I. ĐẶT VẤN ĐỀ
- Bạo lực gia đình là hành vi cố ý
của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất,
tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình (theo Khoản 2, Điều
1, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007).
- Ở Việt Nam, bạo lực gia đình
không còn là chủ đề quá mới mẻ, trái lại, trong những năm gần đây, Chính phủ và
toàn xã hội ngày càng quan tâm giải quyết vấn đề này. Hệ thống pháp luật của Việt
Nam, từ Hiến pháp đến các luật đều khẳng định “Công dân nữ và nam đều có quyền
ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình” (Điều
63, Hiến pháp năm 1992). Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ra đời cho thấy bạo
lực gia đình không còn là chuyện riêng của mỗi gia đình mà trở thành vấn đề
chung của toàn xã hội, được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm giải quyết.
1. Quan điểm thực hiện
- Kết hợp và thực hiện đồng bộ các
biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng
công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hòa giải phù hợp với truyền
thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
- Hành vi bạo lực gia đình được
phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
- Nạn nhân bạo lực gia đình được bảo
vệ, giúp đỡ kịp thời phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của họ và điều kiện kinh tế
- xã hội của đất nước; ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, người
cao tuổi, người tàn tật và phụ nữ.
- Phát huy vai trò, trách nhiệm của
cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia
đình.
2. Căn cứ pháp lý
- Luật Phòng, chống bạo lực gia
đình được Quốc hội ban hành ngày 21 tháng 11 năm 2007 (có hiệu lực thi hành từ
ngày 01 tháng 7 năm 2008).
- Chỉ thị số 16/2008/CT-TTg ngày
30 tháng 5 năm 2008 Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành Luật
Phòng, chống bạo lực gia đình.
- Kế hoạch số 50/KH-TU ngày
09/8/2005 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 49/CT-TW ngày 21 tháng 02
năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Quyết định số 110/2006/QĐ-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2006
của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược xây
dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
3. Thực trạng bạo lực gia đình
và tệ nạn xã hội ở Bình Phước
Theo số liệu của Tòa án nhân dân tỉnh
Bình Phước, từ năm 2001 đến 2005, số vụ án hình sự liên quan đến bạo lực gia
đình được đưa ra xét xử là 398 vụ, trong đó: 36 vụ xâm phạm tình dục trẻ em;
167 vụ cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác; 09 vụ
giết người; 20 vụ vi phạm chế độ một vợ một chồng. Phần lớn, trong những vụ án
kể trên, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái.
Nhiều vụ bạo lực gia đình gây ra
những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ gây tổn hại về sức khỏe, tinh thần
và tính mạng cho các thành viên trong gia đình, mà còn để lại những ảnh hưởng rất
lớn đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn xảy ra vụ án. Cụ thể, trong năm
2005, ở huyện Đồng Phú đã xảy ra hai vụ trọng án. Ở ấp Bà Hu, xã Tân Hòa chồng
đã cắt cổ vợ cho đến chết. Ở ấp Suối Rùa, xã Tân Phước xảy ra trường hợp cha đốt
cháy nhà giết chết hai con nhỏ. Nghiêm trọng hơn ở ấp Thanh Hà, xã Thanh Phú,
huyện Bình Long người chồng đã dùng búa chẻ củi giết chết 5 người, trong đó có
vợ, chị dâu và trẻ em là con riêng và cháu của vợ.
Thực tế, có nhiều vụ bạo lực về
thân thể bị giấu diếm vì nạn nhân hoặc không hiểu biết về pháp luật, hoặc không
muốn “vạch áo cho người xem lưng”, làm ảnh hưởng đến gia đình, họ hàng. Bên cạnh
đó, nhiều vụ bạo lực về tinh thần, tình cảm, kinh tế, xã hội cũng bị bưng bít bởi
những lý do như đã nêu, và cũng bởi thiếu chứng cứ để mọi người phát hiện.
Một điều đáng lưu ý là vai trò của
chính quyền, các tổ chức xã hội trong việc ngăn chặn, giải quyết các vụ bạo lực
gia đình chưa được phát huy đúng mức. Theo kết quả điều tra do Ủy ban Dân số,
Gia đình và Trẻ em tỉnh Bình Phước (trước đây), chỉ có 3,2% số vụ mâu thuẫn,
xung đột vợ chồng được chính quyền, các tổ chức xã hội hòa giải. Phần lớn các vụ
mâu thuẫn, xung đột này được bản thân họ (vợ, hoặc chồng, hoặc cả hai), hoặc nhờ
gia đình hai bên giải quyết.
