Quy chế 9078/BKHĐT-NHNN-BTC-BCT năm 2014 phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô do Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Bộ Tài chính - Bộ Công Thương ban hành

Số hiệu 9078/BKHĐT-NHNN-BTC-BCT
Ngày ban hành 02/12/2014
Ngày có hiệu lực 02/12/2014
Loại văn bản Quy chế
Cơ quan ban hành Bộ Công thương,Bộ Kế hoạch và Đầu tư,Bộ Tài chính,Ngân hàng Nhà nước
Người ký Đinh Tiến Dũng,Vũ Huy Hoàng,Nguyễn Văn Bình,Bùi Quang Vinh
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ - NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM - BỘ TÀI CHÍNH - BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9078/BKHĐT-NHNN-BTC-BCT

Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2014

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP TRONG QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH KINH TẾ VĨ MÔ

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 04 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14 tháng 11 năm 2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Căn cứ Nghị định số 156/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26 tháng 12 năm 2013 quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23 tháng 12 năm 2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12 tháng 11 năm 2012 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 08/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16 tháng 02 năm 2012 ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 1317/QĐ-TTg ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô;

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương (sau đây gọi tắt là “bốn cơ quan”) thống nhất ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô (sau đây gọi tắt là “Quy chế”) giữa các cơ quan như sau:

Chương I

MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM VÀ NGUYÊN TẮC

Điều 1. Mục đích của Quy chế

1. Góp phần thực hiện tốt Quy chế làm việc của Chính phủ; tăng cường tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý kinh tế vĩ mô; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các biến động kinh tế - xã hội trong và ngoài nước trong từng thời kỳ.

2. Tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, tăng khả năng dự đoán được để góp phần tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Điều 2. Yêu cầu, nguyên tắc phối hợp

1. Phối hợp quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô theo mục tiêu nhằm đạt được các cân đối kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn và trung hạn, bao gồm tăng trưởng kinh tế, lạm phát, cân đối thu chi ngân sách, cán cân thương mại và tiêu dùng.

2. Phối hợp chủ động, kịp thời, thống nhất, thường xuyên, liên tục và có hệ thống giữa bốn cơ quan trong toàn bộ quy trình nghiên cứu đề xuất, triển khai, thực hiện, giám sát và đánh giá các chính sách: tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư và phát triển, thương mại và giá cả.

3. Đối với mỗi chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, có một cơ quan trong phạm vi chức năng, thẩm quyền hiện có chủ trì phối hợp với các cơ quan khác để đạt được mục tiêu điều hành, bảo đảm sự cân đối với các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác.

4. Bảo đảm thống nhất với các chủ trương chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến điều hành các chính sách: tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư và phát triển, thương mại và giá cả.

Chương II

PHẠM VI, NỘI DUNG, QUY TRÌNH PHỐI HỢP

Điều 3. Phạm vi, nội dung phối hợp

1. Phối hợp xây dựng, đề xuất định hướng các mục tiêu kinh tế vĩ mô hàng năm, trung - dài hạn và điều hành thực hiện các chỉ tiêu: tốc độ tăng trưởng kinh tế, lạm phát, thu chi ngân sách nhà nước, cán cân thương mại và tiêu dùng.

2. Phối hợp, tham vấn lấy ý kiến, chia sẻ thông tin trong soạn thảo, thực hiện, theo dõi, đánh giá, giải trình kết quả thực hiện chính sách đầu tư và phân bổ nguồn lực, tiền tệ và tín dụng, tài khóa, thương mại trong nước, xuất nhập khẩu và tiêu dùng.

3. Phối hợp trong việc nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, dự báo tác động của các chính sách: đầu tư và phát triển, tiền tệ, tín dụng, tài khóa, thương mại và giá cả đối với các mục tiêu kinh tế vĩ mô.

Điều 4. Quy trình phối hợp

1. Đối với từng chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, cơ quan chủ trì phối hợp đề xuất mục tiêu, giải pháp chính sách, biện pháp điều hành; đề xuất các nội dung mà cơ quan phối hợp có ý kiến tham gia và loại thông tin cơ quan phối hợp phải cung cấp, thời hạn và hình thức tham gia và cung cấp thông tin.

[...]