Nghị quyết 96/2007/NQ-HĐND thông qua Chương trình phát triển kinh tế cửa khẩu tỉnh Lai Châu giai đoạn 2007 - 2015
Số hiệu | 96/2007/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 20/07/2007 |
Ngày có hiệu lực | 23/07/2007 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Lai Châu |
Người ký | Lỳ Khai Phà |
Lĩnh vực | Thương mại |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 96/2007/NQ-HĐND |
Lai Châu, ngày 20 tháng 7 năm 2007 |
THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỬA KHẨU TỈNH LAI CHÂU GIAI ĐOẠN 2007 - 2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI
CHÂU
KHOÁ XII, KỲ HỌP THỨ 10
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 192/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/8/2006 phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu đến năm 2010”; Nghị định số 32/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/3/2005 về “Quy chế cửa khẩu đất liền”; Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg ngày 19/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về “Chính sách đối với Khu cửa khẩu biên giới” và Quyết định số 273/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/10/2005 về sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg ngày 19/4/2001;
Căn cứ Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 16/3/2007 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế cửa khẩu giai đoạn 2007 - 2015;
Sau khi xem xét Tờ trình số 521/TTr-UBND ngày 22/6/2007, của Uỷ ban nhân dân tỉnh về Chương trình phát triển kinh tế cửa khẩu tỉnh Lai Châu giai đoạn 2007 - 2015; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Chương trình phát triển kinh tế cửa khẩu tỉnh Lai Châu giai đoạn 2007 - 2015, với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu:
Giai đoạn 2007 - 2010 tập trung lãnh đạo, ưu tiên đầu tư để tạo sự phát triển đột phá trong sản xuất hàng hoá và dịch vụ xuất nhập khẩu. Tập trung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng thành một trung tâm thương mại xuất, nhập khẩu của khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc. Phấn đấu từ năm 2010 đến năm 2015 nâng cấp được 1 cửa khẩu quốc gia lên cửa khẩu quốc tế và 1 cửa khẩu phụ lên cửa khẩu chính.
Phấn đấu tăng nguồn thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu, dịch vụ và du lịch, trong đó: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đến năm 2010 đạt 100 triệu USD, trong đó giá trị hàng xuất khẩu của địa phương qua cửa khẩu biên giới đạt trên 10 triệu USD; Đến năm 2015 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 200 triệu USD. Doanh thu về du lịch - dịch vụ đạt 4 tỷ đồng, lượng khách du lịch đạt 10.000 lượt người/năm. Nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu và dịch vụ đạt trên 16 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là từ khai thác xuất khẩu quặng của địa phương và một phần thuế nhập khẩu hàng hoá, các hoạt động du lịch - dịch vụ trên địa bàn. Đến năm 2015 thu đạt trên 50 tỷ đồng/năm,
2. Nhiệm vụ chủ yếu:
2.1. Về công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phục vụ phát triển kinh tế cửa khẩu:
- Công tác quy hoạch: Xúc tiến quy hoạch chi tiết các khu chức năng phụ trợ trong Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng; khu Huổi Luông, các vùng chuyên canh sản xuất sản phẩm nông, lâm sản, cây công nghiệp… phục vụ xuất khẩu và Khu kinh tế cửa khẩu U Ma Tu Khoòng, các cửa khẩu phụ, đường qua lại tạm thời để tiến hành đầu tư theo quy hoạch.
- Xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phục vụ phát triển kinh tế cửa khẩu: Tiếp tục đầu tư, nâng cấp và xây dựng mới một số công trình trọng điểm, có quy mô lớn, phục vụ trực tiếp cho các hoạt động tại khu vực kinh tế cửa khẩu.
Nguồn vốn kinh tế cửa khẩu hàng năm chủ yếu để đầu tư cho cơ sở hạ tầng và một số công trình phục vụ phát triển cửa khẩu, dành một phần đầu tư cho công cộng.
Giai đoạn 2007 - 2010 tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng: Hệ thống điện, nước, trạm y tế, trạm kiểm dịch trạm phát thanh - truyền hình, hệ thống nhà hàng, khách sạn, chợ cửa khẩu, kho ngoại quan… tại Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, khu vực cửa khẩu U Ma Tu Khoòng; Phấn đấu nâng cấp cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng lên cửa khẩu quốc tế.
