Quyết định 0912/QĐ-BCT năm 2011 về Tiêu chí đánh giá, thẩm định Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành

Số hiệu 0912/QĐ-BCT
Ngày ban hành 01/03/2011
Ngày có hiệu lực 01/03/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Nguyễn Thành Biên
Lĩnh vực Thương mại

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 0912/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 01 tháng 03 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ, THẨM ĐỊNH CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI QUỐC GIA

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 0801/QĐ-BCT ngày 22 tháng 02 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thành lập Ban chỉ đạo, Hội đồng thẩm định và Ban quản lý Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Tiêu chí đánh giá, thẩm định đề án xúc tiến thương mại quốc gia.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, các thành viên Hội đồng thẩm định và Ban quản lý Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lãnh đạo Bộ;
- TTTN, TMMN, TC, PC;
- Lưu: VT, XTTM.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thành Biên

 

TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ, THẨM ĐỊNH

ĐỀ ÁN XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI QUỐC GIA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 0912/QĐ-BCT ngày 01 tháng 03 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

Stt

TÊN CHỈ TIÊU

ĐIỂM SỐ

Điểm tối đa

Điểm đánh giá

1

Đánh giá về sự cần thiết của đề án

25

 

 

- Sự phù hợp của đề án với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chiến lược xuất khẩu quốc gia/phát triển thị trường nội địa/miền núi, biên giới và hải đảo, chiến lược phát triển ngành hàng và mục tiêu của Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia;

- Sự phù hợp của đề án với thực trạng về mặt hàng, thị trường, doanh nghiệp, môi trường cạnh tranh;

- Chứng minh đề án xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp;

- Nêu rõ lý do và sự cần thiết phải triển khai thực hiện đề án;

- Làm rõ, cụ thể hóa và chi tiết hóa đề án sẽ góp phần phát triển xuất khẩu/thị trường trong nước/miền núi, biên giới và hải đảo như thế nào;

- Làm rõ, cụ thể hóa và chi tiết hóa đề án sẽ góp phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp như thế nào;

25

 

2

Đánh giá phương án triển khai

35

 

2.1

Phương án tổng thể rõ ràng, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế, tiết kiệm; phân tích rõ đối tượng mục tiêu, mặt hàng mục tiêu, thị trường mục tiêu từ đó đề ra các biện pháp phù hợp.

10

 

2.2

 

Phương án chi tiết nêu rõ:

- Kế hoạch chi tiết thực hiện từng hạng mục công việc chính khoa học, đầy đủ, hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp.

- Tiến độ và phương thức huy động nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, lịch trình triển khai hợp lý

- Phương án quảng bá, tuyên truyền: đối tượng, nội dung, phương thức, phương tiện (báo, tạp chí, radio, truyền hình, tờ rơi, panel, banderole, brochure, website, email,…),

15

 

Nội dung xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu:

Đối với đề án thông tin thương mại, nghiên cứu thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường xuất khẩu trọng điểm theo ngành hàng(khoản 1 điều 9): Làm rõ nội dung, cách thức tổ chức thực hiện, khai thác sử dụng thông tin, cơ chế cung cấp thông tin cho doanh nghiệp và các đối tượng liên quan.

Đối với đề án tuyên truyền xuất khẩu (khoản 2, điều 9):

- Phân tích rõ đối tượng, thông điệp, phương tiện, đối tác và kế hoạch truyền thông.

- Về việc mời cơ quan truyền thông nước ngoài vào Việt Nam để tuyên truyền xuất khẩu: chứng minh được năng lực và uy tín của cơ quan truyền thông, có kế hoạch và nội dung làm việc dự kiến rõ ràng, cụ thể.

Đối với đề án thuê chuyên gia tư vấn (khoản 3, điều 9): nêu rõ nội dung tư vấn, yêu cầu đối với chuyên gia tư vấn, cơ chế để doanh nghiệp tham gia và hưởng lợi từ việc thuê tư vấn.

