ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
163/2002/QĐ-UB
|
Ngày
29 tháng 11 năm 2002
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN GIẢI QUYẾT ĐẤT ĐAI CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC
THIỂU SỐ TẠI CHỖ TỈNH LÂM ĐỒNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;
Căn cứ Quyết định số
132/2002/QĐ-TTg ngày 08/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết đất
sản xuất và đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên;
Căn cứ văn bản thẩm định số
4296/BNN-CS ngày 06/11/2002 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc
thẩm định phương án giải quyết đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh
Lâm Đồng;
Xét tờ trình số 1445 ngày
19/11/2002 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị phê duyệt
phương án giải quyết đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Lâm Đồng;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Phê duyệt phương án
giải quyết đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Lâm Đồng với những
nội dung chủ yếu sau đây:
1/ Khai hoang mở rộng diện tích để
bố trí đất sản xuất và đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Lâm Đồng:
Khai hoang 17.647 ha đất lâm nghiệp
được quy hoạch phân định cho nông nghiệp. Quỹ đất này đã được giao cho chính
quyền địa phương quản lý để bố trí cho 16.865 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại
chỗ thiếu đất sản xuất, đất ở, trong đó:
Bố trí đất và đất XDCB: 597 ha.
Bố trí đất sản xuất nông nghiệp:
17.050 ha (gồm 5.348 ha đất không có rừng và 11.702 ha đất có rừng nghèo kiệt,
rừng lồ ô le tép, rừng gỗ tái sinh sau nương rẫy- chưa có trữ lượng hoặc trữ lượng
thấp), hiện trạng phân theo các loại rừng như sau:
Diện tích đất rừng sản xuất 10.009
ha
Diện tích đất rừng phòng hộ ít
xung yếu 6.001 ha
Diện tích đất rừng đặc dụng 1.040
ha.
Toàn bộ diện tích đất này nằm
trong quy hoạch khu dân cư nông thôn theo chỉ thị 393/TTg ngày 10/6/1996 của Thủ
tướng Chính phủ, quỹ đất còn rừng được xử lý theo Luật đất đai và Luật bảo vệ
và phát triển rừng.
(Chi tiết diện tích khai hoang và
vốn Nhà nước đầu tư mở rộng đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ
của các Chính phủ có biểu chi tiết đính kèm).
2/ Vốn
đầu tư:
2.1. Tổng vốn đầu tư phương án:
97.851 triệu đồng.
Trong đó:
Ngân sách Trung ương đầu tư 79.620
triệu đồng
Nhân dân đóng góp bằng công lao động
17.647 triệu đồng
Ngân sách địa phương quản lý (quản
lý dự án 6.6) 584 triệu đồng.
Chi tiết vốn đầu tư khai hoang
(diện tích 17.647 ha): 88.235 triệu đồng.
Trong đó:
Ngân sách Trung ương đầu tư
(17.647 ha x 5 triệu/ha)= 70.588
triệu đồng
Nhân dân đóng góp bằng công lao động
(17.647 ha x 1 triệu/ha)= 17.647
triệu đồng.
Vốn đầu tư Trung ương hỗ trợ di
dời: 9.032 triệu đồng.
2.2. Phân kỳ vốn ngân sách Trung
ương đầu tư:
Năm 2002: 15.000 triệu đồng
Năm 2003: 36.000 triệu đồng
Năm 2004: 28.232 triệu đồng.
3/ Đối
tượng hộ dân được giải quyết đất đai là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, chưa
có đất hoặc chưa có đủ đất sản xuất đến mức quy định và chưa có đất ở. Định mức
giao đất, nguyên tắc giải quyết đất đai thực hiện theo quy định tại quyết định
số 132/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và theo phương án được duyệt của Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, quỹ đất giải quyết chủ yếu là
khai hoang đất lâm nghiệp không có rừng hoặc rừng nghèo kiệt được quy hoạch
chuyển đổi mục đích sử dụng cho phát triển nông nghiệp.
