BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ - BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN - BỘ CÔNG THƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2222/QCPH-BKHCN-BNNPTNT-BCT
|
Hà Nội, ngày 08
tháng 08 năm 2018
|
QUY CHẾ
PHỐI
HỢP GIỮA BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VÀ BỘ
CÔNG THƯƠNG VỀ XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm
2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng
6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9
năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, một số điều của
Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp và Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày
31 tháng 12 năm 2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
103/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9
năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu
trí tuệ, và Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2010 sửa đổi, bổ
sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 8
năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu
công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 95/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8
năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02
năm 2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8
năm 2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công
Thương;
Căn cứ Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và
công nghệ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và
công nghệ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2020;
Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn và Bộ Công Thương thống nhất ban hành Quy chế phối hợp trong
công tác xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý với các nội dung sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung và phương
thức phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn và Bộ Công Thương trong công tác quản lý nhà nước về chỉ dẫn địa lý, hoạt
động xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.
Điều 2. Mục đích phối hợp
1. Bảo đảm sự phối hợp thống nhất, hiệu quả giữa Bộ
Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương
trong công tác xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.
2. Góp phần tích cực trong quản lý nhà nước về chỉ
dẫn địa lý, hiệu quả kinh tế - xã hội của bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhận thức của
người sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
3. Nâng cao hiệu quả hoạt động sử dụng chỉ dẫn địa
lý của các tổ chức, cá nhân, hiệu quả trong hoạt động liên kết vùng để phát triển
các sản phẩm chủ lực của liên tỉnh, liên vùng, góp phần nâng cao khả năng cạnh
tranh, giá trị sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.
4. Góp phần triển khai hiệu quả các điều ước quốc tế
mà Việt Nam là thành viên, các tuyên bố chung của Việt Nam với các nước về chỉ
dẫn địa lý.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Tuân thủ quy định của pháp luật và các điều ước
quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
2. Bảo đảm các hoạt động phối hợp được triển khai
thực hiện thống nhất, thường xuyên, kịp thời và hiệu quả.
3. Không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ
của mỗi Bên và hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên
quan.
4. Tham vấn và tạo điều kiện hỗ trợ nhau thực hiện
tốt nhiệm vụ.
5. Đảm bảo chế độ bảo mật thông tin theo quy định.
Chương II
NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG THỨC
PHỐI HỢP
Điều 4. Phối hợp xây dựng và
hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến chỉ dẫn địa lý
1. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương trong các hoạt động:
a) Rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế, ban
hành mới theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ
sung, bãi bỏ, thay thế, ban hành mới chính sách, pháp luật về bảo hộ và bảo vệ
quyền đối với chỉ dẫn địa lý, đặc biệt là các nội dung về quản lý chỉ dẫn địa
lý.
b) Nghiên cứu, xây dựng và ban hành mới theo thẩm
quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật về tiêu
chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo
hộ.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì,
phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công Thương trong các hoạt động:
a) Rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế, ban
hành mới theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ
sung, bãi bỏ, thay thế, ban hành mới chính sách, pháp luật về chỉ dẫn địa lý
liên quan đến ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn như: quy hoạch vùng sản
xuất; quản lý nhà nước đối với giống cây trồng, vật nuôi; quản lý chất lượng đối
với nông lâm thủy sản; phát triển thị trường để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước,
cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
b) Xây dựng các chương trình, đề án, dự án bảo tồn,
lưu trữ, khai thác nguồn gen các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý hoặc đang chuẩn bị
hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
3. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học
và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong các hoạt động rà
soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc kiến
nghị cấp có thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế, ban hành mới
chính sách, pháp luật về chỉ dẫn địa lý liên quan đến ngành Công Thương như xúc
tiến thương mại, phát triển thị trường, quản lý thị trường để đáp ứng yêu cầu
quản lý nhà nước về chỉ dẫn địa lý.
4. Các Bộ cử đại diện có kinh nghiệm, trình độ
chuyên môn phù hợp tham gia Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập hoặc kịp thời đóng góp ý
kiến cho các văn bản xây dựng cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp
luật có nội dung liên quan đến hoạt động xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý và
sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý khi có yêu cầu.
5. Các Bộ thường xuyên trao đổi thông tin về hoạt động
xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến xây dựng và quản lý
chỉ dẫn địa lý và sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.
