ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH HÀ GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
06/2020/QĐ-UBND
|
Hà Giang, ngày
28 tháng 02 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT TỈNH
HÀ GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26
tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31
tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Thi đua, Khen thưởng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch; Chủ tịch Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh Hà Giang.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này Quy chế xét tặng giải thưởng văn học, nghệ thuật tỉnh Hà Giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực thi hành từ ngày 10 tháng 3 năm 2020 và thay thế Quyết định số
1926/2009/QĐ-UBND ngày 25/6/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang về ban hành
Quy chế xét tặng giải thưởng văn học, nghệ thuật tỉnh Hà Giang.
Điều 3. Chánh Văn phòng Đoàn đại
biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch; Chủ tịch Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh Hà Giang; Thủ trưởng
các sở, ban, ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi
hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều
3;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- LĐVP Đoàn ĐBQH,
HĐND và UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Trung tâm Thông tin - Công báo tỉnh;
- VnptIoffice;
- Lưu: VT, VHXH.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Sơn
|
QUY CHẾ
XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG VĂN
HỌC, NGHỆ THUẬT TỈNH HÀ GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2020/QĐ-UBND ngày 28/02/2020 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
Giải thưởng văn học, nghệ thuật tỉnh Hà Giang (Giải thưởng
văn học, nghệ thuật Tây Côn Lĩnh) được xét tặng 5 năm một lần đối với những
công trình, tác phẩm sáng tạo văn học nghệ thuật xuất sắc, có giá trị cao về nội
dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, mang đậm bản sắc dân tộc, lịch sử truyền thống, di sản văn hóa các dân
tộc Hà Giang; phản ánh chân thực, phong phú về mọi mặt của đời sống xã hội,
thiên nhiên và con người trên quê hương Hà Giang.
Giải thưởng áp dụng cho các tác giả là hội viên Hội Văn học,
Nghệ thuật tỉnh Hà Giang.
Điều 2. Nguyên tắc xét giải thưởng
Việc xét tặng Giải thưởng văn học, nghệ thuật tỉnh Hà Giang thực hiện theo nguyên tắc
công khai, công bằng, chính xác, khách quan và trung thực.
Tác phẩm được giải thưởng phải có ảnh hưởng tích cực đến
công chúng và hiệu quả xã hội cao; hướng con người tới
chân - thiện - mỹ; có tính giáo dục, thuyết phục, động
viên, khích lệ hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật.
Chương II
NỘI DUNG CỤ THỂ
Điều 3. Điều kiện xét tặng
1. Không xét tặng
giải thưởng cho những tác phẩm, công trình đã đạt các giải thưởng cấp Nhà nước.
2. Tác phẩm
văn học nghệ thuật tham dự giải thưởng là những tác phẩm, công trình được chính
tác giả, nhóm tác giả đăng ký tham gia hoặc được các chi hội chuyên ngành và
các tổ chức, đơn vị giới thiệu, được công bố, xuất bản, hoàn thành đưa vào sử dụng
hoặc các bản quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.
3. Mỗi tác phẩm
văn học nghệ thuật, công trình và mỗi tác giả, nhóm tác giả chỉ được xét trao
giải thưởng một lần ở một chuyên ngành. Những tác phẩm, công trình đã được xét
trao Giải thưởng văn học, nghệ thuật tỉnh Hà Giang ở các kỳ trước (toàn tập hoặc
một phần) sẽ không được xét để trao giải thưởng cho các kỳ sau đó.
Điều 4. Tiêu chí đánh giá, chấm điểm tác phẩm (Các tiêu chí đánh giá về
giá trị tác phẩm bao gồm giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật và giá trị sử dụng)
Tác phẩm, công
trình đề nghị xét tặng Giải thưởng văn học, nghệ thuật tỉnh Hà Giang phải đạt
các tiêu chí sau:
1. Giá trị về
nội dung: Là tác phẩm, công trình có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình
thức nghệ thuật; Có tác dụng tốt trong việc giáo dục, xây dựng con người mới,
nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân.
2. Giá trị về
nghệ thuật: Góp phần nâng cao sự nghiệp phát triển nền văn học, nghệ thuật của
đất nước, của địa phương.