4/ Nhà
nước thực hiện thiết kế chi tiết; khai hoang bằng cơ giới ở những địa bàn có điều
kiện có diện tích tập trung xét thấy cần thiết, sau đó phân lô cắm mốc bàn giao
cho từng hộ để từng hộ tổ chức khai hoang theo quy định, ở những địa bàn rải
tác thi công bằng cơ giới gặp khó khăn, hoặc không có hiệu quả, người dân có
yêu cầu tự khai hoang thì sau khi thiết kế, phân lô cắm mốc bàn giao; căn cứ
vào quy hoạch từng hộ tự tổ chức khai hoang theo quy định và được Nhà nước
thanh toán kinh phí khai hoang theo quy định tại quyết định 132/2002/QĐ-TTg của
Thủ tướng Chính phủ; đối với những địa bàn có diện tích tập trung, có thể tổ chức
khai hoang bằng cơ giới thì Nhà nước đứng ra tổ chức thi công và phân lô cắm mốc
bàn giao cho nhân dân.
Điều 2: Tổ chức
thực hiện phương án:
1/
UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt (cấp huyện) là chủ đầu tư, chịu
trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch giải quyết đất đai cho đồng bào dân tộc
thiểu số tại chỗ trên địa bàn của mỗi địa phương cụ thể như sau:
1.1. Thành lập tổ công tác liên
ngành do đồng chí Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND các huyện làm Tổ trưởng, các
thành viên là các phòng, ban có liên quan ở huyện được biệt phái thực hiện nhiệm
vụ này trong 2 năm 2002-2003. Kinh phí hoạt động của Tổ công tác hàng năm do
ngân sách địa phương bố trí.
1.2. Tổ công tác tiến hành rà soát
và làm rõ từng chủ hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chưa có đất sản xuất, số
hộ chưa đủ đất sản xuất, mức đất chưa đủ của từng loại hộ, số hộ chưa có đất ở,
thống kê danh sách đến từng hộ theo thôn, bản, xã, phường, từ đó lập kế hoạch
triển khai chi tiết giải quyết đất đai cho từng địa bàn xã, phường trong toàn
huyện: chính quyền cấp huyện, xã tổ chức thực hiện việc giao đất và quản lý đất
sau khi giao; kế hoạch giải quyết đất tại cơ sở phải được bàn bạc thống nhất ở
trong từng thôn buôn, làng bản dựa vào đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền ở thôn,
buôn, già làng, trưởng bản để thực hiện.
1.3. Đối với các huyện, thị xã,
thành phố việc giải quyết đất đai cho đồng bào dân tộc đã phù hợp với các quy
hoạch 393/TTg, quy hoạch dãn dân thì kế hoạch giải quyết đất đai cho đồng bào
dân tộc được sử dụng các quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt, chỉ bổ sung vào kế
hoạch phần chi tiết thiết kế phân lô giao đất cho từng hộ, địa bàn giao đất cho
từng hộ trong từng thôn, buôn, xã, phường v.v... có ý kiến phê duyệt của hội đồng
xét duyệt từ cơ sở. Nếu các hộ có điều kiện tự tổ chức khai hoang theo quy hoạch
thì UBND huyện chịu trách nhiệm thiết kế phân lô cắm mốc giao đất cho từng hộ
và sau khi nghiệm thu diện tích khai hoang được Nhà nước thanh toán kinh phí
theo quy định.
1.4. Việc giải quyết đất đai cho đồng
bào dân tộc phải đảm bảo công bằng, công khai chủ trương giao đất của Nhà nước
đến từng hộ, thôn, buôn, làng bản, xã, phường, thực hiện đúng chủ trương, chính
sách, đúng đối tượng, tuyệt đối tránh sự gây mất đoàn kết trong cộng đồng dân
cư đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ do việc giải quyết đất đai không đúng đối
tượng, thiếu công bằng.