Xuất phát từ tình hình thực tế của
địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2009 - 2015 như
sau:
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Triển khai thi hành Luật và các
văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu quả. Từng
bước giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình trên phạm vi toàn tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
Mục tiêu 1: Triển khai và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng,
chống bạo lực gia đình.
Các chỉ báo:
- Triển khai thực hiện các văn bản
quy phạm pháp luật của Trung ương về phòng, chống bạo lực gia đình.
- Xây dựng và triển khai Kế hoạch
tổ chức triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh
Bình Phước giai đoạn 2009 - 2015.
- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa
các ngành trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Mục tiêu 2: Xây dựng đề án Tuyên truyền, vận động thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực
gia đình trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2009 - 2015.
Các chỉ báo:
- Từ 80 - 100% cán bộ làm công tác
văn hóa các cấp, cán bộ làm công tác tuyên giáo của các ngành liên quan, phóng
viên phụ trách chuyên mục văn hóa - xã hội của các cơ quan thông tấn báo chí
trên địa bàn toàn tỉnh (kể cả cán bộ trạm truyền thanh xã) được tập huấn kiến
thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, kỹ năng thu thập, viết và đưa
tin về phòng, chống bạo lực gia đình.
- Xây dựng chuyên trang, chuyên mục
trên sóng truyền thanh, truyền hình, Báo Bình Phước về các chủ đề phòng, chống
bạo lực gia đình và bình đẳng trong gia đình.
- Hàng năm, tổ chức 02 đợt chiến dịch
tuyên truyền trên phạm vi toàn tỉnh với các chủ đề phòng, chống bạo lực gia
đình; bình đẳng giới; xây dựng gia đình văn hóa, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh
phúc vào ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ
nữ 25/11.
- Xây dựng, biên soạn và phổ biến
các sản phẩm truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình, kỹ năng sống, xây dựng
gia đình văn hóa, như tài liệu, tờ rơi, áp phích, sách mỏng, tranh cổ động,
băng cassette,... tới cộng đồng dân cư.
- Tổ chức các hoạt động văn hóa quần
chúng, các cuộc thi sáng tác, tìm hiểu, liên hoan, thơ ca, dân ca, tiểu phẩm,
hài kịch... về chủ đề phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng trong gia đình,
xây dựng gia đình văn hóa; tổ chức các buổi tọa đàm, họp mặt, nói chuyện chuyên
đề, hội nghị biểu dương về vấn đề thực hiện mục tiêu gia đình ít con, no ấm,
bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Mục tiêu 3: Nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Các chỉ báo:
- Xây dựng tài liệu đào tạo giảng
viên tuyến tỉnh, huyện; đào tạo cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia
đình, bao gồm các kiến thức cơ bản về phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng
giới, kỹ năng tư vấn, hòa giải, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; kỹ năng thu
thập, xử lý số liệu về phòng, chống bạo lực gia đình, kỹ năng giám sát, quản lý
các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.
- Tập huấn cho giảng viên nòng cốt
ở tuyến tỉnh, tuyến huyện và cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở
cơ sở:
+ Tổ chức tập huấn cho giảng viên
các ngành: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an, Tư pháp, Tòa án, Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên vào
năm 2009.
+ Từ 50 - 70% cán bộ tham gia công
tác phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở được tập huấn hàng năm. Đảm bảo đến hết
giai đoạn 1, có 100% cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở
được tập huấn tối thiểu 1 lần.
Nội dung tập huấn: Kiến thức cơ bản
về bạo lực gia đình, bình đẳng giới, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước
về phòng chống bạo lực gia đình; kỹ năng tư vấn, kỹ năng hòa giải về gia đình
và phòng, chống bạo lực gia đình; kỹ năng hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình về
tâm lý, pháp lý, chăm sóc sức khỏe, tự vệ phòng chống bạo lực gia đình; kỹ năng
thu thập, xử lý số liệu về phòng chống bạo lực gia đình; kỹ năng giám sát, quản
lý hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.
Mục tiêu 4: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình.
Các chỉ báo:
- Hệ thống chỉ báo về bạo lực gia
đình; phòng, chống bạo lực gia đình trên toàn tỉnh được xây dựng và đưa vào vận
hành ở cơ sở.
- Hệ thống dữ liệu về phòng, chống
bạo lực gia đình được xây dựng và được duy trì sử dụng.
Mục tiêu 5: Xây dựng thí điểm cơ sở hỗ trợ, cơ sở tư vấn cho nạn nhân bạo lực gia
đình.
Các chỉ báo:
- Số lượng cơ sở hỗ trợ và cơ sở
tư vấn cho nạn nhân được xây dựng thí điểm ở một số huyện, thị xã.
- Nạn nhân được nhận sự hỗ trợ tại
những cơ sở hỗ trợ và cơ sở tư vấn này.
Mục tiêu 6: Mô hình phòng, chống bạo
lực gia đình (theo Quyết định số 12/2007/QĐ-UBND ngày 19 tháng 3 năm 2007 của UBND
tỉnh về việc ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Phòng, chống bạo lực trong gia
đình; phòng chống sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vào gia đình giai đoạn 2007 -
2010) tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Các chỉ báo:
- Củng cố, duy trì các xã, phường
có mô hình phòng, chống bạo lực gia đình theo định hướng của tỉnh.
- Xây dựng kế hoạch nhân rộng mô
hình phòng, chống bạo lực gia đình; phòng chống sự xâm nhập của tệ nạn xã hội
vào gia đình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015.
III. ĐỐI TƯỢNG,
ĐỊA BÀN TRIỂN KHAI
1. Đối tượng
- Các thành viên trong gia đình,
các nhóm đối tượng tại các địa bàn triển khai thực hiện kế hoạch.
- Cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các địa
bàn triển khai thực hiện kế hoạch.
- Cán bộ làm công tác văn hóa các
cấp, cán bộ làm công tác tuyên giáo của các ngành liên quan, phóng viên phụ
trách chuyên mục văn hóa - xã hội của các cơ quan thông tấn báo chí trên địa
bàn toàn tỉnh.
2. Địa bàn triển khai
Kế hoạch được triển khai trên phạm
vi toàn tỉnh, ưu tiên đầu tư nguồn lực cho các địa bàn có nguy cơ cao, các vùng
trọng điểm.
IV. THỜI GIAN
THỰC HIỆN KẾ HOẠCH: Từ năm 2009 - 2015
1. Giai đoạn 1: Từ năm 2009 -
2012
- Xây dựng, phê duyệt và triển
khai thực hiện các kế hoạch, đề án.
- Tuyên truyền, giáo dục chuyển đổi
hành vi về bạo lực gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
- Tổ chức điều tra chọn mẫu về thực
trạng bạo lực gia đình tại một số xã, phường để làm cơ sở xây dựng bộ tài liệu
tập huấn và làm cơ sở dữ liệu cho hoạt động về phòng, chống bạo lực gia đình.
- Đào tạo, tập huấn cho đội ngũ
làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
- Tiếp tục triển khai mô hình
phòng, chống bạo lực gia đình.
- Bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu
về phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Giai đoạn 2: Từ năm 2013 -
2015
- Tăng cường công tác tuyên truyền,
giáo dục chuyển đổi hành vi về bạo lực gia đình và phòng, chống bạo lực gia
đình.
- Đào tạo, tập huấn nâng cao năng
lực cho đội ngũ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở các vùng trọng điểm,
có nguy cơ cao về bạo lực gia đình.
- Tiếp tục nhân rộng mô hình
phòng, chống bạo lực gia đình.
- Củng cố, duy trì và nhân rộng
các cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình.
- Bước đầu xây dựng mạng lưới cơ sở
hỗ trợ nạn nhân, cơ sở tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình.
- Tổ chức điều tra chọn mẫu về thực
trạng bạo lực gia đình tại một số xã, phường để làm cơ sở đánh giá về thái độ,
hành vi của các cấp ủy, chính quyền địa phương và các hộ gia đình đối với vấn đề
bạo lực gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Từ đó, có kế hoạch chỉ đạo
công tác phòng, chống bạo lực gia đình sao cho sát với thực tế ở từng địa
phương trong thời gian tới.
