Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2013 tăng cường quản lý quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Số hiệu 07/CT-UBND
Ngày ban hành 17/07/2013
Ngày có hiệu lực 17/07/2013
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Chu Ngọc Anh
Lĩnh vực Bất động sản,Bộ máy hành chính

UỶ BAN NHÂN DÂN 
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/CT-UBND

Phú Thọ, ngày 17 tháng 7 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ QUỸ ĐẤT NÔNG NGHIỆP SỬ DỤNG VÀO MỤC ĐÍCH CÔNG ÍCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ

Thực hiện Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài, sau khi hoàn thành công tác giao đất, quỹ đất công ích toàn tỉnh để lại là 5.295,3 ha đất nông nghiệp, chiếm 5,9 % diện tích đất nông nghiệp, với 108.816 thửa đất, trong đó: diện tích đất để tập trung là 2.060,27 ha tại 179 xã, chiếm 39 %; diện tích đất nằm phân tán, manh mún, xen lẫn với diện tích đất giao ổn định lâu dài cho các hộ dân là 3.235,03 ha tại 227 xã, chiếm 61 %. Trong thời gian từ khi thực hiện Nghị định số 64/CP đến nay, hàng năm diện tích đất nông nghiệp được mở rộng bổ sung vào quỹ đất công ích, đến nay, theo số liệu thống kê đất đai, tổng diện tích đất công ích toàn tỉnh là 11.274,58 ha, trong đó: đất trồng cây hàng năm là 6.837,89 ha, đất trồng cây lâu năm là 2.397,38 ha, đất nuôi trồng thủy sản là 2.039,31 ha.

Việc để lại quỹ đất công ích đã tạo nguồn thu cho ngân sách cấp xã để xây dựng các công trình hạ tầng của các địa phương. Tuy nhiên, thực tế quản lý và sử dụng đất công ích còn nhiều tồn tại như: nhiều diện tích đất công ích nằm phân tán, manh mún, thậm chí để lại chung với thửa đất thuộc quỹ đất cơ bản, còn có diện tích đất công ích nằm trong khuôn viên đất thổ cư của các hộ gia đình, nhỏ lẻ không thể hiện trên bản đồ và chưa được thống kê đầy đủ gây khó khăn trong quản lý; việc quản lý quỹ đất công ích của các địa phương khác nhau: Có nơi thực hiện việc khoán thầu, thu sản phẩm hàng năm theo đúng quy định (có hợp đồng thuê đất), có nơi giao khoán qua sổ sách (không có hợp đồng thuê đất), có nơi Ủy ban nhân dân cấp xã không quản lý, để hộ gia đình, cá nhân sử dụng mà không thu bất kỳ khoản gì; hợp đồng giao khoán quỹ đất công ích còn nhiều tồn tại, như: Hết thời hạn thuê đất nhưng không gia hạn và ký lại hợp đồng, hợp đồng thuê đất sau ngày 01/01/1999 nhưng thời hạn quá 5 năm; có nơi giao sử dụng với thời gian dài, thu tiền một lần; cá biệt có trường hợp cho thuê vào mục đích sử dụng đất phi nông nghiệp, hợp đồng không quy định mục đích sử dụng đất, nội dung của hợp đồng vi phạm quy định Luật Đất đai 2003 và các quy định của pháp luật có liên quan, cá biệt có nơi ký hợp đồng cho thuê đất trái thẩm quyền, không đúng đối tượng. Về giao đất công ích cho các Hợp tác xã nông nghiệp theo Kết luận số 183-KL/TU ngày 04/9/2007 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Thọ, Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 29/7/2009 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 142/2008/NQ-HĐND ngày 22/7/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định số 2277/2008/QĐ-UBND ngày 12/8/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh còn hạn chế. Đến nay, toàn tỉnh mới giao đất cho 51/150 HTX, với 753,65 ha đất nông nghiệp và 9.497 thửa đất, chiếm 7 % diện tích đất công ích trên địa bàn tỉnh.

Từ những tồn tại trong quản lý, sử dụng đất công ích nêu trên dẫn đến phát sinh những bất cập, vướng mắc như: Nguồn thu từ đất công ích bị hạn chế, đất đai được sử dụng không hiệu quả; khi thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh phải thu hồi diện tích đất công ích (nhưng không có hợp đồng thuê đất với các hộ gia đình) hoặc đất nông nghiệp chưa giao cho các hộ gia đình, cá nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện của người dân, làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an ninh trên địa bàn.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ đất công ích trên địa bàn tỉnh, khắc phục những yếu kém trong quản lý, sử dụng quỹ đất này và thực hiện nghiêm pháp luật về đất đai, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị các cấp, các ngành tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Đối với Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:

a. Rà soát, thống kê chi tiết diện tích đất công ích trên địa bàn; diện tích đất nông nghiệp do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trả lại hoặc tặng cho quyền sử dụng cho Nhà nước, đất khai hoang, đất nông nghiệp thu hồi (diện tích đất bổ sung cho quỹ đất đích công ích); diện tích đất sản xuất nông nghiệp chưa giao, cho thuê, lập phương án sử dụng báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, thành, thị.

b. Trường hợp diện tích đất nông nghiệp do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trả lại hoặc tặng cho quyền sử dụng cho Nhà nước, đất khai hoang, đất nông nghiệp thu hồi và diện tích đất sản xuất nông nghiệp chưa giao, cho thuê vượt quá 5 % theo từng loại đất thì diện tích đất vượt đó được sử dụng để xây dựng hoặc bồi thường khi sử dụng đất khác để xây dựng các công trình công cộng của địa phương, giao cho các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản chưa được giao đất hoặc thiếu đất sản xuất.