3. Giá trị sử
dụng: Quảng bá hình ảnh tốt đẹp về con người và mảnh đất Hà Giang đến với nhân
dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Điều 5. Loại hình xét tặng giải thưởng
Tác phẩm, công
trình tham dự giải thưởng là những sáng tác, công trình nghiên cứu về con người
và quê hương Hà Giang, ưu tiên thuộc một trong 05 đề tài theo Quyết định
650/QĐ-TTg ngày 25/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Tác giả, nhóm tác giả đăng
ký tham dự giải gửi tác phẩm, công trình về Thường trực Ban tổ chức, gồm các
chuyên ngành, thể loại sau:
1. Chuyên
ngành Văn học (mỗi thể loại ít nhất 01 tập sách):
a) Văn xuôi:
Có chủ đề tư tưởng rõ ràng, phản ánh sinh động hiện thực cuộc sống lao động, học
tập và truyền thống lịch sử của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang; góp phần
xây dựng tư tưởng, tình cảm cho độc giả theo hướng chân, thiện, mỹ, hướng tới
tương lai tốt đẹp. Hình thức nghệ thuật được thể hiện hấp dẫn, gần gũi với đời
sống. Được chia thành 3 nhóm thể loại như sau:
- Thể loại tiểu thuyết (gồm cả truyện dài, truyện vừa).
- Thể loại truyện (truyện ngắn, truyện thiếu nhi).
- Thể loại ký (bút ký, ghi chép, tản văn…).
b) Thơ: Tập
thơ, truyện thơ, trường ca có tình cảm sâu nặng với quê hương, đất nước, ngôn
ngữ trong sáng, giản dị, độc đáo, vừa phát huy truyền thống văn hoá dân tộc vừa
hiện đại cách tân, hòa nhập với dòng chảy thơ ca thời đại mới.
2. Lĩnh vực
nghiên cứu, lý luận phê bình và sưu tập văn nghệ dân gian (ít nhất 01 tập
sách):
a) Thể loại nghiên cứu, lý luận phê bình: Công trình nghiên cứu công phu, khách
quan, trung thực, đánh giá đúng các tác phẩm văn học, nghệ thuật có tính định
hướng sáng tác và hướng dẫn công chúng.
b) Thể loại
Sưu tập văn nghệ dân gian: Sưu tầm, tập hợp được những tư liệu quý về văn hóa,
văn nghệ dân gian của các tộc người trên quê hương Hà Giang; góp phần bảo tồn
và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc.
3. Chuyên
ngành âm nhạc (băng đĩa, hoặc tập sách nhạc):
a) Thể loại
băng đĩa nhạc: Ít nhất 05 tác phẩm (được ghi trên băng, đĩa kèm theo). Nội dung
chủ đề khúc triết, truyền cảm sâu sắc, có sức lay động lòng người; giai điệu, tiết
tấu mới mẻ, đậm đà bản sắc dân tộc. Ca khúc phải có bản nhạc kèm theo băng, đĩa
tiếng; khí nhạc phải có tổng phổ kèm theo băng, đĩa tiếng; biểu diễn phải có
băng, đĩa tiếng.
b) Thể loại tập
sách nhạc: Ít nhất 01 tập sách nhạc.
4. Chuyên
ngành mỹ thuật (hội họa, đồ họa, điêu khắc hoặc tập sách mỹ
thuật):
a) Thể loại hội
họa, đồ họa, điêu khắc: Ít nhất từ 02 đến 05 tác phẩm, kích thước từ 60cm x
80cm trở lên (mỗi tác phẩm kèm theo một ảnh chụp kích thước 09cm x 12cm). Nội
dung phong phú, bố cục chặt chẽ, bút pháp mới mẻ, màu sắc hài hoà, dễ cảm nhận,
có giá trị nâng cao thẩm mỹ.
b) Thể loại tập
sách mỹ thuật: Ít nhất 01 tập sách.
5. Chuyên
ngành nhiếp ảnh (ảnh mầu, ảnh đen trắng hoặc tập sách ảnh):
Nội dung phong phú, phản ánh sâu sắc hiện thực cuộc sống và thiên nhiên, con
người Hà Giang.
a) Thể loại ảnh
mầu, ảnh đen trắng: Ít nhất 05 tác phẩm, kích thước 30cm x 45cm (mỗi tác phẩm
kèm theo 01 ảnh 09cm x 12cm).
b) Thể loại tập
sách ảnh: Ít nhất 01 tập sách.
6. Chuyên
ngành sân khấu (kịch nói, kịch hát hoặc tập sách kịch bản):
a) Thể loại kịch bản: Ít nhất 01 tập kịch bản đã xuất bản thành sách.
b) Thể loại vở diễn: Ít nhất 03 tác phẩm kịch ngắn, hoặc 01 tác phẩm kịch dài (có
băng đĩa ghi hình buổi công diễn kèm theo). Nội dung sâu sắc, có tính văn học
cao, ngôn ngữ đối thoại sắc bén, giàu kịch tính.
7. Chuyên
ngành điện ảnh (xét từ phim tài liệu trở lên): Ít nhất 03
tác phẩm ngắn hoặc 01 tác phẩm dài (có băng đĩa ghi hình kèm theo). Nội dung phản
ánh sâu sắc công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ quê hương.
Nếu tác phẩm
điện ảnh được chuyển thể từ kịch bản văn học thì xem xét cả phần văn học và nghệ
thuật điện ảnh thể hiện.