V. CÁC GIẢI
PHÁP THỰC HIỆN
1. Tuyên truyền, vận động
Việc tuyên truyền, vận động thực
hiện phòng, chống bạo lực gia đình cần bảo đảm nguyên tắc lồng ghép, bảo đảm tính
hiệu lực, hiệu quả và đồng bộ; phong phú về nội dung; đa dạng về hình thức và
linh hoạt với từng nhóm đối tượng.
2. Xây dựng và hoàn thiện bộ
máy tổ chức
- Phòng Văn hóa và Thông tin các
huyện, thị có tối thiểu 01 cán bộ phụ trách công tác gia đình và phòng, chống bạo
lực gia đình.
- Cán bộ văn xã của cấp xã được tập
huấn về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; được giao nhiệm vụ
tham mưu cho UBND cấp xã quản lý nhà nước về gia đình.
- Các sở, ban, ngành có liên quan,
tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình, phân công cán bộ theo dõi công tác gia
đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
3. Tăng cường công tác nghiên cứu,
đào tạo và hợp tác với các tỉnh bạn
- Tiến hành thực hiện các cuộc
nghiên cứu khoa học về bạo lực gia đình, nhằm đảm bảo cơ sở khoa học và thực tiễn
cho việc xây dựng chủ trương chính sách về phòng chống, bạo lực gia đình tại địa
phương.
- Nâng cao chất lượng đào tạo đội
ngũ cán bộ làm công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
- Tranh thủ các dự án và sự giúp đỡ
của các tổ chức trong và ngoài nước để vận động nguồn lực hỗ trợ thực hiện công
tác gia đình.
4. Củng cố cơ chế, chính sách
và xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình
- Thực hiện tốt cơ chế phối hợp
liên ngành tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyên truyền, vận động và thực hiện
các giải pháp can thiệp có hiệu quả. Trước hết là triển khai thực hiện Luật
Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn.
- Xây dựng cơ chế phối hợp và thực
hiện chương trình hành động giữa các cấp, các ngành, các đoàn thể và cộng đồng
trong việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Phương châm là tập
trung tuyên truyền, giáo dục và phát hiện xử lý sớm mâu thuẫn, xích mích nhỏ
không để phát sinh thành mâu thuẫn lớn gây ra bạo lực gia đình. Đồng thời có
các biện pháp ngăn chặn và hỗ trợ; xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, xúi giục,
cản trở, bao che.
- Huy động mọi cá nhân, gia đình
và toàn xã hội tham gia phòng chống bạo lực gia đình, phát huy vai trò của gia
đình và dòng họ, đề cao các Hương ước, Quy ước của cộng đồng, thực hiện nghiêm
các quy định của pháp luật. Đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng
văn hóa, tổ dân phố văn hóa, phong trào rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh, bảo
vệ môi trường và các phong trào hoạt động văn hóa xã hội khác nhằm lôi cuốn các
thành viên gia đình xây dựng nếp sống văn minh. Thông qua đó để cổ vũ, phát huy
vai trò của gia đình và dòng họ trong việc giáo dục các thành viên giữ gìn và
phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, của dòng họ, góp phần giữ gìn và
phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
5. Huy động nguồn lực
Để đảm bảo đủ nguồn lực cho việc
hoàn thành các mục tiêu đề ra, ngoài ngân sách nhà nước, cần áp dụng cơ chế huy
động tối đa nguồn lực, bao gồm ngân sách tỉnh, huyện và xã, vốn huy động từ sự
đóng góp của nhân dân, từ sự hợp tác của các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức
xã hội trong và ngoài tỉnh (kể cả tổ chức phi chính phủ nếu có).
VI. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Phân công nhiệm vụ
1.1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Hàng năm, có trách nhiệm xây dựng
kế hoạch, dự toán kinh phí và thanh quyết toán kinh phí của các hoạt động thực
hiện kế hoạch;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp
và các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo
dục về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; biên soạn tài liệu tập huấn và tổ chức,
hướng dẫn tập huấn cho cán bộ của các ngành, các cấp và những người trực tiếp
tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư
pháp, các ban, ngành, đoàn thể liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã
rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc lĩnh vực quản lý để tham
mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới theo thẩm quyền, hoặc kiến
nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới các văn bản
quy phạm pháp luật phù hợp với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình;
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành, đoàn thể liên quan xây dựng chương trình phối hợp thực hiện công
tác phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng các chỉ số về phòng, chống bạo lực
gia đình và văn bản hướng dẫn thực hiện công tác thống kê, thông tin, báo cáo về
phòng, chống bạo lực gia đình; nghiên cứu nhân rộng các mô hình về phòng, chống
bạo lực gia đình;
- Theo dõi, đôn đốc triển khai thi
hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; định kỳ hàng năm kiểm tra, tổng kết
tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình báo cáo UBND tỉnh.
1.2. Sở Thông tin và Truyền thông
chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
Sở Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng đa dạng hóa các
hình thức truyền thông, phổ biến, tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia
đình và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; tăng thời lượng, tần suất, mở
chuyên trang, chuyên mục về phòng, chống bạo lực gia đình.
1.3. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ
trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo việc phổ biến, giáo dục
pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trong nhà trường.
1.4. Sở Tư pháp tăng cường hướng dẫn,
kiểm tra hoạt động hòa giải ở cơ sở, hướng dẫn các Phòng Tư pháp trong việc
nâng cao nghiệp vụ cho người làm công tác hòa giải, đặc biệt là hòa giải ở cơ sở
để đáp ứng nhiệm vụ của pháp luật về hòa giải mâu thuẫn và hòa giải tranh chấp
giữa các thành viên trong gia đình, góp phần ngăn chặn bạo lực gia đình.
1.5. Sở Y tế củng cố và tăng cường
năng lực cho các cơ sở y tế công lập đáp ứng nhiệm vụ tiếp nhận, chăm sóc y tế
và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; hướng dẫn thực hiện quy định về tiếp nhận,
chăm sóc y tế cho bệnh nhân là nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh; hướng dẫn các cơ sở khám bệnh chữa bệnh thực hiện thống kê, báo cáo
số lượng bệnh nhân là nạn nhân bạo lực gia đình được khám và điều trị.
1.6. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội hướng dẫn việc thực hiện trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở
bảo trợ xã hội; chỉ đạo việc lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình
vào các chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo vệ,
chăm sóc trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội.
1.7. Công an tỉnh, trong phạm vi
nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh, Viện
Kiểm sát nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan tham mưu, đề xuất cơ
quan có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các biện pháp phát
hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống
bạo lực gia đình; củng cố và tăng cường năng lực cho lực lượng công an các cấp,
đặc biệt là cấp cơ sở trong việc ngăn chặn, xử lý vi phạm, bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp của nạn nhân bạo lực gia đình.
1.8. Sở Tài chính:
- Tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân
sách hàng năm, bảo đảm nguồn kinh phí thường xuyên cho việc triển khai thi hành
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch hướng dẫn và kiểm tra các sở, ban, ngành liên quan và địa
phương trong việc sử dụng kinh phí thực hiện các hoạt động phòng, chống bạo lực
gia đình.
1.9. Các sở, ban, ngành, đoàn thể
trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ
biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản dưới luật trong cán bộ,
công chức, viên chức thuộc quyền quản lý.
1.10. Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã cân đối, bố trí ngân sách, xây dựng kế hoạch thực hiện và tổ chức triển
khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ
biến, giáo dục Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ, công chức, viên
chức thuộc quyền quản lý và nhân dân địa phương; hàng năm, báo cáo UBND tỉnh
thông qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thực trạng và kết quả thực hiện
pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
1.11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ
Việt Nam tỉnh và các tổ chức xã hội tích cực tuyên truyền giáo dục hội viên và
người dân tích cực chấp hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; trong
phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật
về phòng, chống bạo lực gia đình; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành và
chính quyền các cấp triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Theo dõi, giám sát và đánh
giá
2.1. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổ chức và thực hiện các hoạt động
giám sát định kỳ hoặc đột xuất, đảm bảo quản lý và theo dõi tiến độ thực hiện
các mục tiêu, các chỉ báo, theo kế hoạch được phê duyệt.
2.2. Kế hoạch thực hiện sẽ được tổ
chức đánh giá vào giữa kỳ (năm 2012) và cuối kỳ (năm 2015)./.