Quyết định 07/2007/QĐ-BCN phê duyệt quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành Công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành

Số hiệu 07/2007/QĐ-BCN
Ngày ban hành 30/01/2007
Ngày có hiệu lực 27/02/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Đầu tư

BỘ CÔNG NGHIỆP
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/2007/QĐ-BCN

Hà Nội, ngày 30 tháng 01 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

SỐ 07/2007/QĐ-BCN CỦA BỘ CÔNG NGHIỆP PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH ĐIỀU CHỈNH PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP GIẤY VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010, TẦM NHÌN 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chỉnh phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Sau khi thống nhất ý kiến với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Xây dựng; Thương mại; Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng phát triển Việt Nam;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Tiêu dùng và Thực phẩm,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát

- Xây dựng ngành công nghiệp giấy Việt Nam với công nghệ hiện đại, hình thành các khu vực sản xuất giấy, bột giấy tập trung với công suất đủ lớn, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đến năm 2020 đáp ứng 70% nhu cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng giấy, tạo thế cạnh tranh với các thị trường trong khu vực và quốc tế.

- Xây dựng vùng nguyên liệu giấy tập trung nhằm đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu để cung cấp cho sản xuất 600.000 tấn bột giấy vào năm 2010 và 1.800.000 tấn vào năm 2020, tạo điều kiện để xây dựng các nhà máy chế biến bột giấy tập trung, quy mô lớn.

b) Mục tiêu cụ thể 

- Đến năm 2010: Trồng được 470.000 ha rừng nguyên liệu, sản xuất được 600.000 tấn bột giấy và 1.380.000 tấn giấy.

- Đến năm 2020: Trồng thêm 907.000 ha rừng nguyên liệu, sản xuất được 1.800.000 tấn bột giấy và 3.600.000 tấn giấy.

2. Quy hoạch phát triển sản phẩm và bố trí quy hoạch

a) Quy hoạch sản phẩm

- Tập trung sản xuất bột giấy: Để khắc phục sự mất cân đối giữa sản xuất bột giấy và sản xuất giấy, đồng thời góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người trồng cây nguyên liệu giấy.

- Sản xuất giấy: Khai thác hết năng lực sản xuất của các nhà máy giấy hiện có để đáp ứng đủ nhu cầu giấy in, giấy viết cho tiêu dùng và xuất khẩu. Đầu tư xây dựng một số nhà máy sản xuất giấy bao bì (giấy bao bì thông thường và bao bì cao cấp), giấy công nghiệp để đáp ứng nhu cầu giấy bao bì và nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp.

- Xây dựng vùng nguyên liệu giấy: Quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu giấy tập trung có quy mô đủ lớn, nhằm giải quyết nguyên liệu cho sản xuất giấy và tạo điều kiện cho việc xây dựng các nhà máy sản xuất bột có quy mô lớn.

b) Quy hoạch theo vùng lãnh thổ

Bố trí vùng nguyên liệu và các dự án bột giấy và giấy trên toàn quốc được xác định thành 6 vùng (phụ lục số 2 kèm theo quyết định này). Tạo ra sự phát triển cân đối theo vùng lãnh thổ, đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn.

3. Nhu cầu vốn đầu tư cho ngành công nghiệp giấy

Vốn cho đầu tư: Huy động mọi nguồn vốn tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và các nhà máy sản xuất bột giấy và giấy có quy đủ lớn. Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2006-2020 là: 95.569 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nhà máy là 87.664 tỷ đồng, vốn đầu tư trồng rừng là 7.905 tỷ đồng.

4. Hệ thống các giải pháp và chính sách thực hiện quy hoạch

 a) Các giải pháp về công nghệ

- Thực hiện đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới thông qua nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong nước, chuyển giao công nghệ và các dự án hợp tác liên doanh liên kết với các công ty nước ngoài.

- Đối với các dự án cải tạo nâng cấp, đầu tư chiều sâu, ứng dụng công nghệ tiên tiến hơn, phù hợp với điều kiện thiết bị của từng dây chuyền hiện tại.

- Ứng dụng công nghệ xử lý nước thải ngành công nghiệp giấy Việt Nam, đặc biệt là công nghệ vi sinh.

- Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ mới nhằm sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả nhất nguồn nguyên liệu giấy trong nước.

[...]