Điều 5. Phối hợp tổ chức thực
hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ khác có liên quan đến chỉ dẫn địa lý
1. Bộ Khoa học và Công nghệ:
a) Cung cấp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
và Bộ Công Thương danh sách cập nhật hằng năm các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý
được bảo hộ để các Bộ tham khảo trong hoạt động xây dựng chính sách, chiến lược,
quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án của các Bộ đối với sản phẩm
mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Kịp thời cập nhật và công bố các chỉ dẫn địa
lý được bảo hộ trên Cổng thông tin điện tử Bộ Khoa học và Công nghệ.
b) Tham vấn ý kiến, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương thực hiện các nội dung về xây dựng và quản
lý chỉ dẫn địa lý và các sản phẩm đặc thù của địa phương gắn với dấu hiệu chỉ dẫn
nguồn gốc địa lý.
c) Mời đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn và Bộ Công Thương tham gia các Hội đồng tư vấn thuộc “Chương trình
phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020” và các Chương trình khác có
liên quan đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc thù của địa phương theo
hình thức chỉ dẫn địa lý.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Tham vấn ý kiến Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ
Công Thương những nội dung liên quan đến xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương
mại các sản phẩm đặc thù của địa phương dưới hình thức chỉ dẫn địa lý.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Khoa
học và Công nghệ tổ chức các kỳ đánh giá, xếp hạng sản phẩm thuộc “Chương trình
mỗi xã một sản phẩm”.
c) Ưu tiên và đẩy mạnh các kế hoạch xúc tiến thương
mại đối với các sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhằm phát triển thị trường.
3. Bộ Công Thương:
a) Tham vấn ý kiến Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những nội dung liên quan đến xây dựng và
phát triển thương hiệu ngành hàng, thương hiệu cho các sản phẩm đặc thù của địa
phương gắn với chỉ dẫn địa lý thuộc Chương trình Thương hiệu quốc gia, Chương
trình xúc tiến thương mại quốc gia và các chương trình, đề án, dự án do Bộ Công
Thương chủ trì.
b) Ưu tiên và đẩy mạnh các kế hoạch xúc tiến thương
mại trong nước và nước ngoài đối với các sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý
nhằm phát triển thị trường trong nước và quốc tế.
4. Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn và Bộ Công Thương:
a) Chủ động tổ chức và phối hợp triển khai, theo
dõi thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, đề án, dự án và các văn bản
khác có nội dung liên quan đến hoạt động xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý và
sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.
b) Phối hợp xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện
các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các tuyên bố
chung của Việt Nam với các nước về chỉ dẫn địa lý.
c) Thường xuyên trao đổi thông tin về các chương
trình xúc tiến thương mại có liên quan đến chỉ dẫn địa lý giữa các Bộ.
d) Hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Khoa học
và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương lồng ghép
chính sách, giải pháp hỗ trợ quản lý sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý vào các chính
sách, chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, xúc tiến
thương mại các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản và tiểu thủ công nghiệp của
ngành và địa phương trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm được giao.
Điều 6. Phối hợp phát hiện,
ngăn chặn, kiểm soát và xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý
trên thị trường
1. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm cung cấp
ý kiến chuyên môn kịp thời liên quan đến phạm vi bảo hộ và xác định yếu tố xâm
phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý khi nhận được yêu cầu từ Bộ Công Thương.
2. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học
và Công nghệ tổ chức tập huấn, đào tạo phổ biến kiến thức về chỉ dẫn địa lý được
bảo hộ cho lực lượng quản lý thị trường của Bộ Công Thương và các địa phương.
3. Các Bộ chủ động tổ chức và phối hợp trong phát
hiện, ngăn chặn, kiểm soát và xử lý hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
đối với chỉ dẫn địa lý trên thị trường.
Điều 7. Phối hợp hỗ trợ xây dựng
hồ sơ đăng ký bảo hộ, quản lý chỉ dẫn địa lý
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều
kiện cho các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc tham gia hỗ trợ các địa
phương trong hoạt động nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng hồ sơ
đăng ký chỉ dẫn địa lý theo quy định của pháp luật.
2. Các Bộ hướng dẫn các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương trong phạm vi chức năng,
nhiệm vụ của mình hỗ trợ cung cấp số liệu, tài liệu liên quan nhằm hỗ trợ quá
trình đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm đặc thù của địa phương
như tài liệu, số liệu về văn hóa, lịch sử, quá trình hình thành của sản phẩm;
tài liệu, số liệu về điều kiện tự nhiên trong vùng chỉ dẫn địa lý; hỗ trợ quá
trình xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất, chế biến và phê duyệt quy trình kỹ
thuật sản xuất, chế biến nếu cần thiết; hỗ trợ quá trình xin phép phê duyệt bản
đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý và các thông tin có liên quan
khác.
3. Các Bộ hướng dẫn, đề nghị các Sở Khoa học và
Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương cử cán bộ
tham gia, phối hợp, đóng góp ý kiến cho quá trình xây dựng hồ sơ, quản lý chỉ dẫn
địa lý của địa phương; tham mưu, tư vấn cho cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý của
địa phương về chính sách hỗ trợ xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý; tham gia tổ
chức thực hiện chính sách về quản lý chỉ dẫn địa lý.
