UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
02/2012/QĐ-UBND
|
Bến
Tre, ngày 17 tháng 01 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CÁC CƠ QUAN, ĐƠN
VỊ CỦA NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ ĐÊ ĐIỀU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN
TRE
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm
2004;
Căn cứ Luật Đê điều ngày 29
tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số
157/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ quy định chế độ trách
nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi
hành nhiệm vụ, công vụ;
Căn cứ Nghị định số
35/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán
bộ, công chức;
Căn cứ Nghị định số
34/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật
đối với công chức;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 03/TTr-SNN ngày 04 tháng 01
năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định trách nhiệm người
đứng đầu các cơ quan, đơn vị của Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều
trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể
từ ngày ký.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Hiếu
|
QUY ĐỊNH
TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ CỦA NHÀ NƯỚC
TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ ĐÊ ĐIỀU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02/2012/QĐ-UBND ngày 17 tháng 01 năm
2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Quy định này quy định trách nhiệm
người đứng đầu các cơ quan, đơn vị của Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ
đê điều trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
1. Người đứng đầu các cơ quan,
đơn vị trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều:
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn và các đơn vị chuyên ngành tham mưu giúp Sở về lĩnh vực quản lý, bảo
vệ đê điều.
b) Các sở, ban ngành tỉnh, các
cơ quan, đơn vị cấp tỉnh có liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đê
điều.
c) Uỷ ban nhân dân các huyện,
thành phố (gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp huyện); các phòng, ban chức năng
tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện về công tác quản lý, bảo vệ đê điều.
d) Uỷ ban nhân dân xã, phường,
thị trấn (gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) có đê.
đ) Các cơ quan, đơn vị hoạt động
có liên quan đến đê điều.
2. Cấp phó của người đứng đầu được
quy định tại Khoản 1, Điều này phải chịu trách nhiệm như người đứng đầu trong
lĩnh vực được phân công.
Điều 3.
Căn cứ và nguyên tắc xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản
lý, bảo vệ đê điều
1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn của cơ quan, đơn vị do pháp luật quy định.
2. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong công tác quản
lý, bảo vệ đê điều.
3. Căn cứ nội dung trách nhiệm đối
với người đứng đầu quy định tại Điều 4 của Quy định này.
4. Đảm bảo khách quan, đúng người,
đúng việc, đúng thẩm quyền.
5. Theo quy định của pháp luật
và điều kiện cụ thể trong việc tổ chức thực hiện ở địa phương, đơn vị.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Trách
nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều
1. Người đứng đầu Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Thuỷ lợi và Phòng chống
lụt bão thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý, bảo vệ
đê điều, tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc chỉ đạo, đôn đốc
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện về việc xử lý vi phạm đê điều.
2. Người đứng đầu các sở, ban
ngành tỉnh liên quan đến công tác bảo vệ đê điều có trách nhiệm phối hợp với Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân cấp huyện trong việc xử lý
vi phạm đê điều theo quy định.
3. Người đứng đầu Chi cục Thuỷ lợi
và Phòng chống lụt bão chịu trách nhiệm chỉ đạo người đứng đầu Hạt quản lý đê
thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đê điều.
4. Người đứng đầu Uỷ ban nhân
dân cấp huyện có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo các phòng, ban chức
năng của huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có đê trong công tác quản lý, bảo
vệ đê điều trên địa bàn.
b) Tổ chức xử lý dứt điểm vi phạm
theo quy định, đối với những vi phạm nghiêm trọng phải báo cáo ngay cho Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
c) Thời gian xử lý vi phạm không
quá 10 ngày và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.
5. Người đứng đầu các phòng, ban
chức năng cấp huyện có liên quan chịu trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân cấp huyện ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm đê điều theo quy định
của pháp luật, đồng thời chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện
theo quy định.
6. Người đứng đầu Uỷ ban nhân
dân cấp xã có đê:
a) Chịu trách nhiệm quản lý, bảo
vệ đê điều trên địa bàn, tổ chức xử lý dứt điểm vi phạm theo quy định của pháp
luật, đồng thời báo cáo lên Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
b) Thời gian xử lý vi phạm không
quá 05 ngày và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
7. Người đứng đầu Hạt quản lý đê
khu vực chịu trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn, lập biên bản đình chỉ và báo cáo
kịp thời Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện,
Chi cục Thuỷ lợi và Phòng chống lụt bão trong thời gian không quá 02 ngày; phối
hợp với các ngành chức năng cấp huyện, cấp xã trong việc xử lý vi phạm.
8. Người đứng đầu các tổ chức,
đơn vị có hoạt đông liên quan đến đê điều chịu trách nhiệm thực hiện theo quy định
của Luật Đê điều và các quy định liên quan.
Điều 5. Đánh
giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ người đứng đầu trong công tác quản lý, bảo vệ đê
điều
1. Hoàn thành nhiệm vụ: Phát hiện,
ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, không để vi phạm phát sinh ảnh
hưởng đến an toàn đê điều.
2. Không hoàn thành nhiệm vụ: Để
xảy ra tình trạng vi phạm trên địa bàn, không có biện pháp xử lý hoặc xử lý
không dứt điểm làm ảnh hưởng đến an toàn đê điều, gây hậu quả nghiêm trọng.
Điều 6. Hình
thức khen thưởng, kỷ luật
1. Về khen thưởng: Người đứng đầu,
cấp phó của người đứng đầu được quy định tại Khoản 2, Điều 2 của Quy định này
hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, công vụ và chấp hành nghiêm chế độ trách nhiệm
trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều thì được khen thưởng theo quy định của
pháp luật và được xem xét khi giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm lại, bổ nhiệm chức vụ
cao hơn, xét nâng lương trước thời hạn hoặc khi cử dự thi nâng ngạch theo quy định
của pháp luật.
2. Về xử lý vi phạm: Người đứng
đầu, cấp phó của người đứng đầu được quy định tại Khoản 2, Điều 2 của Quy định
này nếu vi phạm chế độ trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều, tuỳ
theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, phải chịu một hoặc nhiều hình thức
trách nhiệm sau đây: Trách nhiệm kỷ luật; trách nhiệm dân sự; trách nhiệm vật
chất; trách nhiệm hình sự; trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7.
Trách nhiệm của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân
tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành chế độ trách nhiệm người đứng
đầu theo quy định tại Quy định này.
2. Phối hợp với các cơ quan chức
năng giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, đánh giá mức độ thực hiện chế
độ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều; chuẩn bị
các hồ sơ, tài liệu để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định hoặc
báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định việc xử lý khi người đứng đầu vi phạm
theo quy định.
Điều 8.
Trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban ngành của tỉnh có liên quan, Uỷ ban
nhân dân cấp huyện, cấp xã
1. Theo chức năng, nhiệm vụ người
đứng đầu có trách nhiệm triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định
tại Quy định này.
2. Tổng hợp, báo cáo tình hình
thực hiện theo quy định.
Trong quá trình tổ chức thực hiện,
nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, đơn vị phản ánh kịp thời về Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh
xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.