Công ước về an toàn hạt nhân

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 20/09/1994
Ngày có hiệu lực 24/10/1996
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

CÔNG ƯỚC

VỀ AN TOÀN HẠT NHÂN

Công ước về An toàn Hạt nhân được thông qua ngày 17 tháng Sáu năm 1994 tại Viên. Công ước được mở ra cho ký kết vào ngày 20 tháng Chín năm 1994 và sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 90 kể từ ngày Người lưu chiểu (Tổng giám đốc cơ quan) nhận được văn kiện phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt thứ 22, và trong số đó phải có ít nhất văn kiện của mười bảy quốc gia có cơ sở hạt nhân đạt tới độ tới hạn ở vùng hoạt của lò. Công ước bắt đầu có hiệu lực vào ngày 24 tháng Mười năm 1996 và đến ngày 11 tháng Tư năm 2005, 56 quốc gia và một tổ chức khu vực (Euratom) đã gửi văn kiện phê chuẩn.

LỜI NÓI ĐẦU

Các bên thành viên

i) Ý thức được tầm quan trọng đối với cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo sử dụng nguồn năng lượng hạt nhân phải an toàn, được quản lý chặt chẽ và hợp lý về mặt sinh thái;

ii) Khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục tăng cường mức độ an toàn hạt nhân trên toàn thế giới;

iiv) Khẳng định rằng trách nhiệm đối với sự an toàn hạt nhân thuộc về Nhà nước nơi có công trình hạt nhân;

iv) Mong muốn xây dựng một nền văn hoá thực sự về an toàn hạt nhân;

v) ý thức được rằng tai nạn xảy ra trong các công trình hạt nhân có thể có những tác động vượt ra ngoài biên giới một quốc gia;

vi) Trên tinh thần Công ước về bảo vệ vật chất các nguyên liệu hạt nhân (1979), Công ước về việc thông báo nhanh các tai nạn hạt nhân (1986) và Công ước về trợ giúp khi xảy ra tai nạn hạt nhân hay phóng xạ (1986);

vii) Khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác quốc tế nhằm cải thiện an toàn hạt nhân thông qua các cơ chế hợp tác song phương và đa phương hiện có và bằng cách xây dựng Công ước này;

viii) Xét rằng Công ước này chỉ đưa ra cam kết về việc thực hiện các nguyên tắc cơ bản nhằm đảm bảo an toàn đối với các Công trình hạt nhân chứ không xác định các tiêu chí an toàn cụ thể và, về vấn đề an toàn, có những định hướng đã được thiết lập giữa các quốc gia trên thế giới, được cập nhật thường xuyên nên có thể cho phép xác định được các phương tiện, biện pháp hiện đại nhất để đảm bảo được một mức độ an toàn cao;

ix) Khẳng định sự cần thiết phải nhanh chóng tiến hành soạn thảo một điều ước quốc tế về việc đảm bảo an toàn trong công tác quản lý chất thải phóng xạ ngay sau khi quá trình nghiên cứu các cơ sở đảm bảo an toàn quản lý chất thải phóng xạ, hiện đang được tiến hành, đạt được sự đồng thuận rộng rãi của cộng đồng quốc tế;

x) Xét rằng cần tiếp tục các công trình nghiên cứu kỹ thuật về đảm an toàn cho các công đoạn khác của chu trình nhiên liệu hạt nhân và các công trình này khi hoàn thành có thể tạo điều kiện phát triển các văn kiện quốc tế đã hoặc sẽ được ký kết,

Thoả thuận những điều sau đây

Chương 1:

MỤC TIÊU, KHÁI NIỆM VÀ PHẠM VỊ ÁP DỤNG

Điều 1. Mục tiêu

Công ước này nhằm các mục tiêu sau đây:

i) Đạt được và duy trì một mức độ an toàn hạt nhân cao trên toàn thế giới nhờ vào việc cải thiện các biện pháp được thực hiện trong nước và việc hợp tác quốc tế và đặc biệt là vào việc hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực an toàn hạt nhân, nếu có;

ii) Thiết lập và duy trì các biện pháp phòng vệ hiệu quả trong các Công trình hạt nhân chống lại các nguy cơ phóng xạ nhằm bảo vệ con người, xã hội và môi trường trước tác hại của các tia phóng xạ phát ra từ các công trình này;

iii) Phòng ngừa các tai nạn gây hậu quả phóng xạ và giảm nhẹ các hậu quả đó trong trường hợp xảy ra tai nạn.

Điều 2. Khái niệm

Trong Công ước này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

i) Công trình hạt nhân là nhà máy điện hạt nhân dân sự cố định thuộc thẩm quyền tài phán của Bên thành viên, kể cả nơi lưu trữ, lưu chuyển, và xử lý chất phóng xạ được đặt tại cùng địa điểm và liên quan trực tiếp đến việc khai thác nhà máy điện hạt nhân đó. Một nhà máy như vậy sẽ không còn là Công trình hạt nhân khi tất cả nhiên liệu phóng xạ đã được rút hẳn ra khỏi tâm lò phản ứng và được lưu trữ an toàn theo các thủ tục đã được phê chuẩn và chương trình chấm dứt hoạt động đã được cơ quan điều tiết phê chuẩn;

ii) Cơ quan điều tiết là cơ quan hay các cơ quan được Bên thành viên trao cho quyền cấp giấy phép và ban hành các quy định liên quan đến việc lựa chọn địa điểm, thiết kế, xây dựng, vận hành, khai thác hay chấm dứt hoạt động các Công trình hạt nhân;

ii) “giấy phép” là các phép do cơ quan điều tiết cấp cho người yêu cầu, qua đó thể hiện trách nhiệm của cơ quan này trong việc lựa chọn địa điểm, thiết kế, xây dựng, vận hành, khai thác hay chấm dứt hoạt động các Công trình hạt nhân.

Điều 3. Phạm vi pháp dụng

Công ước này được áp dụng cho sự an toàn của các Công trình hạt nhân.

[...]