THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
08/1999/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 27 tháng 1 năm 1999
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 08/1999/QĐ-TTG NGÀY 27 THÁNG 01 NĂM
1999 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG QUỐC GIA
GIÁO DỤC
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Thực hiện Điều 5 của Quyết định số 06/1998/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 1998
của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng Quốc gia Giáo dục;
Theo đề nghị của Hội đồng Quốc gia giáo dục,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng
Quốc gia Giáo dục.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Điều 3.
Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ,
Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
QUY CHẾ
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG QUỐC GIA GIÁO DỤC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/1999/QĐ-TTg ngày 27 tháng 01 năm 1999 của
Thủ tướng Chính phủ)
Điều 1.
Hội đồng Quốc gia Giáo dục được thành lập theo Quyết định số 06/1998/QĐ-TTg
ngày 14 tháng 1 năm 1998 để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện Chiến lược
phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất
nước.
Điều 2.
Hội đồng Quốc gia Giáo dục có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Tư vấn giúp Thủ tướng Chính
phủ chỉ đạo tổng kết công cuộc đổi mới về giáo dục và soạn thảo Chiến lược Giáo
dục - đào tạo;
2. Tư vấn, thẩm định để giúp Thủ
tướng Chính phủ xem xét, quyết định các chính sách và biện pháp phát triển giáo
dục - đào tạo;
3. Góp ý kiến về việc xây dựng
và phân bổ ngân sách dành cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo.
4. Biểu quyết những vấn đề
chuyên môn về giáo dục - đào tạo khi Thủ tướng yêu cầu.
Điều 3.
Các thành viên của Hội đồng Quốc gia Giáo dục có các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
1. Chủ tịch Hội đồng:
- Lãnh đạo Hội đồng hoạt động
theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại Điều 1, Điều 2 của Quy
chế này.
- Triệu tập và chủ trì các phiên
họp của Hội đồng.
- Duyệt nội dung các vấn đề đưa
ra thảo luận ở Hội đồng.
- Phân công các thành viên chuẩn
bị và triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng và các nhiệm vụ về giáo dục
- đào tạo được Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội đồng.
2. Các Phó Chủ tịch Hội đồng:
Giúp Chủ tịch Hội đồng trong việc
lãnh đạo hoạt động của Hội đồng và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng về
phần công việc được phân công phụ trách.
Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng
có nhiệm vụ giúp Chủ tịch Hội đồng điều phối các hoạt động của Hội đồng theo sự
uỷ nhiệm của Chủ tịch Hội đồng; chỉ đạo các cơ quan chức năng, các thành viên Hội
đồng chuẩn bị nội dung các cuộc họp của Hội đồng và báo cáo Chủ tịch Hội đồng
trước khi họp Hội đồng.
3. Tổng Thư ký Hội đồng:
- Giúp Chủ tịch Hội đồng tổ chức
thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng;
- Trực tiếp chỉ đạo các hoạt động
của Văn phòng Hội đồng.
4. Các thành viên Hội đồng:
- Thực hiện các quyết định và
các nhiệm vị do Chủ tịch Hội đồng giao;
- Nghiên cứu chủ trương, đường lối
của Đảng, chính sách của Nhà nước, tình hình hoạt động và xu thế phát triển của
hệ thống giáo dục quốc dân để đóng góp ý kiến vào những vấn đề mà Hội đồng đưa
ra
- Tham gia đầy đủ các kỳ họp của
Hội đồng, trong trường hợp vắng mặt phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng;
- Thực hiện việc bảo mật tài liệu
theo quy định của pháp luật.
Điều 4.
Các thành viên của Hội đồng có quyền:
1. Được Văn phòng Hội đồng Quốc
gia Giáo dục cung cấp những thông tin cần thiết phục vụ cho hoạt động của Hội đồng.
2. Được đảm bảo các điều kiện
làm việc cần thiết theo chế độ quy định đề thực hiện các nhiệm vụ ghi tại Điều
3 của Quy chế này.
Điều 5.
Văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục đặt tại Văn phòng Chính phủ do Uỷ viên
kiêm Tổng thư ký Hội đồng chỉ đạo trực tiếp. Văn phòng do một cán bộ cấp Vụ phụ
trách, có một số cán bộ thuộc Vụ Khoa giáo Văn phòng Chính phủ và một số cán bộ
được biệt phái hoặc kiêm nhiệm từ Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan khác có
liên quan.
Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo
dục có các nhiệm vụ sau:
1. Xây dựng kế hoạch công tác và
dự toán kinh phí hoạt động hàng năm của Hội đồng trình Chủ tịch Hội đồng.
2. Chuẩn bị tổ chức kỳ họp của Hội
đồng theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng.
3. Thực hiện các công việc có
liên quan đến công tác của Hội đồng giữa các kỳ họp do Hội đồng giao; theo dõi
việc thực hiện các quyết định của Hội đồng; tổng hợp việc thực hiện công tác của
Hội đồng theo từng thời kỳ, từng năm để báo cáo Chủ tịch Hội đồng.
4. Ghi biên bản và thông báo kết
quả các kỳ họp của Hội đồng.
5. Làm công tác văn thư, lưu giữ
hồ sơ của Hội đồng.
Điều 6.
Phương thức làm việc của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và mối quan hệ với các Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương.
1. Hội đồng Quốc gia Giáo dục họp
thường kỳ mỗi quý một lần. Khi xét thấy cần thiết Chủ tịch Hội đồng có thể triệu
tập các kỳ họp bất thường. Tuỳ theo nội dung của từng kỳ họp, từng vấn đề, Chủ
tịch Hội đồng có thể mời một số đại diện các cơ quan liên quan hoặc một số
chuyên gia tham dự. Đối với những vấn đề chuyên môn quan trọng cần có ý kiến
quyết định của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng có thể yêu cầu thành viên Hội đồng
biểu quyết.
2. Theo yêu cầu của Thủ tướng
Chính phủ hoặc khi thấy cần thiết, Hội đồng Quốc gia Giáo dục thực hiện các hoạt
động sau:
- Tổ chức các nhóm công tác theo
chuyên đề với sự tham gia của các chuyên gia.
- Chủ trì hoặc phối hợp với các
cơ quan hữu quan tổ chức toạ đàm, hội thảo khoa học, tổ chức nghiên cứu - khảo
sát trong và ngoài nước nhằm phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng.
- Phối hợp với các Bộ, ngành, địa
phương chuẩn bị những dự án do Thủ tướng Chính phủ giao.
3. Các Bộ, ngành địa phương có
trách nhiệm phối hợp với Hội đồng Quốc gia Giáo dục thực hiện những nhiệm vụ có
liên quan, đồng thời cung cấp những thông tin cần thiết cho Hội đồng Quốc gia
Giáo dục; trực tiếp báo cáo, giải trình đề án, những vấn đề thuộc phạm vi quản
lý mà Hội đồng Quốc gia Giáo dục xem xét.
4. Quan hệ với Văn phòng Chính
phủ:
- Các văn bản do Chủ tịch, Phó
Chủ tịch thường trực Hội đồng Quốc gia Giáo dục ký được sử dụng con dấu của
Chính phủ; các văn bản do Tổng thư ký Hội đồng Quốc gia Giáo dục ký được sử dụng
con dấu của Văn phòng Chính phủ.
- Tổng thư ký Hội đồng Quốc gia
Giáo dục chịu trách nhiệm báo cáo các hoạt động thường kỳ của Hội đồng cho Bộ
trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
- Văn phòng Chính phủ bảo đảm những
phương tiện và điều kiện cần thiết phục vụ cho hoạt động của Hội đồng.
Điều 7.
Kinh phí hoạt động của Hội đồng Quốc gia Giáo dục do ngân sách Nhà nước đảm bảo,
được bố trí trong dự toán ngân sách của Văn phòng Chính phủ.
Điều 8.
Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Hội đồng Quốc gia Giáo dục đề nghị, Thủ tướng
Chính phủ xem xét và quyết định.