Đối với đề án Đào tạo, tập huấn ngắn hạn trong và ngoài nước nhằm nâng cao nghiệp vụ xúc tiến thương mại (khoản 4 điều 9): nêu rõ đối tượng, nội dung, phương pháp, thời gian và địa điểm đào tạo, dự kiến giảng viên.

Đối với đề án tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm thương mại (khoản 5 điều 9): nêu rõ phương án vận động doanh nghiệp tham gia và khách tham quan giao dịch tại hội chợ; phương án truyền thông, an ninh, vệ sinh, y tế; phương án tổ chức các hoạt động phục vụ doanh nghiệp và các hoạt động liên quan khác.

Đối với đề án tổ chức đoàn giao dịch thương mại ở nước ngoài (khoản 6 điều 9): làm rõ kế hoạch, nội dung làm việc dự kiến; phương án truyền thông và phối hợp với thương vụ, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, các cơ quan xúc tiến thương mại của nước ngoài để huy động đối tác tham gia giao dịch thương mại.

Đối với đề án xúc tiến tổng hợp (khoản 7 điều 9): nêu rõ nội dung, cách thức tổ chức và chương trình làm việc dự kiến; phương án triển khai cho từng nội dung xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch.

Đối với đề án tổ chức đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam giao dịch, mua hàng (khoản 8 điều 9): làm rõ kế hoạch, nội dung làm việc dự kiến; nêu rõ phương án vận động doanh nghiệp tham gia; phương án truyền thông; phương án tổ chức các hoạt động; làm rõ yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, ngành nghề đối với doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam.

Đối với đề án tổ chức hội nghị quốc tế ngành hàng xuất khẩu tại Việt Nam (khoản 9 điều 9): làm rõ kế hoạch, nội dung làm việc dự kiến; nêu rõ phương án vận động doanh nghiệp tham gia; phương án truyền thông; phương án tổ chức các hoạt động; làm rõ yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, ngành nghề đối với doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam.

Đối với các hoạt động xúc tiến thương mại đã thực hiện có hiệu quả trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu (khoản 10 điều 9): làm rõ nội dung hoạt động đã thực hiện, thời gian, địa điểm, chứng minh kết quả cụ thể đã đạt được.

Đối với quảng bá, hỗ trợ thâm nhập thị trường nước ngoài đối với thương hiệu các hàng hóa, dịch vụ đặc trưng thuộc Chương trình thương hiệu quốc gia (khoản 11 điều 9): Làm rõ nội dung, cách thức tổ chức thực hiện, phân tích rõ đối tượng, thông điệp, phương tiện, đối tác và kế hoạch tuyên truyền, quảng bá.

 

 

Nội dung xúc tiến thương mại thị trường trong nước:

Đối với đề án tổ chức các hội chợ, triển lãm hàng tiêu dùng tổng hợp hoặc vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, giới thiệu các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đến người tiêu dùng theo quy mô thích hợp cho từng địa phương (khoản 1 điều 10): Cần có làm rõ phương án vận động doanh nghiệp tham gia, thành phần tham gia, phương án truyền thông quảng bá, các hoạt động phục vụ doanh nghiệp, người tiêu dùng, địa điểm, thời gian, quy mô hội chợ, dịch vụ mua ngoài cho trang trí tổng thể, dàn dựng gian hàng và các hoạt động liên quan khác.

Đối với đề án tổ chức các hoạt động bán hàng: thực hiện các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các khu công nghiệp, khu đô thị thông qua các doanh nghiệp kinh doanh theo ngành hàng, hợp tác xã, tổ hợp tác xã cung ứng dịch vụ trên địa bàn theo các đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (khoản 2 điều 10): Cần làm rõ phương thức làm việc với địa phương nơi tổ chức, quy mô các phiên chợ, số lượng các phiên chợ, các hoạt động chính của phiên chợ, địa điểm, thời gian, phương án truyền thông quảng bá để vận động doanh nghiệp và nhân dân tham gia hội chợ. Đặc biệt, phải chỉ ra được tính hiệu quả như: quảng bá hàng Việt, hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết chất lượng sản phẩm, kỹ năng nhận biết hàng giả, hàng nhái với hàng chất lượng Việt Nam; xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa tại địa phương nơi tổ chức, có sự kết nối giữa nhà phân phối, người bán lẻ và người tiêu dùng địa phương nằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.