Điều 8. Hội đồng tư vấn chỉ dẫn
địa lý
1. Hội đồng Tư vấn chỉ dẫn địa lý được thành lập nhằm
tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan về xây dựng
và quản lý chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ:
a) Thành lập Hội đồng Tư vấn chỉ dẫn địa lý.
b) Chủ trì xây dựng và ban hành Quy chế Tổ chức và
Hoạt động của Hội đồng Tư vấn chỉ dẫn địa lý và xây dựng danh sách chuyên gia về
các lĩnh vực liên quan tham gia Hội đồng Tư vấn chỉ dẫn địa lý.
c) Giao Cục Sở hữu trí tuệ chủ trì, phối hợp với
các đơn vị liên quan xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn
chỉ dẫn địa lý, danh sách chuyên gia về các lĩnh vực liên quan tham gia Hội đồng
Tư vấn chỉ dẫn địa lý và tổ chức triển khai các hoạt động của Hội đồng tư vấn
chỉ dẫn địa lý.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Cung cấp danh sách chuyên gia về các lĩnh vực
liên quan và tạo điều kiện cho các chuyên gia tham gia Hội đồng tư vấn chỉ dẫn
địa lý.
b) Giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông
sản và Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn là đơn vị
đầu mối, phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ trong hoạt động xây dựng Quy chế tổ chức
và hoạt động của Hội đồng tư vấn chỉ dẫn địa lý, xây dựng danh sách chuyên gia
và cung cấp cho Cục Sở hữu trí tuệ, triển khai các hoạt động của Hội đồng tư vấn
chỉ dẫn địa lý.
4. Bộ Công Thương:
a) Cung cấp danh sách chuyên gia về các lĩnh vực
liên quan và tạo điều kiện cho các chuyên gia tham gia Hội đồng tư vấn chỉ dẫn
địa lý.
b) Giao Cục Xúc tiến thương mại là đơn vị đầu mối,
phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ trong hoạt động xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt
động của Hội đồng tư vấn chỉ dẫn địa lý, xây dựng danh sách chuyên gia và cung
cấp cho Cục Sở hữu trí tuệ, triển khai các hoạt động của Hội đồng tư vấn chỉ dẫn
địa lý.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Cơ quan đầu mối và cơ
quan tham gia thực hiện Quy chế
1. Bộ Khoa học và Công nghệ giao Cục Sở hữu trí tuệ
là cơ quan đầu mối, điều phối các hoạt động phối hợp với các Bộ thực hiện Quy
chế này. Các đơn vị thuộc Bộ tham gia phối hợp bao gồm: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo
lường Chất lượng, Thanh tra Bộ, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ
thuật, Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương và các đơn vị liên quan.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục
Chế biến và Phát triển thị trường nông sản là cơ quan đầu mối phối hợp với các
Bộ thực hiện Quy chế này. Các đơn vị thuộc Bộ tham gia phối hợp bao gồm: Vụ
Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Cục
Chăn nuôi, Cục Thú y, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Viện
Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, Văn phòng Điều phối
nông thôn mới Trung ương và các đơn vị liên quan.
3. Bộ Công Thương giao Cục Xúc tiến thương mại là
cơ quan đầu mối phối hợp với các Bộ thực hiện Quy chế này. Các đơn vị thuộc Bộ
tham gia phối hợp bao gồm: Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Thị trường trong nước,
Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý cạnh tranh và các đơn vị liên quan.
Điều 10. Trách nhiệm tổ chức
thực hiện Quy chế
1. Các Bộ có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc
các đơn vị trực thuộc thực hiện Quy chế.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương chuẩn bị báo cáo, tổ chức
họp tổng kết hoạt động phối hợp hàng năm để đánh giá kết quả thực hiện Quy chế
và thống nhất nội dung, chương trình phối hợp công tác năm tiếp theo.
3. Cử cán bộ phối hợp:
a) Khi phát sinh công việc cần phối hợp, bên yêu cầu
phối hợp có thể đề nghị cử cán bộ tham gia phối hợp. Văn bản đề nghị gồm: mục
đích, nội dung, yêu cầu phối hợp, cách thức phối hợp. Bộ được đề nghị phối hợp
có trách nhiệm cử cán bộ theo đúng yêu cầu và tạo điều kiện để cán bộ được cử
tham gia phối hợp hoàn thành nhiệm vụ.
b) Trường hợp bên được đề nghị phối hợp không cử được
cán bộ tham gia phối hợp theo yêu cầu thì phải có văn bản trả lời, trong đó nêu
rõ lý do.
Điều 11. Hiệu lực thi hành
Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn,
vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về cơ quan đầu mối của các Bộ để thống nhất
giải quyết theo quy định. Trường hợp cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Quy chế
này, mỗi Bộ sẽ đề nghị bằng văn bản để các Bộ khác xem xét, quyết định./.
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG THƯƠNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Thắng Hải
|
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
THỨ TRƯỞNG
Trần Thanh Nam
|
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THỨ TRƯỞNG
Phạm Công Tạc
|
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Lãnh đạo Bộ KH&CN;
- Lãnh đạo Bộ NN&PTNT;
- Lãnh đạo Bộ CT;
- HĐND, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương;
- Sở NN&PTNT, Sở KH&CN, Sở CT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương (để t/h);
- Các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN và Bộ CT (để t/h);
- Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT Bộ: KH&CN, NN&PTNT và CT;
- Lưu: VT, SHTT (Bộ KH&CN);
- Lưu: VT, CCB (Bộ NN&PTNT);
- Lưu: VT, XTTM (Bộ CT).
|