ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
SỞ TƯ PHÁP - SỞ Y TẾ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
412/QCPH-STP-SYT
|
Hải
Phòng, ngày 18 tháng 6 năm 2015
|
QUY CHẾ PHỐI HỢP
TRONG HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS HỖ TRỢ
VÀ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO NGƯỜI NHIỄM HIV Ở HẢI PHÒNG
Căn cứ Luật Phòng,
chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người
(HIV/AIDS) ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Trợ giúp
pháp lý ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Quyết định số 1779/2009/QĐ-UBND
ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Tư pháp
thành phố Hải Phòng;
Căn cứ Quyết định số 1717/QĐ-UBND
ngày 15 tháng 10 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Y tế thành
phố Hải Phòng;
Căn cứ Quy chế số 1192/QC-BYT-BTP
ngày 01 tháng 12 năm 2014 của Bộ Y tế và Bộ Tư pháp về việc phối hợp giữa Bộ Y
tế và Bộ Tư pháp trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hỗ trợ và trợ giúp pháp
lý cho người nhiễm HIV,
Sở Tư pháp và Sở Y tế thống
nhất ban hành Quy chế phối hợp trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hỗ trợ và
trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV ở thành phố Hải Phòng như sau:
I.
MỤC ĐÍCH
- Tạo sự phối hợp chặt
chẽ, toàn diện giữa Ngành Tư pháp và Ngành Y tế thành phố Hải Phòng trong hoạt động
phòng, chống HIV/AIDS và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ pháp lý miễn phí
của Nhà nước cho người nhiễm HIV trên địa bàn thành phố.
- Nâng cao nhận thức đội
ngũ cán bộ, công chức, viên chức y tế trực tiếp làm công tác phòng, chống HIV/AIDS
và đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV về công tác
phối hợp trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV.
II.
NGUYÊN TẮC PHỐI HỢP
1. Bảo đảm phù hợp với
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm phối hợp của Sở Tư pháp và Sở Y tế
theo quy định pháp luật và nội dung Quy chế này.
2. Phát huy vai
trò, trách nhiệm của mỗi ngành, trong đó đề cao sự chủ động trong việc gắn các
hoạt động phối hợp với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị chuyên môn của từng
ngành.
3. Bảo đảm tính
thống nhất, dân chủ, minh bạch, thường xuyên, liên tục và hiệu quả trong quá
trình phối hợp công tác, trao đổi thông tin và giải quyết công việc trên cơ sở
các quy định của pháp luật.
III. CÁC HOẠT ĐỘNG PHỐI HỢP VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
1. Hoàn
thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS
1.1. Trách nhiệm của Sở Tư
pháp
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế nghiên
cứu, đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố, cơ quan có thẩm quyền xây dựng và
hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS và trợ giúp pháp lý
cho người nhiễm HIV, trong đó chú trọng các nội dung sau:
+ Đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định
đối tượng được trợ giúp pháp lý là người nhiễm HIV(Pháp luật hiện hành mới quy
định người bị nhiễm HIV không có nơi nương tựa mới thuộc diện trợ giúp pháp
lý);
+ Xây dựng cơ chế tài chính nhằm huy
động nguồn lực cho hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV;
+ Đơn giản hóa thủ tục yêu cầu trợ
giúp pháp lý cho người nhiễm HIV;
+ Đề xuất chính sách nhằm khuyến khích,
huy động các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nhiễm
HIV.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế thực
hiện theo dõi thi hành pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, hỗ trợ và trợ giúp
pháp lý, khảo sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS và trợ giúp
pháp lý cho người nhiễm HIV.
1.2. Trách nhiệm của Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp
thực hiện việc đánh giá nhu cầu xây dựng pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.
- Tích cực thực hiện và chỉ đạo các
Đơn vị, Bộ phận trực thuộc phối hợp thực hiện các hoạt động theo đề nghị của Sở
Tư pháp.
