Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Quy định 693-QĐ/VPTW năm 2021 về công tác văn thư trong các cơ quan, tổ chức đảng do Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 693-QĐ/VPTW
Ngày ban hành 15/12/2021
Ngày có hiệu lực 15/12/2021
Loại văn bản Quy định
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Bùi Văn Thạch
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
VĂN PHÒNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 693-QĐ/VPTW

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2021

 

QUY ĐỊNH

VỀ CÔNG TÁC VĂN THƯ TRONG CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC ĐẢNG

- Căn cứ Quyết định số 171-QĐ/TW, ngày 16/01/2019 của Bộ Chính trị khoá XII về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Văn phòng Trung ương Đảng;

- Căn cứ Luật Lưu trữ số 01/2011/QH13, ngày 11/11/2011 của Quốc hội khoá XIII;

- Căn cứ Luật Bảo vệ bí mật nhà nước số 29/2018/QH14, ngày 15/11/2018 của Quốc hội khoá XIV;

- Căn cứ Quy định số 270-QĐ/TW, ngày 06/12/2014 của Ban Bí thư về Phông Lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam;

- Căn cứ Quy định số 217-QĐ/TW, ngày 02/01/2020 của Ban Bí thư về gửi, nhận văn bản điện tử trên mạng thông tin diện rộng ca Đảng và trên mạng Internet;

- Căn cứ Nghị định số 30/2020/NĐ-CP, ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư;

- Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng quy định về công tác văn thư trong các cơ quan, tổ chức đảng như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

a) Văn bản này quy định nguyên tắc, yêu cầu, nội dung, trách nhiệm đối với công tác văn thư, bao gồm: Soạn thảo và ban hành văn bản; quản lý văn bản; lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan; quản lý, sử dụng con dấu và thiết bị lưu khóa bí mật.

b) Việc tiếp nhận, đăng ký, theo dõi giải quyết và lập hồ sơ về giải quyết điện mật; đơn, thư được thực hiện theo quy định riêng.

2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức đảng các cấp, riêng cấp cơ sở vận dụng Quy định này cho phù hợp.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công tác văn thư: Bao gồm các công việc về soạn thảo, ban hành văn bản; quản lý văn bản và tài liệu khác hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan; lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ vào lưu trữ cơ quan, tổ chức đảng; quản lý và sử dụng con dấu trong công tác văn thư.

2. Văn thư cơ quan: Là bộ phận thực hiện một số nhiệm vụ công tác văn thư của cơ quan, tổ chức đảng.

3. Văn bản: Là thông tin thành văn được truyền đạt bằng ngôn ngữ hoặc ký hiệu, hình thành trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức đảng và được trình bày đúng thể thức, kỹ thuật theo quy định.

4. Văn bản điện tử: Là tập hợp thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số được soạn thảo, trao đổi, xử lý, lưu trữ bằng phương tiện điện tử.

5. Văn bản đi: Là tất cả các loại văn bản do cơ quan, tổ chức đảng ban hành.

6. Văn bản đến: Là tất cả các loại văn bản do cơ quan, tổ chức đảng nhận được từ cơ quan, tổ chức, cá nhân khác gửi đến.

7. Bản thảo văn bản: Là bản được viết hoặc đánh máy hoặc tạo lập bằng phương tiện điện tử hình thành trong quá trình soạn thảo một văn bản của cơ quan, tổ chức đảng.

8. Bản gốc văn bản: Là bản hoàn chỉnh về nội dung, thể thức văn bản, được người có thẩm quyền trực tiếp ký trên văn bản giấy hoặc ký số trên văn bản điện tử.

9. Bản chính văn bản giấy: Là bản hoàn chỉnh về nội dung, thể thức văn bản, được tạo từ bản có chữ ký trực tiếp của người có thẩm quyền.

[...]