ỦY BAN NHÂN
DÂN
QUẬN 9
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
02/2012/QĐ-UBND
|
Quận 9, ngày
03 tháng 01 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TUYÊN TRUYỀN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC
PHÁP LUẬT NĂM 2012 TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN 9
ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 9
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 27/2008/QH12 về chương
trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2009 và bổ sung Chương trình xây dựng Luật,
Pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007 - 2011);
Căn cứ Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12
tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến giáo dục
pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012;
Xét đề nghị của Trưởng Phòng Tư pháp - Cơ
quan Thường trực Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật Quận,
tại Tờ trình số 104/TT-TP ngày 26 tháng 12 năm 2011 về việc ban hành Kế hoạch
tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 trên địa bàn Quận 9,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tuyên truyền
phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 trên địa bàn Quận 9.
Điều 2. Căn cứ vào Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật năm 2012 trên địa bàn Quận 9, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc
Quận và Ủy ban nhân dân 13 phường có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tuyên truyền
phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức triển khai cho cơ quan, đơn vị và địa
phương mình.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 7 (bảy)
ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 10/2010/QĐ-UBND ngày 03 tháng 12
năm 2010 của Ủy ban nhân dân Quận 9 về việc ban hành Kế hoạch tuyên truyền phổ
biến, giáo dục pháp luật năm 2011 trên địa bàn Quận 9.
Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân quận, Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị thuộc quận, các thành viên Hội đồng Phối hợp công tác tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật Quận 9 và Ủy ban nhân dân 13 phường chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thị Ánh Hồng
|
KẾ HOẠCH
TUYÊN TRUYỀN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NĂM 2012 TRÊN ĐỊA
BÀN QUẬN 9
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02/2012/QĐ-UBND ngày 03 tháng 01 năm 2012 của
Ủy ban nhân dân Quận 9)
I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU
1. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải được
thực hiện thường xuyên, liên tục; triển khai sâu rộng, đều khắp tất cả các
ngành, các cấp và các phường trên toàn địa bàn quận nhằm phổ biến, giáo dục kiến
thức pháp luật nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và
nhân dân.
2. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải được
thực hiện trên cơ sở phối hợp thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị và phường,
nhiệm vụ trọng tâm, những phong trào thi đua và các cuộc vận động lớn của quận.
3. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đảm bảo
phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức và biện pháp tuyên truyền, phù hợp
với đặc điểm yêu cầu của từng cơ quan, đơn vị và từng phường. Đặc biệt chú trọng
tuyên truyền các văn bản pháp luật; xây dựng nếp sống văn minh đô thị; phát triển
kinh tế, xã hội và giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn quận.
II. NỘI DUNG VÀ ĐỐI TƯỢNG
1. Nội dung:
Luật: Luật Phòng chống, tham nhũng; Luật
Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Đất đai; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Dân sự;
Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Giao thông đường bộ; Luật Hôn nhân và gia
đình; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Nhà ở; Luật Tố tụng hành chính, Luật Nuôi con
nuôi; Luật Thi hành án hình sự; Luật Công chức; Luật Thi hành án dân sự, Luật Người
khuyết tật; Luật Thanh tra; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng dân sự; Luật An toàn vệ sinh thực phẩm; Luật
Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo
hiểm, Luật Lao động, Luật Môi trường; Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Thuế thu
nhập cá nhân, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp… và những văn bản hướng dẫn
thực hiện.
Nghị định: Nghị định số 69/2011/NĐ-CP
ngày 08 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về quy định xử lý vi phạm hành chính về
y tế và phòng chống HIV/AIDS; Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm
2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm; Nghị định số 158/2005/NĐ-CP
ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch; các văn bản
hướng dẫn thi hành Nghị định số 158/2005/NĐ-CP; Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày
24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực
hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Đối tượng:
Căn cứ vào tình hình, đặc điểm mà Thủ trưởng cơ
quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân 13 phường phối hợp phân loại đối tượng để lựa
chọn chuyên đề pháp luật cho phù hợp với thực tế, chức năng và nhiệm vụ để triển
khai.
a) Đối với cán bộ, công chức:
Cần chọn những luật cho phù hợp với đối tượng để
tuyên truyền như: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thi hành án Dân sự, Luật
Thi hành án hình sự; Luật Đất đai; Luật Nhà ở; Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; Luật
Công chức; Luật Nuôi con nuôi… và những văn bản hướng dẫn thực hiện.
b) Cán bộ chiến sĩ Công an:
Trên cơ sở Kế hoạch chung, Trưởng Công an quận
chọn nội dung cho phù hợp để xây dựng kế hoạch cho đơn vị và tạo điều kiện để
100% cán bộ chiến sĩ công an tham dự đầy đủ các buổi triển khai làm cơ sở đánh
giá, xếp loại cán bộ chiến sĩ công an hàng năm.
c) Đối tượng học sinh:
Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Tư pháp và Quận
đoàn phối hợp tổ chức và chọn những nội dung hình thức cho phù hợp.
