Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 03/2000/QĐ-VPCP về Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước thuộc Văn phòng Chính phủ quản lý do Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 03/2000/QĐ-VPCP
Ngày ban hành 24/03/2000
Ngày có hiệu lực 24/03/2000
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Đoàn Mạnh Giao
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/2000/QĐ-VPCP

Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 03/2000/QĐ-VPCP NGÀY 24 THÁNG 3 NĂM 2000 BAN HÀNH QUY CHẾ BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC THUỘC VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ QUẢN LÝ

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị định số 50/CP, ngày 06 tháng 8 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 84/HĐBT, ngày 09 tháng 3 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước và Thông tư số 06/TT-BNV (A11) ngày 28 tháng 8 năm 1992 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng về bảo vệ bí mật Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 338/TTg, ngày 29 tháng 6 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật Nhà nước của Văn Phòng Chính phủ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hành chính và Vụ trưởng Vụ Nội chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước thuộc Văn phòng Chính phủ quản lý.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quy định có liên quan tới bảo vệ bí mật của Văn phòng Chính phủ tại "Quy chế làm việc của Văn phòng Chính phủ" ban hành kèm theo Quyết định số 08/1998/QĐ-VPCP ngày 10 tháng 11 năm 1998 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có giá trị thi hành.

Điều 3. Các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Vụ trưởng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc và toàn thể cán bộ, công chức Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

Điều 4. Trong quá trình thực hiện Quy chế này nếu phát sinh những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi, Vụ trưởng Vụ Hành chính phối hợp với Vụ trưởng, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan đề suất, trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ xem xét, quyết định.

 

Đoàn Mạnh Giao

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC THUỘC VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ QUẢN LÝ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2000/QĐ-VPCP ngày 24 tháng 3 năm 2000 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ)

Điều 1. Bí mật Nhà nước thuộc Văn phòng Chính phủ quản lý gồm:

1. Những thông tin có nội dung đã được quy định tại Quyết định số 338/TTg, ngày 29 tháng 6 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật Nhà nước của Văn phòng Chính phủ và các văn bản, tài liệu có độ mật (gọi chung là tài liệu mật) của các cơ quan ở Trung ương và địa phương gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ.

2. Danh mục bí mật Nhà nước độ "tuyệt mật", "Tối mật", "Mật" của Văn phòng Chính phủ đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định và phê duyệt.

3. Những thông tin về chủ trương, chính sách, biện pháp điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang còn trong quá trình thảo luận, xử lý, các dự thảo văn bản khi chưa được ban hành.

4. Bút tích của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ xử lý công việc hàng ngày ghi trên phiếu trình, công văn, tài liệu thuộc Văn phòng Chính phủ quản lý.

Điều 2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh tài liệu mật ngoài danh mục đã ban hành hoặc có thay đổi độ mật và giải mật, cá nhân, đơn vị có liên quan phải báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ xem xét trước để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Hàng năm Vụ Hành chính chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề xuất việc sửa đổi, bổ sung danh mục tài liệu có các độ "Tuyệt mật", "tối mật", "Mật" và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung danh mục bí mật Nhà nước của Văn phòng Chính phủ.

Điều 3. Soạn thảo, đánh máy, in ấn, sao chụp tài liệu mật phải theo đúng các quy định sau đây:

1. Người soạn thảo phải đề xuất và người ký văn bản có trách nhiệm xác định độ mật và nơi nhận đối với tài liệu mật; nếu có đề nghị thay đổi độ mật, giải mật phải báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ để trình Thủ tướng Chính phủ. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định, phải thông báo cho những nơi lưu giữ, sử dụng biết để thực hiện.

2. Người thực hiện công việc có liên quan đến tài liệu mật (soạn thảo, đánh máy, ghi sổ, in ấn, sao chụp, phát hành, chuyển giao, sử dụng, lưu giữ tài liệu mật) phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật Nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

3. Các dấu về độ mật (từ cao đến thấp), thu hồi tài liệu mật, theo quy định thống nhất của Bộ Công an như sau:

a) Dấu "Tuyệt mật" hình chữ nhật (40 mm x 8mm), có đường viền xung quanh, bên trong là chữ "Tuyệt mật" in hoa nét đậm cách đều đường viền 2mm.

b) Dấu "Tối mật" hình chữ nhật (30mm x 8mm), có đường viền xung quanh, bên trong là chữ "tối mật" in hoa nét đậm cách đều đường viền 2mm.

c) Dấu "Mật" hình chữ nhật (20mm x 8mm), có đường viền xung quanh, bên trong là chữ "Mật" in hoa nét đậm cách đều đường viền 2mm.

d) Dấu "Thu hồi" hình chữ nhật (80mm x 15mm), có đường viền xung quanh, bên trong có 2 hàng chữ: hàng trên là chữ "Tài liệu thu hồi" in hoa nét đậm, hàng dưới là chữ "Thời hạn" in thường ở đầu hàng và các dấu chấm cho đến hết, chữ ở 2 hàng cách đều đường viền 2mm (đoạn ở... ở hàng dưới để khi sử dụng tuỳ theo trường hợp phải thu hồi mà ghi vào, có ba trường hợp: "Xong hội nghị", "Từng buổi", đối với tài liệu phát từng buổi đề rõ ngày tháng năm đối với những trường hợp quy định cụ thể thời gian trả lại).

[...]