Tiếp tục giao quỹ đất công ích cho các Hợp tác xã nông nghiệp thuê sử dụng. Việc ký hợp đồng thuê đất với các Hợp tác xã nông nghiệp thực hiện theo đúng quy định của Luật Đất đai (thời hạn hợp đồng không quá 05 năm).

Đối với những xã, phường, thị trấn chưa có Hợp tác xã nông nghiệp thì tiến hành rà soát và lập thủ tục cho các hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê diện tích đất công ích; diện tích đất nông nghiệp do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trả lại hoặc tặng cho quyền sử dụng cho Nhà nước, đất khai hoang, đất nông nghiệp thu hồi; diện tích đất sản xuất nông nghiệp chưa giao, cho thuê theo đúng quy định của Luật Đất đai.

c. Rà soát, tiến hành thanh lý những hợp đồng thuê đất đích công ích đã hết thời hạn, những hợp đồng thuê đất không đúng thẩm quyền, không đúng thời hạn, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, thành, thị để đưa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đó được phê duyệt theo đúng quy định của Luật Đất đai.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị:

a. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện việc rà soát, thống kê diện tích đất công ích; diện tích đất nông nghiệp do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trả lại hoặc tặng cho quyền sử dụng cho Nhà nước, đất khai hoang, đất nông nghiệp thu hồi; diện tích đất sản xuất nông nghiệp chưa giao, cho thuê trên địa bàn (diện tích đất nông nghiệp bổ sung vào quỹ đất công ích); rà soát việc thanh lý các hợp đồng thuê đất không đúng thẩm quyền, không đúng thời hạn, không đúng đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường.

b. Tiếp tục chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện việc giao quỹ đất công ích cho các Hợp tác xã nông nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thuê sử dụng theo đúng quy định của Luật Đất đai.

c. Tổ chức kiểm tra việc quản lý, sử dụng diện tích đất công ích; diện tích đất nông nghiệp do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trả lại hoặc tặng cho quyền sử dụng cho Nhà nước, đất khai hoang, đất nông nghiệp thu hồi; diện tích đất sản xuất nông nghiệp chưa giao, cho thuê tại các xã, phường, thị trấn để uốn nắn những tồn tại và xử lý nghiêm những sai phạm theo quy định của pháp luật.

d. Tổng hợp những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường để tháo gỡ kịp thời.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a. Hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành, thị rà soát, thống kê đất công ích; việc thu hồi đất công ích hết thời hạn hợp đồng, không đúng thẩm quyền, không đúng thời hạn; việc giao đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích cho các Hợp tác xã nông nghiệp theo quy định của Luật Đất đai; việc lập thủ tục xác lập pháp lý các thửa đất công ích, diện tích đất nông nghiệp do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trả lại hoặc tặng cho quyền sử dụng cho Nhà nước, đất khai hoang, đất nông nghiệp thu hồi, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chưa giao, cho thuê; tổng hợp, để xuất biện pháp xử lý những tồn tại, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

b. Phối hợp với Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành, thị kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm của các đơn vị sử dụng đất công ích và Uỷ ban nhân dân cấp xã trong quá trình quản lý, sử dụng quỹ đất công ích như: sử dụng không đúng mục đích, sử dụng không hết diện tích đất; để bị lấn, chiếm đất, cho mượn, cho thuê trái quy định, không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng; lấn, chiếm quỹ đất công ích của Nhà nước; sử dụng đất trái với mục đích được giao.

c. Hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện giao đất, cho thuê đất công ích, đất nông nghiệp do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trả lại hoặc tặng cho quyền sử dụng cho Nhà nước, đất khai hoang, đất nông nghiệp thu hồi, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chưa giao, cho thuê .

4. Liên minh các hợp tác xã, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 183-KL/TU ngày 04/9/2007 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Thọ, Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 29/7/2009 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 142/2008/NQ-HĐND ngày 22/7/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định số 2277/2008/QĐ-UBND ngày 12/8/2008 của UBND tỉnh đến các Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

5. Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính:

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc quản lý, sử dụng quỹ đất công ích, diện tích đất nông nghiệp do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trả lại hoặc tặng cho quyền sử dụng cho Nhà nước, đất khai hoang, đất nông nghiệp thu hồi, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chưa giao, cho thuê tại một số địa phương.

6. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức Đoàn thể:

Tuyên truyền, quán triệt, phổ biến Chỉ thị này đến đoàn viên, hội viên để tham gia thực hiện và giám sát việc thực hiện của các ngành, các cấp.

Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm nội dung Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để xem xét, giải quyết ./.

[...]