8. Chuyên
ngành múa (tiết mục, vở múa): Ít nhất 03 tiết mục hoặc 01
vở múa (có băng đĩa ghi hình các tiết mục, vở múa đã công diễn kèm theo). Chủ đề
tư tưởng rõ ràng, chất lượng nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hóa của các
dân tộc thiểu số Hà Giang.
9. Chuyên
ngành kiến trúc (đồ án đã thực thi hoặc bản quy hoạch xây
dựng): Ít nhất 02 tác phẩm.
a) Đối với các
đồ án, công trình đã được thực thi: Là những công trình điển hình, kiến trúc
hài hoà, hiệu quả sử dụng thiết thực. Có bản thiết kế công trình và ảnh chụp
toàn bộ công trình đã xây dựng xong; ảnh nội, ngoại thất tiêu biểu.
b) Đối với tác
phẩm về quy hoạch xây dựng: Các bản thiết kế chính, ảnh chụp phối cảnh tổng thể
và tiêu cảnh.
Điều 6. Hội đồng xét tặng giải thưởng
1. Ban tổ chức Giải thưởng văn học, nghệ thuật do Ủy ban
nhân dân tỉnh quyết định thành lập theo mỗi đợt xét giải.
Thành phần, số lượng do Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh đề xuất.
2. Hội đồng sơ khảo do Chủ tịch Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh
quyết định thành lập.
3. Hội đồng chung khảo do Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng
văn học, nghệ thuật tỉnh quyết định thành lập.
4. Tổ thư ký giúp việc do Trưởng Ban tổ chức quyết định
thành lập.
Điều 7. Giải thưởng
1.
Giải thưởng cho các tác phẩm, công
trình đạt Giải thưởng văn học, nghệ thuật tỉnh Hà Giang được xếp theo hạng A,
B, C.
2. Cơ cấu giải
thưởng: Gồm 09 chuyên ngành, 16 thể loại. Mỗi thể loại có 01 giải A, 02 giải B, 03 giải
C.
3. Giá trị mức
giải thưởng:
Giải A: Bằng 09 lần hệ số lương cơ sở/giải.
Giải B: Bằng 07 lần hệ số lương cơ sở/giải.
Giải C: Bằng 04 lần hệ số lương cơ sở/giải.
Số lượng giải thưởng thực tế tùy thuộc vào chất lượng tác
phẩm từng kỳ xét giải.
Điều 8. Kinh phí thực hiện
Kinh phí Giải
thưởng văn học, nghệ thuật tỉnh Hà Giang được đảm bảo từ nguồn ngân sách địa
phương và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Chương III
TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
Điều 9. Tổ chức thực hiện Quy chế
1. Hội Văn học
Nghệ thuật tỉnh:
a) Là cơ quan
Thường trực Hội đồng xét tặng Giải thưởng văn học nghệ thuật tỉnh Hà Giang.
b) Mời họp, tổ
chức các cuộc họp của Hội đồng chấm giải. Tiến hành các bước chuẩn bị cho Lễ
trao giải.
c) Dự trù kinh
phí cho các hoạt động liên quan đến công tác xét giải, trao giải, trình UBND tỉnh quyết định. Chi trả thù lao cho Hội đồng chấm giải,
chuyên gia tư vấn, Ban Tổ chức, thư ký, nhân viên phục vụ.
d) Đẩy mạnh
công tác tuyên truyền hoạt động sáng tác đến các hội viên nhằm sáng tạo các tác
phẩm có giá trị nghệ thuật và có tính định hướng tư tưởng cao, góp phần thực hiện
nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển
văn học nghệ thuật của tỉnh trong và các năm tiếp theo.
đ) Phối hợp với
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh,
Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin
và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Hà Giang và các cá nhân
liên quan tổ chức công bố Giải thưởng văn học, nghệ thuật tỉnh Hà Giang theo định
kỳ.
2. Sở Tài
chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí đảm bảo hoạt động cho công tác tổ chức
xét, trao giải thưởng của tỉnh.
3. Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền
hình, Báo Hà Giang tổ chức công bố các tác phẩm đạt giải trên các phương tiện
thông tin đại chúng (báo, đài, cổng thông tin điện tử...)
đến mọi tầng lớp nhân dân để vinh danh các tác giả, tác phẩm đạt giải.
Điều 10. Điều khoản thi hành
Trong quá trình thực hiện Quy chế xét tặng giải
thưởng văn học, nghệ thuật tỉnh Hà Giang nếu có những nội dung phát
sinh, thay đổi, chưa hợp lý, các cá nhân, tổ chức có liên quan có ý kiến bằng
văn bản gửi về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để nghiên cứu, tổng hợp trình Ủy
ban nhân dân tỉnh xem xét, điểu chỉnh, bổ sung Quy chế cho phù hợp./.