Đối với đề án điều tra, khảo sát, nghiên cứu thị trường trong nước; xây dựng cơ sở dữ liệu các mặt hàng quan trọng, thiết yếu; nghiên cứu phát triển hệ thống phân phối, cơ sở hạ tầng thương mại. Các ấn phẩm để phổ biến kết quả điều tra, khảo sát, phổ biến pháp luật, tập quán, thói quen mua sắm (khoản 3 điều 10): Cần làm rõ nội dung, mục đích, thời gian, quy mô, cách thức tổ chức thực hiện, khai thác sử dụng thông tin và cách thức cung cấp cho các đơn vị.

Đối với đề án tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về hàng hóa và dịch vụ Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước qua các hoạt động truyền thông trên báo giấy, báo điện tử, truyền thanh, truyền hình, ấn phẩm và các hình thức phổ biến thông tin khác (khoản 4 điều 10): Cần nêu cụ thể nội dung, phương thức tuyên truyền, thời gian cụ thể cũng như mật độ đăng tải với mục đích làm cho người tiêu dùng Việt Nam nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; vận động người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hàng Việt khi tiêu dùng cá nhân, các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội sử dụng hàng nội địa khi thực hiện mua sắm công.

Đối với đề án hỗ trợ công tác quy hoạch, quản lý, vận hành cơ sở hạ tầng thương mại (khoản 5 điều 10): Cần nêu rõ nội dung hỗ trợ, loại quy hoạch, cơ chế vận hành, phương thức triển khai.

Đối với đề án tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại thị trường trong nước tổng hợp: tháng khuyến mại, tuần “hàng Việt Nam”, chương trình “hàng Việt”, chương trình giới thiệu sản phẩm mới, bình chọn sản phẩm Việt Nam được yêu thích nhất theo tháng, quý, năm theo các đề án được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt (khoản 6 điều 10): Làm rõ thời gian thực hiện, mục đích, phương án vận động doanh nghiệp tham gia sự kiện, phương án truyền thông quảng bá, địa điểm, thời gian, quy mô, dịch vụ mua ngoài về dàn dựng gian hàng và trang trí tổng thể; phương án tổ chức các hoạt động phục vụ doanh nghiệp, người tiêu dùng và hoạt động liên quan khác đồng thời chỉ ra được hiệu quả và lợi ích đạt được. Đồng thời, phải có phương án quản lý rủi ro để có thể giải quyết sự cố một các an toàn và nhanh chóng nhất.

Đối với đề án đào tạo, tập huấn ngắn hạn về kỹ năng kinh doanh, tổ chức mạng lưới bán lẻ; hỗ trợ tham gia các khóa đào tạo chuyên ngành ngắn hạn cho các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành đặc thù; đào tạo kỹ năng phát triển thị trường trong nước cho các đơn vị chủ trì; hợp tác với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu xây dựng chương trình phát triển thị trường trong nước (khoản 7 điều 10): Nội dung phải xác định mục tiêu rõ ràng và lợi ích cụ thể của khóa đào tạo, tài liệu đào tạo, phương pháp truyền đạt, đối tượng, thời gian và địa điểm tổ chức, chất lượng giảng viên

 

 

Nội dung xúc tiến thương mại miền núi biên giới và hải đảo:

Đối với đề án phát triển hệ thống phân phối hàng Việt từ khu vực sản xuất đến miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và hải đảo (khoản 1 Điều 11): cần nêu rõ những nội dung hoạt động chính, quy mô, thời gian thực hiện, phương thức truyền thông, tuyên truyền quảng bá để vận động doanh nghiệp tham gia, phương án tổ chức thực hiện và các hoạt động có liên quan.