2. Thông tin,
truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS và quyền được trợ giúp pháp lý cho người
nhiễm HIV
2.1. Trách nhiệm của Sở Tư
pháp
- Tổ chức truyền
thông và nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS và quyền được
trợ giúp pháp lý của người nhiễm HIV cho cán bộ thuộc ngành Y tế;
- Mở các chuyên
trang, chuyên mục về phòng, chống HIV/AIDS và quyền được trợ giúp pháp lý của
người nhiễm HIV trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Đài Phát
thanh quận, huyện, Phụ trương Pháp luật (Báo Hải Phòng), Cổng thông tin điện tử
của Sở Tư pháp và Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước;
- Chỉ đạo Trung
tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước cung cấp bảng tin, hộp tin về trợ giúp pháp lý,
Tờ gấp tuyên truyền về pháp luật phòng, chống HIV/AIDS, đơn yêu cầu trợ giúp
pháp lý, địa chỉ liên hệ với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khi người
nhiễm HIVcó yêu cầu cho các đơn vị trực tiếp thực hiện hoạt động phòng, chống
HIV/AIDS thuộc Sở Y tế để niêm yết tại trụ sở; Giới thiệu các dịch vụ dự phòng,
chăm sóc điều trị HIV/AIDS trong các tài liệu, ấn phẩm truyền thông về trợ giúp
pháp lý.
2.2. Trách nhiệm của Sở Y tế
- Tổ chức truyền
thông và nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS cho cán bộ thuộc ngành Tư
pháp;
- Mở các chuyên
trang, chuyên mục về phòng, chống HIV/AIDS và quyền được trợ giúp pháp lý của
người nhiễm HIV trên ấn phẩm, Cổng Thông tin điện tử của Sở Y tế, của Trung tâm
Phòng, chống HIV/AIDS; Giới thiệu về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý cho
người nhiễm HIV trong các ấn phẩm, tài liệu, hoạt động truyền thông về phòng,
chống HIV/AIDS.
- Cung cấp danh
sách, thông tin về người bị nhiễm HIV/AIDS cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà
nước thành phố - Sở Tư pháp để Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố
chủ động trong việc tiếp cận, hướng dẫn quyền được trợ giúp pháp lý, tuyên truyền
pháp luật cho người bị nhiễm HIV.
3. Tập huấn,
bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ
3.1. Trách nhiệm của Sở Tư
pháp
- Chủ trì tổ chức
các hội nghị, hội thảo phổ biến các văn bản pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS
và trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV;
- Chủ trì, phối
hợp với Sở Y tế tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về xây dựng pháp
luật, theo dõi thi hành pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp
lý lồng ghép với bồi dưỡng kiến thức về phòng chống HIV/AIDS cho cán bộ trực
tiếp làm công tác phòng, chống HIV/AIDS và người thực hiện trợ giúp pháp lý;
- Cử người có năng
lực chuyên môn làm báo cáo viên tại các lớp tập huấn, bồi dưỡng về tư vấn pháp
luật cho người bị nhiễm HIV theo đề nghị của Sở Y tế.
3.2. Trách nhiệm của Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp
tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ lồng ghép với nội dung
trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV cho người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS
và người trực tiếp điều trị cho người bị nhiễm HIV;
- Phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức hội
nghị, hội thảo phổ biến các văn bản về phòng, chống HIV/AIDS và trợ giúp pháp
lý cho người nhiễm HIV;
- Cử người có năng lực chuyên môn làm
báo cáo viên tại các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS
theo đề nghị của Sở Tư pháp;
4. Huy động nguồn lực trong hoạt
động phòng, chống HIV/AIDS
4.1. Trách nhiệm của Sở Tư
pháp
- Khuyến khích,
vận động người thực hiện trợ giúp pháp lý làm cộng tác viên tư vấn pháp luật
cho người nhiễm HIV của tổ chức thực hiện phòng, chống HIV/AIDS;
- Huy động các
tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị - xã
hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đăng ký
tham gia trợ giúp pháp lý cử Luật sư, Tư vấn viên pháp luật thực hiện trợ giúp
pháp lý cho đối tượng được trợ giúp pháp lý là người nhiễm HIV.
