê kè.
Đầu tư nâng công suất các nhà máy cung cấp nước sạch
hiện có và nối mạng đường ống để đến năm 2020 có 100% dân số khu vực đô thị sử
dụng nước sạch và 100% dân số khu vực nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh.
4.4. Xử lý chất thải và vệ sinh môi trường
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường quan trắc,
kiểm soát nguồn xả thải từ sản xuất tại các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi
trường nghiêm trọng (đúc kim loại, chắp nứa, sơn mài,...). Quy hoạch thu gom và
đầu tư hệ thống xử lý nước thải từ các cụm công nghiệp, làng nghề để từng bước
giảm ô nhiễm môi trường. Xử lý rác thải theo hướng chuyển từ chôn lấp sang sử
dụng lò đốt rác với công nghệ mới, giá thành hợp lý là chủ yếu.
5. Phát triển các lĩnh vực xã hội
Nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực, duy trì
mức sinh hợp lý để ổn định quy mô dân số. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn
với giới thiệu việc làm, tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề và nơi
sử dụng lao động.
Tiếp tục củng cố và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu
quả giáo dục và đào tạo, xây dựng trường chuẩn quốc gia (đến năm 2020 có 30%
trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 55% trường THCS và 3/7 trường THPT
đạt chuẩn quốc gia). Xây dựng Trường THCS Lê Quý Đôn, Trường THPT Tống Văn Trân
đạt tiêu chuẩn cơ sở giáo dục chất lượng cao.
Thực hiện các chương trình y tế quốc gia và vệ sinh
phòng bệnh, khống chế và đẩy lùi các dịch bệnh. Tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất,
thiết bị, chất lượng khám chữa bệnh của Bệnh viện đa khoa Ý Yên. Phấn đấu đến
năm 2020 số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt trên 55%.
Nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây
dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2020 có
75% thôn, xóm đạt tiêu chuẩn làng văn hóa, 80% gia đình văn hóa.
6. Phát triển đô thị, nông thôn
a) Phát triển đô thị
Quy hoạch phát triển trục đô thị Lâm - Yên Bằng - Bo
(Yên Chính) theo hướng là các đô thị phát triển công nghiệp - thương mại, dịch
vụ. Thành lập thị trấn Yên Bằng trước năm 2020 và xây dựng thành thị xã Yên
Bằng trong giai đoạn 2021-2030, là đô thị dịch vụ - thương mại, công nghiệp gắn
với khu vực nút giao Cao Bồ và dọc theo sông Đáy. Quy hoạch phát triển đô thị
Bo (Yên Chính) thành đô thị loại V trong giai đoạn 2021-2030.
Tập trung xây dựng khu đô thị tại
thị trấn Lâm có hạ tầng đồng bộ, kết nối thuận tiện với khu vực cũ của thị trấn
và khả năng mở rộng trong giai đoạn phát triển tiếp sau.
b) Xây dựng nông thôn mới
Tiếp tục củng cố vững chắc các tiêu chí nông thôn mới
của các xã đạt tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2010-2015. Trong giai đoạn 2016
- 2020 chỉ đạo triển khai xây dựng nông thôn mới tại 21 xã còn lại; đến năm
2020 có 25 xã, thị trấn đạt đầy đủ tiêu chí nông thôn mới, bằng 80% tổng số xã,
thị trấn.
7. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng
nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, củng cố thế trận khu
vực phòng thủ huyện trên tuyến quốc lộ 10. Hoàn thành các nhiệm vụ quân sự địa
phương hàng năm. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định an
ninh nông thôn; chủ động phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội vùng giáp
ranh ven sông Đáy.
IV. Danh mục các dự án ưu tiên
đầu tư
(Phụ lục kèm theo)
V. Các giải pháp thực hiện quy
hoạch
1. Các giải pháp huy động vốn đầu tư
Xác định danh mục một số dự án hạ tầng trọng điểm của
huyện (nâng cấp tuyến đê tả sông Đáy; các dự án thủy nông, thủy lợi trọng điểm;
giao thông;....) vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020
của tỉnh đầu tư bằng vốn ngân sách Trung ương. Phối hợp với các Sở, ban, ngành
của tỉnh đề xuất, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư một số công trình hạ
tầng trọng điểm đầu tư trong kế hoạch đầu tư công thuộc giai đoạn 2021-2030.
Lựa chọn xây dựng khu đô thị tại thị trấn Lâm ở vị trí
thuận lợi, tạo nguồn thu từ đất để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm của
huyện. Khẩn trương lập quy hoạch xây dựng thị trấn Bo và quy hoạch thị xã Yên
Bằng, trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp tại Cao Bồ để có căn cứ lập kế hoạch
khai thác vốn từ cấp quyền sử dụng đất.
Quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp Yên Xá, Yên Ninh,
các điểm công nghiệp để chuyển cơ sở sản xuất từ bên ngoài và thu hút thêm
doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất trong cụm công nghiệp. Chủ động phối hợp với
các ngành chức năng của tỉnh trong quá trình quy hoạch, xây dựng và thu hút đầu
tư vào các khu công nghiệp Hồng Tiến, Trung Thành và khu nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao trong giai đoạn sau năm 2020.
2. Giải pháp phát triển nguồn lao động
Thực hiện hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông
thôn đến năm 2020 theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chú trọng
đào tạo nghề phục vụ nguồn lao động cho ngành sản xuất chủ yếu của huyện: Nghề
đúc, kim khí, đồ gỗ mỹ nghệ, dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ,... để cung cấp lao
động có tay nghề cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn.
3. Giải pháp về ứng dụng khoa học - công nghệ
Khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở đúc kim
loại, sản xuất đồ gỗ, hàng thủ mỹ nghệ tại các cụm công nghiệp, làng nghề đổi mới
thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm ô nhiễm môi trường. Phối hợp
với Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ, bảo hộ quyền sở
hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm tiêu biểu của huyện. Hình thành
các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để cung cấp hàng hóa nông
sản sạch, an toàn thực phẩm cho thành phố Ninh Bình và các đô thị.
4. Giải pháp phối hợp và hợp tác
Huyện Ý Yên phối hợp chặt chẽ
với các Sở, ban, ngành và các huyện, thành phố thuộc tỉnh trong quá trình phát triển
kinh tế - xã hội, tập trung vào các lĩnh vực sau:
- Giải phóng mặt bằng, triển khai đầu tư các công trình
hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn. Quy hoạch, hình thành các khu công
nghiệp Hồng Tiến, Trung Thành và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Đề xuất chủ trương đến tổ chức thực hiện các dự án
đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm của huyện.
- Triển khai lập quy hoạch xây dựng thị trấn Bo, thị
xã Yên Bằng; quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp Yên Xá, Yên Ninh; quy hoạch phát
triển trung tâm thương mại tổng hợp tại Cao Bồ.
- Hợp tác trong quảng bá giới thiệu các sản phẩm đúc,
đồ gỗ mỹ nghệ tiêu biểu của huyện để phát triển thương hiệu và thị trường. Kết
nối các tour du lịch trong tỉnh, trong vùng đến với các làng nghề trong huyện
(đúc đồng, đồ gỗ mỹ nghệ,...).
Điều 2. Tổ chức và giám sát thực hiện quy hoạch
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện
Ý Yên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là cơ sở cho việc lập, trình duyệt
và triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm, quy hoạch và kế hoạch khác có liên
quan, lập các dự án đầu tư trên địa bàn huyện.
1. Giao Ủy ban nhân dân huyện Ý Yên:
- Tổ chức công bố, phổ biến nội dung cơ bản của Quy
hoạch đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp
và nhân dân.
- Xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa các
định hướng phát triển trong quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã
hội 5 năm và hàng năm. Phối hợp với các Sở, ban, ngành tổ chức các hoạt động xúc
tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước
và các thành phần kinh tế tham gia thực hiện phát triển kinh tế - xã hội theo
Quy hoạch.
- Tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện các dự án
đầu tư phát triển trên địa bàn huyện theo chức năng được phân công.
- Thường xuyên rà soát, cập nhật, trình UBND tỉnh xem
xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung quy hoạch này kịp thời, phù hợp với tình
hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện và của tỉnh trong từng giai đoạn quy
hoạch.
2. Các Sở, ban, ngành liên quan trong phạm vi chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
- Hướng dẫn UBND huyện Ý Yên lập và bổ sung các quy
hoạch khác và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm phù
hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn nhằm sử dụng
có hiệu quả các nguồn lực, khuyến khích thu hút đầu tư theo mục tiêu, nhiệm vụ
phát triển kinh tế - xã hội.
- Trong quá trình lập mới hoặc rà soát, bổ sung quy
hoạch phát triển ngành, lĩnh vực có liên quan đến phạm vi hành chính huyện Ý Yên
cần phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Ý Yên để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất
của Quy hoạch.
Điều 3. - Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban
hành.
- Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các
Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND huyện Ý Yên và các tổ chức, cá nhân có liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.