Quyết định 10/2017/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2018-2021”

Số hiệu 10/2017/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/06/2017
Ngày có hiệu lực 05/07/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Đỗ Đức Duy
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2017/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 22 tháng 6 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI, GIAI ĐOẠN 2018 – 2021”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Hòa giải ở cơ sở ngày 20 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTP-BTC ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở;

Căn cứ Nghị quyết số 16/2017/NQ-HĐND ngày 10 tháng 04 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khóa XVIII - kỳ họp thứ 5 (chuyên đề) thông qua ngày 10 tháng 4 năm 2017 về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2018 - 2021;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 37/TTr-STP ngày 11 tháng 5 năm 2017 về việc đề nghị phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2018 - 2021”.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2018 – 2021”.

Điều 2. Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 7 năm 2017. Thời gian triển khai thực hiện Đề án từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 theo Nghị quyết số 16/2017/NQ-HĐND ngày 10/4/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tư pháp; Giám đốc Sở Tài chính; thành viên Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Chính phủ;
- Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp);
- Cục Kiểm tra VB (Bộ Tư pháp);
- HĐPHPBGDPL của Chính phủ;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, Phó CT.UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- Sở Tư pháp (Phòng Kiểm tra VB);
- Như Điều 4;
- Phó VP UBND tỉnh (NC);
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Đỗ Đức Duy

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI, GIAI ĐOẠN 2018 - 2021
(Ban hành kèm theo Quyết định số
10/2017/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái)

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN

1. Đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Yên Bái là tỉnh miền núi, nằm ở trung tâm giữa Đông Bắc và Tây Bắc có vị trí chiến lược cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Tổng diện tích tự nhiên trên 6.887 km2; dân số gần 79 vạn người, mật độ dân số trung bình 115 người/km2 (tỷ lệ dân số khu vực nông thôn chiếm trên 79%); có trên 30 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 56, 24% dân số toàn tỉnh; có 9 huyện, thị xã, thành phố; 180 xã, phường, thị trấn (có 81 xã vùng cao, đặc biệt khó khăn và 2 huyện vùng cao là Trạm Tấu, Mù Cang Chải, đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 80%, nằm trong 62 huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của cả nước).

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã từng bước phát triển, đạt được những thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 11,3% (giá so sánh 94) và 5,76 (giá so sánh 2010); tỷ trọng công nghiệp - xây dựng 24,4% (2015); tỷ trọng dịch vụ 40,4% (2015); tỷ trọng nông lâm nghiệp thủy sản 24,2%; giáo dục đào tạo có chuyển biến tích cực, tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở 180/180 xã, phường, thị trấn và 9/9 huyện, thị xã, thành phố, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; sự nghiệp văn hóa, thông tin, báo chí, thể dục thể thao chuyển biến tích cực; chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên, công tác dân số, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em có tiến bộ; giải quyết việc làm, giảm nghèo, thực hiện chính sách đối với người có công và an sinh xã hội đạt nhiều kết quả; quốc phòng, an ninh được củng cố tăng cường, đảm bảo an ninh chính trị và giữ vững trật tự, an toàn xã hội; chất lượng hoạt động của chính quyền được nâng lên, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân được phát huy; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả quan trọng. Mặc dù vậy, Yên Bái vẫn là một tỉnh nghèo; hạ tầng kinh tế, xã hội còn thấp kém, quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, kinh tế phát triển chậm; đời sống của nhân dân ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; trình độ nhận thức pháp luật của cán bộ cơ sở còn hạn chế, năng lực quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở có mặt còn hạn chế. Để thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao trình độ, nhận thức pháp luật của cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu chung của đất nước cũng như yêu cầu của tỉnh trong công cuộc đổi mới hiện nay thì việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một yêu cầu cần thiết, có ý nghĩa quan trọng và xuất phát từ những đòi hỏi, yêu cầu khách quan.

[...]