4.2. Trách nhiệm của Sở Y tế
Khuyến khích, vận động cán bộ, nhân
viên Ngành Y tế làm cộng tác viên tư vấn về HIV/AIDS cho đối tượng được trợ
giúp pháp lý là người nhiễm HIV; khuyến khích người nhiễm HIV tham gia tuyên
truyền, giới thiệu về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý.
5. Thực hiện trợ giúp pháp lý cho
người bị nhiễm HIV/AIDS
5.1. Trách nhiệm của Sở Tư
pháp
- Chủ trì, phối
hợp với Sở Y tế nghiên cứu, xây dựng mô hình trợ giúp pháp lý cho người nhiễm
HIV;
- Giới thiệu, chuyển tiếp người nhiễm HIV có nhu cầu
về chăm sóc y tế đến cơ sở y tế trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý;
- Lồng ghép truyền
thông cho người nhiễm HIV với hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động và sinh hoạt
Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý;
- Trung tâm Trợ
giúp pháp lý nhà nước chủ trì, phối hợp với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS xây
dựng Kế hoạch trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV trình Sở Tư pháp ban hành
sau khi thống nhất với Sở Y tế.
5.2. Trách nhiệm của Sở Y tế
- Phối hợp với
Sở Tư pháp nghiên cứu, xây dựng phương pháp trợ giúp pháp lý phù hợp cho người
HIV/AIDS;
- Hướng dẫn Trung
tâm Phòng, chống HIV/AIDS phát hiện, giới thiệu, chuyển tiếp người nhiễm HIV
không nơi nương tựa (thuộc diện được trợ giúp pháp lý) có nhu cầu trợ giúp pháp
lý đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước; lồng ghép giữa tư vấn về HIV/AIDS
với thông tin về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý; lồng ghép hoạt động trợ
giúp pháp lý trong sinh hoạt các nhóm người nhiễm HIV;
- Cử cán bộ làm
công tác phòng, chống HIV/AIDS tham gia trợ giúp pháp lý; bố trí địa điểm thuận
lợi để Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động
cho người nhiễm HIV tại các đơn vị trực tiếp thực hiện phòng, chống HIV/AIDS,
tại các nhóm người bị nhiễm HIV.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Tư pháp và
Sở Y tế chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, phòng ban trực thuộc, triển khai
thực hiện Quy chế này.
2. Trung tâm Phòng,
chống HIV/AIDS và Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước là cơ quan đầu mối giúp
cho Sở Tư pháp, Sở Y tế xây dựng và triển khai thực hiện Quy chế.
3. Tổ chức giao
ban giữa Sở Y tế và Sở Tư pháp theo định kỳ 06 tháng/lần để đánh giá việc triển
khai thực hiện Quy chế và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.
4. Tổ chức sơ kết
thực hiện Quy chế 3 năm/ lần và tổng kết thực hiện Quy chế 5 năm/lần đánh giá tình hình, kết quả thực hiện; đề nghị cơ quan
có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, có nhiều đóng góp cho hoạt động
phòng, chống HIV/AIDS và hỗ trợ, trợ giúp pháp lý đối với người nhiễm HIV trên
địa bàn thành phố;
6. Kinh phí tổ
chức thực hiện Quy chế:
- Kinh phí cho
các hoạt động thường xuyên trong Quy chế được lập dự toán từ nguồn ngân sách của
Sở Tư pháp và Sở Y tế;
- Kinh phí cho
hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV và cung cấp Bảng tin, Hộp tin về
trợ giúp pháp lý, Tờ gấp pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS được lập dự toán trong
kinh phí ngân sách của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước.
7. Quy chế
phối hợp này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Trong quá trình
thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc vấn đề mới phát sinh cần bổ sung, sửa đổi, Sở
Tư pháp và Sở Y tế cùng nhau nghiên cứu, trao đổi để thống nhất giải quyết./.
GIÁM ĐỐC SỞ Y TẾ
Phạm Thu Xanh
|
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ TƯ PHÁP
Trần Quang Minh
|
Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Y tế; (để báo cáo);
- UBND thành phố;
- Sở Tư pháp;
- Sở Y tế;
- TT. TGPLNN;
- TT. P,C HIV/AIDS;
- Lưu: VT, STP, SYT.
|
|