UBND cấp huyện, xã tăng cường công
tác quản lý Nhà nước về đất đai sau khi thực hiện phương án giao đất, nhằm quản
lý các hộ đồng bào dân tộc không được chuyển nhượng, cầm cố dưới bất kỳ hình thức
nào, mọi trường hợp sang nhượng, cầm cố sẽ bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
thu hồi và không cấp lại.
2/ Trách
nhiệm các ngành có liên quan của tỉnh:
UBND tỉnh giao Sở Địa chính là cơ
quan thường trực 132/2002/TTg của tỉnh và Sở Địa chính căn cứ vào phương án được
duyệt có trách nhiệm phối hợp với Ban Dân tộc và Miền núi, Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn hướng dẫn UBND cấp huyện lập hồ sơ thủ tục và tham mưu cho
UBND tỉnh ban hành các quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất-phối hợp với
các ngành có liên chủ trì thẩm định kế hoạch chi tiết của các huyện trong thời
gian 7 ngày sau khi nhận được hồ sơ và trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch giải
quyết đất đai cho đồng bào dân tộc trên địa bàn cấp huyện; tham mưu cho UBND tỉnh
ban hành quy định quản lý đất đai trong vùng đồng bào dân tộc tại chỗ theo quyết
định 132/2002/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kinh phí hoạt động của cơ quan thường
trực hàng năm do ngân sách tỉnh cân đối để bố trí.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành và chịu trách nhiệm phối hợp với Chi cục Kiểm
lâm hướng dẫn các địa phương, đơn vị xử lý lâm sản, cây trồng trên đất, hướng dẫn
chỉ đạo thực hiện thiết kế khai hoang ở những nơi thấy cần thiết trước khi thi
công.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ
trì, phối hợp với Sở Tài chính Vật giá căn cứ phương án cụ thể của từng huyện
đã được thẩm định, phê duyệt có trách nhiệm thẩm định dự toán kinh phí trình
UBND tỉnh quyết định bố trí vốn theo quy định của Nhà nước cho chủ đầu tư (UBND
cấp huyện). Trước mắt trong năm 2002 tạm ứng kinh phí từ ngân sách Trung ương
và tỉnh để có điều kiện cho các địa phương tổ chức thực hiện.
3/
Thời gian tổ chức thực hiện phương án:
Trong năm 2002 tất cả các huyện,
thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí chi tiết cho từng địa
bàn huyện, xã và trong tháng 1/2003 các phương án được thẩm định, phê duyệt.
Trong thời gian xây dựng và phê
duyệt kế hoạch, dự toán kinh phí chi tiết, UBND cấp huyện (chủ đầu tư) chủ động
triển khai thiết kế, phân lô. Tổ chức bình xét, rà soát danh sách đến từng hộ đồng
bào dân tộc chưa có đất, chưa đủ đất sản xuất và có đất ở tại từng thôn bản,
buôn làng ở các xã, phường trong huyện để cắm mốc, phát ranh giao đất cho từng
hộ tự tổ chức khai hoang.
Trong năm 2003 tất cả các huyện,
thị xã, thành phố thực hiện cơ bản: năm 2004 toàn tỉnh thực hiện hoàn thành
phương án giải quyết đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
UBND tỉnh chọn địa bàn huyện Lạc
Dương và huyện Đạ Huoai làm thí điểm và mỗi huyện, thành phố Đà Lạt, thị xã Bảo
Lộc chọn 1 - 2 xã, phường tổ chức thực hiện làm thí điểm, rút kinh nghiệm trước
khi triển khai trên diện rộng.
Điều 3: Các ông: Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh,
giám đốc Sở Địa chính, Sở Tài chính Vật giá, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc và Miền núi, Ban Tổ chức chính quyền
tỉnh, Chi cục Kiểm lâm, giám đốc Xí nghiệp Quy hoạch thiết kế nông lâm nghiệp,
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt và Thủ trưởng các
ngành, đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành kể từ ngày ký./.