Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 05/2020/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 05/2020/QĐ-UBND
Ngày ban hành 10/02/2020
Ngày có hiệu lực 19/02/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Văn Hòa
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2020/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 10 tháng 02 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CHO VAY TIÊU DÙNG TỪ NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG ỦY THÁC SANG NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI, GÓP PHẦN NGĂN CHẶN, ĐẨY LÙI HOẠT ĐỘNG “TÍN DỤNG ĐEN” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;

Căn cứ Thông tư số 11/2017/TT-BTC ngày 08 tháng 02 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;

Căn cứ Nghị quyết số 67/2019/NQ-HĐND ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum thông qua Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh Kon Tum;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 255/STC-QLNS ngày 21 tháng 01 năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Kon Tum (chi tiết Đề án đính kèm).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Tài chính là cơ quan đầu mối, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án. Định kỳ 6 tháng (cả năm), tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh để theo dõi, giám sát.

2. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh thông qua các đơn vị trực thuộc, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, thôn trưởng, tổ tiết kiệm và vay vốn và các đơn vị có liên quan. Định kỳ 6 tháng (cả năm), báo cáo kết quả thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh, gửi Sở Tài chính để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh.

3. Thủ trưởng các Sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

4. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Quyết định này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Quyết định này đã được Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua ngày 10 tháng 02 năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 19 tháng 02 năm 2020/.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Hòa

 

ĐỀ ÁN

CHO VAY TIÊU DÙNG TỪ NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG ỦY THÁC SANG NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI, GÓP PHẦN NGĂN CHẶN, ĐẨY LÙI HOẠT ĐỘNG “TÍN DỤNG ĐEN” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2020/QĐ-UBND ngày 10 tháng 02 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Sự cần thiết phải xây dựng Đề án

Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp. Thực tế cho thấy, “tín dụng đen” là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Chủ nợ thường thuê các băng nhóm tội phạm, đối tượng có tiền án, tiền sự sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm có thể thực hiện các tội phạm xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tổn hại về tinh thần và chiếm đoạt, hủy hoại tài sản của người đi vay, làm ảnh hưởng đến an ninh, chính trị tại địa phương.

Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ một bộ phận người dân gặp sự cố đột xuất trong cuộc sống do: Ốm đau, bệnh tật, tai nạn; thiên tai, hỏa hoạn làm nhà cửa, tài sản bị hư hỏng cần khắc phục ngay; cần một khoản vốn nhỏ để mưu sinh nhưng không có tiền để trang trải, khắc phục và không đủ điều kiện vay vốn tại các kênh cung ứng tín dụng theo quy định của pháp luật nên đã tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen” để vay tiền.

Nhằm đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, thì việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương hiện nay.

[...]