Quyết định 10/2009/QĐ-UBND về kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết 26-NQ/TW do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 10/2009/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/01/2009
Ngày có hiệu lực 01/02/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Trung Tín
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 10/2009/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 01 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA THÀNH ỦY VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 26-NQ/TW NGÀY 05 THÁNG 8 NĂM 2008 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA X

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Xét đề nghị của Ban Chỉ đạo Nông nghiệp - Nông thôn và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1738/SNN-KHTC ngày 23 tháng 12 năm 2008 về Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo Nông nghiệp - Nông thôn thành phố, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Văn phòng TU và các Ban Đảng;        
- VPHĐ-UB: PVP/KT, ĐT;
- Các Phòng CV; TTCB;
- Lưu: VT, (CNN/Đ) MH          

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trung Tín

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA THÀNH ỦY THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 26-NQ/TW NGÀY 05 THÁNG 8 NĂM 2008 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA X

(Ban hành kèm theo Quyết định số 10 /2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Trên cơ sở Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành TW Đảng khóa X, để triển khai Chương trình hành động của Thành ủy (số 43-CTr/TU ngày 20 tháng 10 năm 2008) về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện với các nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU - NHIỆM VỤ:

1. Xây dựng phát triển nông nghiệp thành phố theo hướng hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao gắn với đặc thù nông nghiệp của một đô thị lớn và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, có trình độ, bản lĩnh chính trị để làm chủ nông thôn mới, đời sống vật chất tinh thần ngày được nâng lên, khoảng cách mức sống giữa nội thành và ngoại thành được kéo giảm, tạo nền tảng chính trị, kinh tế, xã hội vững chắc, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố.

Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế phù hợp với quy hoạch và định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, xã hội nông thôn ổn định, môi trường sinh thái được bảo vệ, dân trí được nâng cao; hệ thống chính trị nông thôn được tăng cường.

2. Tổ chức thực hiện các giải pháp để chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao trong phát triển giống cây, con chất lượng cao, hình thành trung tâm giống cây, giống con, dịch vụ phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến của khu vực và Vùng kinh tế trọng điểm; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nông thôn, trong đó, tập trung nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới giao thông nông thôn, giao thông nội đồng phục vụ việc vận chuyển, cung ứng vật tư nông nghiệp, nông phẩm; kiên cố hóa kênh mương, các công trình phòng, chống ngập úng, ngăn mặn, triều cường; chủ động tưới tiêu để khai thác toàn bộ đất canh tác, nuôi trồng thủy sản và làm muối; xây dựng Trung tâm thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền và hạ tầng nghề cá; bảo đảm tốt các điều kiện học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, thể thao ở vùng nông thôn.

- Phấn đấu giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp giai đoạn 2006 - 2020 bình quân tăng trên 4,5%/năm (trong đó: giai đoạn 2006 - 2010 tăng trên 6%/năm, giai đoạn 2011 - 2020 tăng trên 4,0%/năm); đến năm 2020, tỷ trọng nông nghiệp chiếm khoảng 0,4 - 0,5% trong cơ cấu GDP của thành phố (trong đó: cơ cấu giá trị trồng trọt chiếm 30%, chăn nuôi: 30%, lâm nghiệp: 1%, thủy sản 24% và các hoạt động dịch vụ nông nghiệp: 15%). Đến năm 2010, giá trị sản xuất bình quân đạt 150 triệu đồng/ha/năm; năm 2015: 220 triệu đồng/ha/năm, năm 2020: 300 triệu đồng/ha/năm; lao động nông nghiệp giảm còn khoảng 2% so lao động của thành phố; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trong tổng lao động đang làm việc trên 65%; hàng năm giải quyết việc làm cho 40.000 - 50.000 lao động nông thôn ngoại thành. Mức thu nhập bình quân ở nông thôn 4.500 USD/người/năm (bình quân toàn thành phố 6.000USD).

3. Đầu tư nâng cấp trường, lớp học đạt chuẩn theo quy định; phát triển hệ thống đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp; nâng cấp thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là các trung tâm, tụ điểm văn hóa, thể dục thể thao; nâng cao trình độ giác ngộ và vị thế chính trị của giai cấp nông dân, tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và thụ hưởng những thành tựu đạt được trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố. Phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học phổ thông 5 huyện ngoại thành vào cuối năm 2008; đến năm 2010, có 10 bác sỹ/10.000 dân; đến năm 2015 hoàn thành mức chuẩn nghèo theo tiêu chí thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người/năm; 100% người nghèo ở nông thôn được chăm sóc y tế miễn phí; 100% hộ dân có đủ nước sạch sinh hoạt, 40 - 50% hộ sản xuất nông nghiệp đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; 80% gia đình hộ nông dân đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.

4. Từ nay đến năm 2010, các địa phương, Sở, ngành và doanh nghiệp thành phố tập trung các giải pháp để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; tăng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn (giao thông, thủy lợi, điện, nước, trường học, trạm y tế, chợ…), nhất là ở các vùng còn nhiều khó khăn; đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ tiên tiến, tạo tiền đề phát triển mạnh mẽ trong những năm tiếp theo; triển khai một bước chương trình xây dựng nông thôn mới, tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, giữ vững ổn định chính trị, cải thiện nâng cao đời sống cư dân nông thôn.

Phấn đấu hoàn thành kế hoạch, mục tiêu giai đoạn 2006 - 2010 đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua và kế hoạch, nhiệm vụ thành phố giao, trong đó: tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng trong nông nghiệp từ 5%/năm trở lên, giá trị sản xuất bình quân trên 6%/năm; hoàn thành chương trình xóa đói giảm nghèo theo tiêu chí 6 triệu đồng/người/năm trước năm 2010; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới 12 triệu đồng/người/năm còn 75%; bảo đảm trên 95% hộ dân ở nông thôn sử dụng nước sạch; 100% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh; 80% hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas xử lý chất thải; tỷ lệ che phủ cây xanh trên 38%.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CẦN TẬP TRUNG THỰC HIỆN ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao; các Sở, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các quận huyện tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ, công tác sau:

1. Xây dựng nền nông nghiệp đô thị, sinh thái theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn

1.1. Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch sản xuất nông nghiệp phù hợp với quy hoạch chung của thành phố và trên cơ sở nhu cầu của thị trường, gắn với việc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả để phát triển nông nghiệp.

[...]