Nghị quyết 51/NQ-CP năm 2009 về Chương trình hành động của Chính phủ về tham gia hợp tác ASEAN đến năm 2015

Số hiệu 51/NQ-CP
Ngày ban hành 12/10/2009
Ngày có hiệu lực 12/10/2009
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 51/NQ-CP

Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ VỀ THAM GIA HỢP TÁC ASEAN ĐẾN NĂM 2015

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Thông báo số 153-TB/TW ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Bộ Chính trị về Đề án phương hướng và biện pháp Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN đến năm 2015;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này là Chương trình hành động của Chính phủ về tham gia hợp tác ASEAN đến năm 2015.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: TKBT, NC, KTTH, TH, KTN;
- Lưu: Văn thư, QHQT (5b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ

VỀ THAM GIA HỢP TÁC ASEAN ĐẾN NĂM 2015
(Ban hành kèm theo Nghị quyết sổ 51/NQ-CP ngày 12 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ)

I. MỤC ĐÍCH

Nhằm góp phần vào hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực, xây dựng môi trường thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về “Đề án phương hướng và biện pháp Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN đến năm 2015”, Chương trình hành động này của Chính phủ xác định: mục tiêu, nguyên tắc, nội dung những nhiệm vụ chủ yếu, phương châm và kế hoạch công tác của các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trong tham gia hợp tác ASEAN từ nay đến năm 2015.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CẦN QUÁN TRIỆT TRONG THAM GIA HỢP TÁC ASEAN

1. Tầm quan trọng của ASEAN đối với Việt Nam:

Khu vực Đông Nam Á và ASEAN có tầm quan trọng chiến lược đối với nước ta; là địa bàn thuận lợi để ta phát huy thế và lực, là nhân tố quan trọng để Việt Nam tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Một ASEAN ổn định, liên kết chặt chẽ, đoàn kết và vững mạnh phù hợp với lợi ích cơ bản, lâu dài của Việt Nam. Tham gia hợp tác ASEAN có tầm quan trọng chiến lược; là một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

2. Mục tiêu: tạo dựng môi trường khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác cao hơn nữa để hỗ trợ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; xây dựng một ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ và vững mạnh, góp phần nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam, tạo thế chiến lược tốt hơn cho ta trong quan hệ với các đối tác bên ngoài, nhất là với các nước lớn.

3. Phương châm và tư tưởng chỉ đạo:

a) Tham gia hợp tác ASEAN theo tinh thần thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

b) Giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm lợi ích quốc gia, kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích chung của tổ chức ASEAN; kiên trì các nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội, nhất là các nguyên tắc “đồng thuận” và “không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”.

c) Việc tham gia hợp tác ASEAN đặt dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Thủ tướng Chính phủ; có sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành cũng như sự đầu tư thích đáng về nhân lực và nguồn lực.

d) Tham gia hợp tác ASEAN theo phương châm tích cực, chủ động và có trách nhiệm, trên các lĩnh vực, kể cả một số lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến vấn đề nhân quyền, dân chủ, tôn giáo, an ninh, quốc phòng. Ta cần đóng vai trò nòng cốt trong những lĩnh vực hợp tác mà ta có lợi ích và thế mạnh. Trên cơ sở kiên định về nguyên tắc nhưng không cứng nhắc; linh hoạt và tích cực đổi mới tư duy, chủ động nêu sáng kiến đề xuất trong tham gia hợp tác ASEAN.

đ) Kết hợp chặt chẽ giữa hợp tác đa phương với song phương, tận dụng hợp tác đa phương và thế chiến lược của ASEAN để thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam với từng nước trong ASEAN và với các đối tác bên ngoài, nhất là các nước láng giềng và các nước lớn.

[...]