Đối với đề án xây dựng và cung cấp thông tin thị trường biên giới, cửa khẩu của Việt Nam và các nước có chung biên giới (khoản 2 Điều 11): cần làm rõ nội dung, mục đích, thời gian, cách thức tổ chức thực hiện, khai thác sử dụng thông tin và cách thức cung cấp cho các đơn vị.

Đối với đề án tổ chức các hoạt động giao nhận, vận chuyển và dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới (khoản 3 Điều 11): cần làm rõ nội dung hỗ trợ, thời gian thực hiện, mục đích, cơ chế vận hành, hiệu quả và lợi ích đạt được.

Đối với đề án tổ chức hoạt động giao dịch thương mại và đưa hàng vào Khu kinh tế cửa khẩu (khoản 4 Điều 11): cần làm rõ phương án vận động doanh nghiệp tham gia, phương án truyền thông, phương án tổ chức thực hiện và các hoạt động có liên quan khác.

Đối với đề án tổ chức và phát triển hoạt động phân phối hàng Việt sang các khu vực biên giới với các nước có chung biên giới (khoản 5 Điều 11): cần nêu rõ nội dung, đối tượng, loại hàng hóa, cách thức tổ chức và phương thức triển khai, kế hoạch thực hiện.

Đối với đề án các hoạt động nâng cao năng lực cho thương nhân tham gia xuất khẩu hàng hóa qua biên giới và thương nhân tại các khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và hải đảo (khoản 6 Điều 11): cần nêu rõ đối tượng, nội dung, phương pháp, thời gian và địa điểm thực hiện, dự kiến giảng viên.

Đối với đề án tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là nông sản cho miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và hải đảo (khoản 7 Điều 11): nêu rõ đối tượng hưởng lợi, thông điệp, phương tiện truyền thông, thời gian và kế hoạch thực hiện, phương thức triển khai.

 

 

2.3

Phương án tài chính: dự trù kinh phí rõ ràng, sát thực tế, phù hợp với các quy định hiện hành.

10

 

3

Đánh giá năng lực triển khai

25

 

3.1

Kết quả các đề án do đơn vị chủ trì đã thực hiện trước đây đạt được mục tiêu đề ra về số lượng và chất lượng, đóng góp vào phát triển xuất khẩu/Thị trường trong nước/Miền núi, biên giới và hải đảo, có tính chuyên nghiệp cao, được doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đánh giá tốt.

10

 

3.2

Đơn vị chủ trì thực hiện thanh quyết toán với doanh nghiệp và cơ quan quản lý Chương trình đúng quy định.

5

 

3.3

Đơn vị chủ trì có đủ năng lực và kinh nghiệm để đảm bảo chất lượng triển khai đề án. Người trực tiếp chủ trì đề án là người có kinh nghiệm quản lý phù hợp với yêu cầu và quy mô của đề án.

5

 

3.4

Đơn vị chủ trì có khả năng phối hợp với các đối tác uy tín trong và ngoài nước để thực hiện đề án.

5

 

4

Đánh giá hiệu quả dự kiến của chương trình

15

 

 

Đề án phân tích rõ được hiệu quả chung của chương trình, lợi ích trực tiếp và gián tiếp đối với đối tượng hưởng lợi (định tính, định lượng, ngắn hạn, dài hạn), nhận diện được rủi ro, đồng thời có phương án dự phòng.

15

 

 

Tổng cộng

100

 

Từ 85 điểm trở lên: Đề án đạt

Từ 65 - 84 điểm: Đề án đạt nhưng cần điều chỉnh bổ sung

Dưới 65 điểm: Đề án không đạt

Tiêu chí 1 dưới 15 điểm: Đề án không đạt

Tiêu chí 3.2 dưới 5 điểm Không xem xét đề án

 

4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