Nghị quyết 97/2014/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 do tỉnh Kiên Giang ban hành
Số hiệu | 97/2014/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 04/12/2014 |
Ngày có hiệu lực | 14/12/2014 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Kiên Giang |
Người ký | Nguyễn Thanh Sơn |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 97/2014/NQ-HĐND |
Kiên Giang, ngày 04 tháng 12 năm 2014 |
VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 14
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Trên cơ sở xem xét các báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, báo cáo thẩm tra của các ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015 với các chỉ tiêu, giải pháp được nêu trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh và báo cáo của các cơ quan hữu quan, đồng thời nhấn mạnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2014 và một số vấn đề cần tập trung thực hiện trong năm 2015, như sau:
I. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2014
1. Kết quả đạt được
Triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2014 tỉnh ta vẫn còn khó khăn, nhưng với tinh thần chủ động, quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, sự điều hành của Ủy ban nhân dân, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành và Nhân dân trong năm qua đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực: Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, đạt 9,51%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông - lâm - thủy sản giảm còn 37,65%, công nghiệp - xây dựng tăng lên 24,11%, dịch vụ tăng lên 38,24%. Nhiều lĩnh vực đạt và vượt kế hoạch: Sản lượng lúa đạt 4,54 triệu tấn, tăng 73.318 tấn so năm 2013; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 635.540 tấn, tăng 9,32% so cùng kỳ; thu ngân sách đạt 5.095 tỷ đồng, vượt 2,1% dự toán; thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển và tăng 12,38%; huy động đầu tư toàn xã hội 31.818 tỷ đồng, tăng 9,29%; nhiều công trình trọng điểm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng như: Cầu sông Cái Bé, Cái Lớn, cầu 3 tháng 2, tuyến đường tránh thành phố Rạch Giá, đường điện cáp ngầm, cáp quang Hà Tiên - Phú Quốc, các công trình, dự án lớn đầu tư trên đảo Phú Quốc,... đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư từng bước được tháo gỡ, hơn 1.072 doanh nghiệp mới được thành lập, có 04 dự án triển khai đầu tư tại khu công nghiệp Thạnh Lộc - Châu Thành và sắp có những sản phẩm đầu tiên. Văn hóa xã hội có chuyển biến tiến bộ, chất lượng giáo dục được duy trì. Chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện có hiệu quả, nhất là các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,58%, dân số tham gia bảo hiểm đạt 63,9%; kiểm soát chặt chẽ các loại dịch bệnh; tổ chức thành công một số sự kiện quan trọng của tỉnh. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tranh chấp, khiếu nại của công dân được quan tâm giải quyết.
2. Về khó khăn, hạn chế
Tình hình chung vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa đạt yêu cầu đề ra; một số chỉ tiêu kinh tế tuy tăng so cùng kỳ nhưng chưa đạt kế hoạch, như kim ngạch xuất khẩu, xây dựng nông thôn mới, giao thông nông thôn,... Hoạt động của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, ô nhiễm môi trường còn xảy ra nhiều nơi. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học ở một số nơi còn thiếu và xuống cấp, tình trạng thiếu giáo viên chậm được khắc phục; công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi còn nhiều khó khăn, còn 23 xã, phường chưa có trường mầm non; việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở chưa hiệu quả. Quản lý nhà nước trên lĩnh vực y tế còn nhiều yếu kém; vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được kiểm soát tốt, ảnh hưởng đến chăm sóc sức khỏe và đời sống của Nhân dân. Tình hình an ninh trật tự, tranh chấp, khiếu kiện từng lúc, từng nơi còn diễn biến phức tạp; phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông còn ở mức cao,...
Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan là do tình hình chính trị thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, kinh tế trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ hàng hóa có nhiều biến động, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, đó là: Sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa chặt chẽ, hiệu quả; việc chỉ đạo thực hiện một số lĩnh vực, các nhiệm vụ trọng tâm chưa quyết liệt, thiếu chủ động xử lý những vấn đề khó khăn vướng mắc để thực hiện tốt nhiệm vụ chung của tỉnh.
II. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM 2015
Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2014 và đặc điểm, bối cảnh, yêu cầu nhiệm vụ của năm 2015, Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản tán thành mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh trình tại kỳ họp và nhấn mạnh một số vấn đề sau:
1. Về mục tiêu tổng quát
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, tập trung mọi nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2014, trong đó chú trọng chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt thấp, các chỉ tiêu có khả năng vượt kế hoạch. Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phát triển khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống Nhân dân. Tăng cường quốc phòng an ninh, bảo đảm giữ vững chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
2. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội
a) Các chỉ tiêu kinh tế
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (giá so sánh 2010) đạt 10%. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng 2%, sản lượng lúa 4.640.000 tấn. Giá trị sản xuất thủy sản tăng 4,5%, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 647.100 tấn; trong đó tôm nuôi 56.000 tấn. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 9%. Kim ngạch xuất khẩu 526 triệu USD. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 5.507 tỷ đồng; tổng chi ngân sách 10.309 tỷ đồng, trong đó, chi đầu tư phát triển 2.176 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt 34.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước 4.825 tỷ đồng. Tỷ lệ xã trong đất liền có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa 100%. Phấn đấu có thêm từ 9 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt tiêu chí nông thôn mới đến năm 2015 là 18 xã.
b) Các chỉ tiêu xã hội
Giảm tỷ lệ sinh 0,2‰, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 9,93‰, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn 14%; tỷ lệ huy động học sinh từ 6-14 tuổi đến trường đạt trên 96%; số lao động được giải quyết việc làm 33.000 lượt người; tỷ lệ lao động qua đào tạo 52%, trong đó: Lao động qua đào tạo nghề 43%; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2,73%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 70%; tỷ lệ hộ sử dụng điện 98%; tỷ lệ dân số sử dụng nước hợp vệ sinh 85%; tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom 85%. Số vụ tai nạn giao thông giảm hơn so với năm 2014.
Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành các giải pháp thực hiện do Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra và nhấn mạnh một số giải pháp chủ yếu sau:
1. Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế; triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với nghiên cứu đưa công nghệ cao vào phát triển sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng, gắn với nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, trong đó tập trung đầu tư các công trình có ý nghĩa quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên cho đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi tôm công nghiệp; đầu tư chế biến nông sản và thủy sản xuất khẩu; đầu tư vào khu công nghiệp và phát triển dịch vụ du lịch trên đảo Phú Quốc.
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính để thu hút đầu tư, nhất là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ.