Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 0518/QĐ-BTM năm 2007 thực hiện Quyết định 27/2007/QĐ-TTG phê duyệt Đề án phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành

Số hiệu 0518/QĐ-BTM
Ngày ban hành 02/04/2007
Ngày có hiệu lực 02/04/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Thương mại
Người ký Nguyễn Thị Kim Ngân
Lĩnh vực Thương mại

BỘ THƯƠNG MẠI

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Số: 0518/QĐ-BTM

Hà Nội, ngày 02 tháng 04 năm 2007

VỀ KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 27/2007/QĐ-TTG NGÀY 15 THÁNG 02 NĂM 2007 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TRONG NƯỚC ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Nghị định số 29/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thương mại;
Căn cứ Quyết định số 27/2007/QĐ-TTG ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ và Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 27/2007/QĐ-TTG ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước và Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- Lưu VT, TTTN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Kim Ngân

 

 

BỘ THƯƠNG MẠI

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 27/2007/QĐ-TTG NGÀY 15 THÁNG 02 NĂM 2007 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TRONG NƯỚC ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 0518 /QĐ-BTM ngày 02 tháng 04 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Thương mại)

I. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Về hoàn thiện khung pháp lý, tạo môi trường kinh doanh ổn định, lành mạnh

a) Vụ Pháp chế làm đầu mối theo dõi, đôn đốc các Vụ, Cục khẩn trương hoàn thành việc soạn thảo, trình Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện các luật có liên quan đến hoạt động thương mại (như các Nghị định về quản lý kinh doanh thuốc lá, rượu, khí đốt, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại...); rà soát để bổ sung, hoàn chỉnh các văn bản pháp luật liên quan đến hàng rào kỹ thuật (như tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn môi trường...) nhằm bảo vệ thị trường trong nước và lợi ích người tiêu dùng;

b) Vụ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách thương mại đa biên, Vụ Pháp chế, Vụ Chính sách thị trường trong nước hướng dẫn cụ thể việc thực thi cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ phân phối đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong việc thực hiện các dịch vụ bán buôn, bán lẻ, nhượng quyền thương mại và đại lý.

c) Vụ Chính sách thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan trong và ngoài Bộ xây dựng trình lãnh đạo Bộ ban hành Quyết định của Bộ trưởng Bộ Thương mại về:

 - Tiêu chuẩn và hướng dẫn phát triển các loại hình tổ chức kinh doanh thương mại làm cơ sở cho các quyết định đầu tư của doanh nghiệp, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và định hướng cho người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm;

 - Quy chế về tổ chức và quản lý hệ thống phân phối đối với một số mặt hàng quan trọng hoặc đặc thù (như xăng dầu, khí đốt, xi măng, sắt thép, phân bón, dược phẩm, chất nổ, rượu, thuốc lá...), bảo đảm nguyên tắc Nhà nước có khả năng kiểm soát và sử dụng các công cụ gián tiếp để tác động kịp thời vào thị trường thông qua các doanh nghiệp đầu nguồn.

2. Về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường

a) Cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm minh các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng vi phạm sở hữu công nghiệp để bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước.

b) Cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách thị trường trong nước, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Quản lý cạnh tranh, Vụ Pháp chế và các Bộ liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường theo hướng giao một Bộ chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra, giám sát về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, sở hữu trí tuệ, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đăng ký kinh doanh..., bảo đảm quản lý nhà nước tập trung, hiệu quả và hiệu lực, phù hợp với yêu cầu hội nhập, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các chủ thể thuộc mọi thành phần kinh tế và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

3. Về công tác điều hành thị trường

Vụ Chính sách thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan là thành viên của Tổ điều hành thị trường trong nước chủ động áp dụng các biện pháp cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác điều hành thị trường, trong đó tập trung nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo thị trường, phân tích diễn biến cung – cầu, giá cả thị trường; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện các giải pháp can thiệp kịp thời khi thị trường có dấu hiệu bất ổn, bảo đảm cân đối cung – cầu các mặt hàng trọng yếu trong mọi tình huống.

4. Về công tác quy hoạch phát triển thương mại

a) Vụ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách thị trường trong nước, Vụ Thương mại miền núi và mậu dịch biên giới, các Bộ hữu quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể ngành thương mại, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên phạm vi cả nước và các vùng kinh tế phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành;

b) Vụ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách thị trường trong nước, Vụ Thương mại miền núi và mậu dịch biên giới, Viện Nghiên cứu Thương mại và các Bộ hữu quan xây dựng căn cứ, chỉ tiêu hướng dẫn công tác lập quy hoạch phát triển tổng thể ngành thương mại và quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại của cả nước, các vùng kinh tế và của địa phương;

c) Vụ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách thị trường trong nước, Vụ Thương mại miền núi và mậu dịch biên giới kiểm tra, giám sát việc phê duyệt và thực hiện quy hoạch phát triển tổng thể thương mại, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại của các địa phương phù hợp với quy hoạch phát triển thương mại của vùng kinh tế và của cả nước.

[...]