Kết hợp với môn học giáo dục công dân, giáo dục truyền
thông, cần tập trung phổ biến Luật Bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em; Luật Giao
thông đường bộ; Luật Phòng, chống ma túy... và những văn bản pháp luật có liên
quan.
d) Đối tượng là doanh nghiệp:
Phối hợp với Liên đoàn Lao động quận, Bảo hiểm
xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Kinh tế để tuyên truyền
Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo hiểm, Luật Lao động, Luật Môi trường; Luật Thuế giá
trị gia tăng; Luật Thuế thu nhập cá nhân... và những văn bản hướng dẫn thực hiện.
đ) Đối tượng là nhân dân:
Tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân một số Luật
cơ bản liên quan đến đời sống như: Luật Đất đai; Luật Nhà ở; Luật Dân sự, Luật
Hôn nhân và gia đình, Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Phòng, chống bạo lực
gia đình; Luật Giao thông đường bộ; Luật Môi trường, Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật
Phòng, chống ma túy…
III. BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Về tổ chức:
- Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật của quận, các cơ quan, đơn vị và UBND 13 phường tổ chức triển khai, mỗi
quý họp một lần, vào tháng cuối của quý, mời Ban Tuyên giáo Quận ủy, Liên đoàn
Lao động, Hội Luật gia cùng dự;
Quá trình triển khai thực hiện kế hoạch có tổ chức
đánh giá những mặt mạnh, yếu kịp thời phản ánh và đề xuất những biện pháp để giải
quyết.
- Tiếp tục củng cố đội ngũ Báo cáo viên pháp luật
cấp quận và mạng lưới tuyên truyền viên pháp luật ở 13 phường. Giao Phòng Tư
pháp chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi, tạo điều kiện nâng cao chất lượng hoạt
động của Báo cáo viên và tuyên truyền viên của phường.
2. Về hình thức và biện pháp tuyên truyền:
Biện pháp chủ yếu để tăng cường đẩy mạnh công
tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở như tuyên truyền miệng, phát tài liệu
gấp dạng hỏi đáp, Hội thảo, Hội thi. Những nội dung tuyên truyền do cơ quan,
đơn vị và phường tự chọn cho phù hợp hay phối hợp với các phường để cùng tổ chức.
- Phòng Tư pháp phải thông tin, phân phối kịp thời
các thông tin pháp luật thông qua các tài liệu gấp dạng hỏi, đáp cho các cơ
quan, đơn vị và phường.
- Tờ tin Quận 9 tăng cường bài viết có nội dung
tuyên truyền, giáo dục pháp luật, thông qua những vụ việc cụ thể đã được xử lý
của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Cần có phụ trang đăng toàn văn nội dung các
Luật, Pháp lệnh, Nghị định mới ban hành... để tạo điều kiện cho người dân có
nhu cầu tìm hiểu được thuận lợi hơn;
- Các cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân 13 phường
căn cứ vào Kế hoạch này để xây dựng kế hoạch thực hiện, trong quá trình tổ chức
triển khai, nếu cơ quan, đơn vị và phường không có Báo cáo viên, đề nghị liên hệ
Phòng Tư pháp (yêu cầu phải báo cáo trước từ 5 đến 7 ngày để mời Báo cáo viên).
- Để có cơ sở đánh giá và báo cáo kịp thời cho
quận và Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh. Các cơ quan, đơn vị và phường phải kịp
thời báo cáo về cho Hội đồng theo từng tháng, quý, 6 tháng và năm. Thời gian cụ
thể như sau:
+ Báo cáo tháng, vào ngày 15 đến ngày 17 hàng
tháng;
+ Báo cáo quý, vào ngày 15 đến ngày 17 của tháng
cuối quý;
+ Báo cáo 6 tháng vào ngày 25 đến 30 của tháng 6
và Báo cáo năm vào ngày 25 đến 31 tháng 12.
* Báo cáo gửi về Phòng Tư pháp (cơ quan thường
trực của Hội đồng).
