Quyết định 10/2009/QĐ-UBND về Kế hoạch của Ủy ban nhân dân huyện thực hiện Chương trình hành động của Huyện ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết 26-NQ/TW năm 2008 do Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 10/2009/QĐ-UBND
Ngày ban hành 04/06/2009
Ngày có hiệu lực 11/06/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Huyện Củ Chi
Người ký Lê Minh Tấn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN CỦ CHI
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 10/2009/QĐ-UBND

Củ Chi, ngày 04 tháng 06 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA HUYỆN ỦY VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 26-NQ/TW NGÀY 05 THÁNG 8 NĂM 2008 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA X

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN CỦ CHI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Chương trình hành động số 43-Ctr/TU ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X;
Xét đề nghị của Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch của Ủy ban nhân dân huyện thực hiện Chương trình hành động của Huyện ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X.

Điều 2. Thủ trưởng các phòng - ban, đơn vị thuộc huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, nhằm thực hiện Kế hoạch này đạt hiệu quả cao nhất.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 7 (bảy) ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện, Thủ trưởng các phòng - ban, đơn vị thuộc huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Minh Tấn

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA HUYỆN ỦY VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 26-NQ/TW NGÀY 05 THÁNG 8 NĂM 2008 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA X
(Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 04 tháng 6 năm 2009 của Ủy ban nhân dân huyện)

Trong những năm qua, nhất là từ năm 1996 đến nay kinh tế đất nước phát triển nhanh, đời sống nông dân, bộ mặt nông thôn, ngành nông nghiệp có bước phát triển khá nhưng nhìn chung nông nghiệp chưa có sự phát triển vững chắc, cơ sở hạ tầng nông thôn chưa phát triển đồng bộ, đời sống của người nông dân còn gặp nhiều khó khăn ở khu vực mà cơ sở hạ tầng thiếu và nhất là số nông dân bị mất đất do quy hoạch xây dựng nhưng chưa có sự chuẩn bị tốt để thay đổi ngành nghề.

Củ Chi là huyện ngoại thành nằm về hướng Tây Bắc của thành phố Hồ Chí Minh với tổng diện tích tự nhiên 43.496ha. Diện tích đất nông nghiệp chiếm 78,48% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong những năm gần đây với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, cơ cấu kinh tế đang thay đổi từ nông nghiệp - công nghiệp - thương mại dịch vụ sang công nghiệp - thương mại dịch vụ - nông nghiệp. Theo kết quả điều tra nông nghiệp - nông thôn ngày 01 tháng 7 năm 2006 cơ cấu ngành nghề ở Củ Chi được thể hiện: hộ công nghiệp 32,28%, hộ nông nghiệp 29,85%, hộ thương nghiệp 16,25%, hộ dịch vụ 9,17%, hộ xây dựng 6,56%, hộ vận tải 2,26%, hộ dịch vụ khác 9,17%.

Huyện Củ Chi đang thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, đang giảm nhanh diện tích đất trồng lúa có năng suất và hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn như trồng rau an toàn, hoa, cây kiểng, cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái và trồng cỏ phục vụ cho đàn bò sữa. Trong chăn nuôi nâng đàn bò sữa, cá sấu và một số loài thủy đặc sản.

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, những biến động giá cả trên thị trường thế giới, đa số các vật tư chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, giá cả các sản phẩm nông nghiệp luôn biến động làm cho nông dân bị bắt buộc phải thay đổi cây trồng, vật nuôi đột ngột là điệp khúc gây khó khăn cho đời sống nông dân. Tình hình ô nhiễm môi trường, mưa bão thay đổi bất thường góp phần làm cho môi trường nông thôn ngày càng xuống cấp, đời sống nông dân còn gặp nhiều khó khăn là mối quan tâm rất lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nông dân Củ Chi nói riêng và ngành nông nghiệp - nông dân - nông thôn cả nước nói chung.

Trên cơ sở Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện Củ Chi đến năm 2020.

I. MỤC TIÊU - NHIỆM VỤ

1. Xây dựng phát triển nông nghiệp huyện Củ Chi theo hướng hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, gắn với đặc thù nông nghiệp ngoại thành của một thành phố lớn nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Xây dựng đội ngũ nông dân có trình độ và bản lĩnh chính trị làm chủ nông thôn, có đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, làm nền tảng chính trị, kinh tế, xã hội vững chắc, góp phần thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế chung của thành phố, xã hội nông thôn ổn định, môi trường sinh thái được bảo vệ, dân trí được nâng cao, hệ thống chính trị được tăng cường.

2. Tổ chức thực hiện các giải pháp để chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, phát triển dịch vụ nông nghiệp và công nghiệp chế biến; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nông thôn, trong đó tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông nông thôn, giao thông nội đồng phục vụ việc vận chuyển vật tư nông sản phẩm; hoàn thành hệ thống thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn, kiên cố hóa kênh mương, chủ động tưới tiêu theo yêu cầu sản xuất để khai thác hết diện tích canh tác; bảo đảm tốt các điều kiện học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, thể thao ở vùng nông thôn.

Phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm, ngư giai đoạn 2006 - 2020 bình quân tăng trên 7,07%/năm (trong đó giai đoạn 2006 - 2010 tăng trên 9%/năm, giai đoạn 2011 - 2020 tăng trên 5%/năm, đến năm 2020 tỷ trọng nông nghiệp chiếm khoảng 11% trong tổng giá trị sản xuất của huyện. Trong nông nghiệp cơ cấu nông, lâm, ngư nghiệp: trồng trọt chiếm 32,17%, chăn nuôi chiếm 48,1%, lâm nghiệp 1,07%, thủy sản 4,18%, dịch vụ nông nghiệp 14,48%. Đến năm 2010 giá trị sản xuất bình quân đạt 105 triệu đồng/ha/năm; năm 2015 giá trị sản xuất bình quân đạt 155 triệu đồng/ha/năm, năm 2020: 217 triệu đồng/ha/năm, lao động nông nghiệp còn 5,3% so với lao động của huyện; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trong tổng lao động đang làm việc trên 60%; hàng năm giải quyết việc làm cho 8.000 lao động; mức thu nhập bình quân 4.500 USD/người/năm.

3. Đầu tư nâng cấp trường, lớp đạt tiêu chuẩn theo quy định; phát triển hệ thống đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp; nâng cấp thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là trung tâm, tụ điểm văn hóa, thể dục thể thao; nâng cao trình độ giác ngộ và vị thế chính trị của giai cấp nông dân, tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và thụ hưởng những thành tựu đạt được trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học phổ thông năm 2009, có 10 bác sỹ trên 10.000 dân; đến năm 2015 hoàn thành mức chuẩn nghèo theo tiêu chí 12 triệu đồng/người/năm; 100% người nghèo ở nông thôn được chăm sóc y tế miễn phí, 100% hộ dân có đủ nước sạch sinh hoạt, 40 - 50% hộ sản xuất nông nghiệp đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi; 80% hộ nông dân đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.

4. Tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn; tăng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn (giao thông nội đồng, thủy lợi, trường học, trạm y tế, chợ). Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ tiên tiến, tạo tiền đề phát triển mạnh những năm tiếp theo. Đúc kết chương trình xây dựng nông thôn mới, giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, giữ vững ổn định chính trị, cải thiện đời sống cư dân nông thôn.

[...]