Quyết định 03/2008/QĐ-UBND về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở Công Thương Thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 03/2008/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/08/2008
Ngày có hiệu lực 22/08/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Thế Thảo
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

---------------

Số: 03/2008/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 22 tháng 08 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA SỞ CÔNG THƯƠNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan;
Căn cứ Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Thông tư liên bộ số 07/2008/TTLT-BCT-BNV ngày 28/5/2008 của Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan chuyên môn về Công Thương thuộc Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh, cấp huyện;
Căn cứ Quyết định số 32/QĐ-UBND ngày 02/8/2008 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc thành lập Sở Công Thương Thành phố Hà Nội;
Căn cứ Quyết định số 169/2006/QĐ-UBND ngày 20/9/2006 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy định về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, tiền lương, tiền công, cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong các đơn vị thuộc thành phố Hà Nội;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hà Nội và Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hà Nội tại Tờ trình số 63/TTr-SCN-SNV ngày 08/8/2008 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở Công Thương Hà Nội,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở Công Thương Thành phố Hà Nội như sau:

1. Vị trí, chức năng:

a) Sở Công Thương thành phố Hà Nội là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của UBND Thành phố, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Công Thương.

b) Sở Công Thương thành phố Hà Nội có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Công Thương trên địa bàn, bao gồm các lĩnh vực: Cơ khí; luyện kim; điện; năng lượng mới; năng lượng tái tạo; hóa chất; vật liệu nổ công nghiệp; công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản; công nghiệp tiêu dùng; công nghiệp thực phẩm; công nghiệp chế biến khác; lưu thông hàng hóa trên địa bàn Thành phố; xuất khẩu; nhập khẩu; quản lý thị trường; quản lý cạnh tranh; xúc tiến thương mại; kiểm soát độc quyền; chống bán phá giá; chống trợ cấp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; hội nhập kinh tế; quản lý cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn; các hoạt động khuyến công; các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Sở.

c) Sở Công Thương thành phố Hà Nội:

- Trụ sở cơ quan đặt tại: Số 331 đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

- Số điện thoại: 04.2155527.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn:

a) Trình Ủy ban nhân dân Thành phố:

a.1: Dự thảo quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 05 năm và hàng năm; chủ trương, chính sách, chương trình, biện pháp, quy định cụ thể về phát triển ngành công thương trên địa bàn;

a.2: Dự thảo các quyết định, chỉ thị thuộc thẩm quyền ban hành của Ủy ban nhân dân Thành phố về lĩnh vực công thương;

a.3: Dự thảo quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Quản lý thị trường theo quy định của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

a.4: Dự thảo quy định về tiêu chuẩn chức danh đối với trưởng, phó các đơn vị thuộc Sở Công thương thành phố Hà Nội; tham gia dự thảo quy định tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo phụ trách lĩnh vực Công Thương của Phòng Công Thương thuộc Ủy ban nhân dân huyện, Phòng Kinh tế thuộc Ủy ban nhân dân quận.

b) Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố:

b.1: Dự thảo quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các đơn vị thuộc Sở Công Thương thành phố Hà Nội theo quy định của pháp luật;

b.2: Dự thảo các quyết định, chỉ thị cá biệt thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về lĩnh vực Công Thương.

b.3: Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, đề án, chương trình và các quy định về phát triển Công Thương sau khi được phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực Công Thương.

b.4: Giúp Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thẩm định thiết kế cơ sở các dự án đầu tư xây dựng các công trình phát triển ngành Công Thương trên địa bàn Thành phố theo phân cấp; thẩm định, cấp, sửa đổi; bổ sung, gia hạn và thu hồi các loại giấy phép, chứng nhận thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của Sở Công Thương thành phố Hà Nội theo quy định của pháp luật, sự phân công hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố.

b.5: Về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

b.5.1: Về cơ khí và luyện kim:

Tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển ngành cơ khí ngành luyện kim, phát triển các sản phẩm cơ khí, cơ – điện tử trọng điểm, các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, kết hợp kỹ thuật cơ khí, tự động hóa, điện tử công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

b.5.2: Về điện lực và năng lượng:

- Tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển điện lực, phát triển việc ứng dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trên địa bàn Thành phố;

[...]