3. Đối với Báo cáo viên pháp luật cấp quận:
- Các Báo cáo viên pháp luật được dự tập huấn
pháp luật, hội thảo chuyên đề do Sở Tư pháp Thành phố và Phòng Tư pháp tổ chức.
Hàng quý, 6 tháng các Báo cáo viên họp sơ kết công tác tuyên truyền pháp luật
năm của Hội đồng;
- Hội đồng và Ủy ban nhân dân 13 phường phải
thông báo rộng rãi họ tên , địa chỉ và chuyên đề báo cáo của từng Báo cáo viên
đã đăng ký. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức liên hệ trong
quá trình tuyên truyền pháp luật. Báo cáo viên hoạt động theo đúng với Quy chế
Báo cáo viên pháp luật của Bộ Tư pháp đã ban hành.
4. Tủ sách pháp luật:
Tủ sách pháp luật được lập tại cơ quan, đơn vị, Ủy
ban nhân dân 13 phường và khu phố (ấp) văn hóa. Năm 2012 trên cơ sở dự trù kinh
phí các phường trang bị thêm sách cho Tủ sách phường và khu phố. Việc quản lý
và sử dụng sách theo đúng Quy chế “Xây dựng, quản lý và khai thác Tủ sách pháp
luật ở xã, phường, thị trấn” của Bộ Tư pháp.
Các phường kịp thời bổ sung sách pháp luật mới cho
phù hợp với yêu cầu sử dụng của cán bộ và nhân dân, chú trọng bổ sung sách pháp
luật phổ thông, sách hỏi, đáp pháp luật. Khai thác có hiệu quả tài liệu trong tủ
sách pháp luật. Xây dựng phong trào đọc sách pháp luật trong cán bộ và nhân
dân, đa dạng hóa loại hình tủ sách pháp luật, đẩy mạnh việc luân chuyển sách
pháp luật giữa tủ sách phường với khu phố (có tủ sách pháp luật).
5. Hoạt động hòa giải cơ sở:
Trong năm 2012, Ủy ban nhân dân 13 phường kiện
toàn lại các Tổ Hòa giải theo hướng nơi nào đã có và đang hoạt động thì Chủ tịch
Ủy ban ra quyết định công nhận, nơi nào chưa có thì Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường
kết hợp với các tổ chức thành viên Mặt trận chọn, giới thiệu để dân bầu Tổ Hòa
giải, sau đó bầu Tổ trưởng Tổ Hòa giải. Căn cứ vào biên bản bầu Tổ trưởng Tổ
Hòa giải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường xem xét để công nhận Tổ Hòa giải bằng
quyết định.
6. Hoạt động của công tác trợ giúp pháp lý:
Giao Phòng Tư pháp quận phối hợp với phường chưa
có Cộng tác viên trợ giúp pháp lý để giới thiệu
người làm Cộng tác viên. Việc giới thiệu phải đúng với quy định.
Hàng năm, bổ sung hay điều chỉnh Tổ trợ giúp
pháp lý cho phù hợp với điều kiện hoạt động của các Cộng tác trợ giúp pháp lý ở
phường. Phòng Tư pháp cần nhân rộng mô hình “Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý”. UBND
phường quan tâm, hỗ trợ Tổ Trợ giúp pháp lý để tổ hoạt động có hiệu quả cao.
7. Văn phòng luật sư, điểm tư vấn pháp luật:
Các phường cần
phối hợp với các ngành có liên quan, kiểm tra những Văn phòng luật sư, điểm tư
vấn pháp luật đang hoạt động trên địa bàn mình, nhằm phát hiện kịp thời
những điểm tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, dịch vụ pháp lý hoạt động không
có Giấy chứng nhận hoạt động để báo cáo cơ quan có chức năng xử lý kịp thời.
IV. KINH PHÍ:
- Thực hiện
theo Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05 tháng 8 năm 2005 hướng dẫn việc quản lý
và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ
Tài chính; Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 14 tháng 5 năm 2010
hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công
tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Quyết định số 93/2006/QĐ-UBND ngày 29 tháng 6
năm 2006 về quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí đảm bảo cho công tác hoà
giải ở cơ sở trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh của Ủy ban nhân dân Thành phố.
Trên đây là Kế hoạch tuyên truyền phổ biến, giáo
dục pháp luật năm 2012 trên địa bàn Quận 9 đề nghị Hội đồng Phối hợp công tác
phổ biến, giáo dục pháp luật Quận và 13 phường phối hợp triển khai thực hiện đạt
kết quả./.