Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Nghị quyết 67/2019/NQ-HĐND về thông qua Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 67/2019/NQ-HĐND
Ngày ban hành 30/12/2019
Ngày có hiệu lực 10/01/2020
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Văn Hùng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 67/2019/NQ-HĐND

Kon Tum, ngày 30 tháng 12 năm 2019

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA ĐỀ ÁN CHO VAY TIÊU DÙNG TỪ NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG ỦY THÁC SANG NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI, GÓP PHẦN NGĂN CHẶN, ĐẨY LÙI HOẠT ĐỘNG "TÍN DỤNG ĐEN" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
KHÓA XI KỲ HỌP BẤT THƯỜNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ khoản 4 Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ khoản 9 Điều 30 Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;

Căn cứ khoản 3 Điều 5 Thông tư số 11/2017/TT-BTC ngày 08 tháng 02 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;

Xét Tờ trình số 178/TTr-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự thảo Nghị quyết thông qua Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh Kon Tum với những nội dung chính như sau:

1. Phạm vi thực hiện: Đề án được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh Kon Tum.

2. Đối tượng vay vốn: Hộ gia đình là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình (theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020), hộ mới thoát nghèo (theo quy định tại Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo), gặp khó khăn đột xuất về tài chính do ốm đau, bệnh tật phải điều trị dài ngày; tai nạn đột xuất; thiên tai, hỏa hoạn làm nhà cửa, tài sản, phương tiện đi lại bị hư hỏng cần khắc phục ngay (kể cả trường hợp đang còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội); để kinh doanh, buôn bán nhỏ (không có dư nợ các Chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội), có nhu cầu vay vốn để ổn định cuộc sống với lý do chính đáng, hợp pháp.

3. Điều kiện được vay vốn

- Hộ gia đình gặp khó khăn đột xuất về tài chính cần nguồn vốn để khắc phục ngay, có hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi cho vay trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

- Có khả năng tài chính để trả nợ khi đến hạn.

- Người vay vốn phải chịu trách nhiệm trong mọi quan hệ với Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay, là người trực tiếp ký nhận nợ và chịu trách nhiệm trả nợ, trả lãi cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo cam kết.

4. Mục đích sử dụng vốn vay:

- Chi phí khám, chữa bệnh cho thành viên trong hộ gia đình.

- Chi phí sửa chữa lại nhà ở, mua sắm hoặc sửa chữa tài sản hư hại, mất mát do: Thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc nguyên nhân khách quan khác.

- Để kinh doanh, buôn bán nhỏ.

5. Mức cho vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay và lãi suất nợ quá hạn:

- Mức cho vay: Do Ngân hàng Chính sách xã hội và người vay thỏa thuận theo nhu cầu, khả năng nguồn vốn để cho vay phù hợp nhưng tối đa không quá 30.000.000 đồng/hộ/cá nhân (mỗi hộ gia đình chỉ được 01 cá nhân đại diện vay vốn).

- Thời hạn cho vay: Theo thỏa thuận giữa Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay với người vay vốn phù hợp với khả năng trả nợ và mục đích sử dụng vốn vay nhưng tối đa không quá 24 tháng kể từ ngày nhận tiền vay. Trường hợp đến hạn trả nợ, nếu người vay vốn gặp khó khăn về tài chính do nguyên nhân khách quan chưa trả được nợ thì được Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay xem xét cho gia hạn nợ, thời hạn gia hạn nợ tối đa bằng một nửa thời hạn cho vay nhưng không quá 12 tháng.

- Lãi suất cho vay 7,92%/năm (0,66%/tháng) và lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

6. Nguồn vốn cho vay: Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện để cho vay do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định (đối với ngân sách cấp tỉnh), Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định (đối với ngân sách cấp huyện).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án và tổ chức triển khai thực hiện.

[...]