Giai đoạn 2010 - 2015 tập trung đầu tư xây dựng cửa khẩu U Ma Tu Khoòng thành cửa khẩu chính và một số đường qua lại tạm thời trên tuyến biên giới Việt - Trung lên cửa khẩu phụ và đầu tư hoàn chỉnh các công trình còn lại theo quy hoạch.
(Chi tiết có phụ lục kèm theo)
2.2. Về thương mại: Phát triển các mặt hàng xuất khẩu tại địa phương, tìm kiếm thị trường nhập khẩu các mặt hàng lợi thế tăng nguồn thu thuế nhập khẩu hàng hoá cho ngân sách địa phương. Xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án sản xuất, khai thác, chế biến các mặt hàng từ rừng, cây dược liệu, cây hương liệu, cây nông sản, cây cao su, nguyên liệu giấy trên cơ sở quy hoạch. Thăm dò khai thác, chế biến khoáng sản, đá đen, các tài nguyên khác…Khuyến khích đẩy mạnh việc nhập khẩu các mặt hàng của Trung Quốc, đặc biệt là máy móc thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất, hàng điện tử, hàng tiêu dùng, may mặc…chất lượng tốt phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và các nhà máy chế biến, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách.
2.3. Về Dịch vụ - du lịch: Tổ chức quản lý, cung cấp dịch vụ công và phát triển các dịch vụ thương mại, thành lập Đội quản lý và khai thác cửa khẩu trực thuộc Ban quản lý khu Kinh tế cửa khẩu để thực hiện việc quản lý đô thị, quản lý việc kinh doanh - dịch vụ - du lịch, quản lý khai thác cơ sở hạ tầng trong khu đầu mối. Khuyến khích các đơn vị, cá nhân có nhu cầu thành lập đại lý thủ tục Hải quan theo quy định của Chính phủ. Khuyến khích đầu tư phát triển các dịch vụ kho bãi, đặc biệt là kho đông lạnh để bảo quản hàng tươi sống. Dịch vụ vận tải, dịch vụ bưu chính - viễn thông, dịch vụ lữ hành du lịch, dịch vụ ngân hàng, tiền tệ. Khuyến khích các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thanh toán qua ngân hàng. Phối hợp các ngành chức năng quản lý các hộ kinh doanh thu đổi ngoại tệ tại khu vực cửa khẩu theo quy định. Đầu tư các điểm vui chơi giải trí, nâng cấp hệ thống dịch vụ du lịch, mở thêm các tuyến, điểm du lịch mới gắn với tham quan mua sắm tại các cửa khẩu, nâng cao chất lượng phương tiện đi lại, cải tiến phong cách và chất lượng phục vụ du lịch.
2.4. Về quan hệ đối ngoại và thu hút đầu tư: Thành lập Văn phòng đại diện thương mại của tỉnh Lai Châu tại tỉnh Vân Nam Trung Quốc. Hợp tác với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc trên các lĩnh vực: Phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng; Hợp tác chế biến tài nguyên thiên nhiên; Hỗ trợ lẫn nhau chuyển dịch cơ cấu kinh tế thông qua việc hợp tác khoa học kỹ thuật trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, y tế, văn hoá, xã hội; hợp tác thu hút đầu tư, tăng cường xúc tiến thương mại và đầu tư; hợp tác bảo vệ môi trường, tương trợ pháp lý. Thường xuyên tổ chức hội chợ, triển lãm, hội thảo cải thiện môi trường pháp lý…Tăng cường trao đổi thông tin với phía Trung Quốc bằng nhiều hình thức như: Tham quan, hội đàm. Hợp tác hoàn thiện hệ thống dịch vụ ngân hàng thanh toán biên mậu qua biên giới và hợp tác về giao thông vận tải.
2.5. Về nguồn nhân lực: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tham gia sản xuất hàng xuất khẩu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế đối ngoại. Xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực để có đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật sử dụng hiệu quả máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến phục vụ các ngành công nghiệp và sản xuất hàng hoá xuất khẩu. Chuẩn hoá đội ngũ cán bộ cả về trình độ (Chuyên môn, ngoại ngữ, tin học) và năng lực quản lý theo hướng hiện đại hoá, đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế. Phấn đấu đến năm 2010 có từ 700 - 1000 lao động qua đào tạo bậc công nhân kỹ thuật làm việc tại các nhà máy liên doanh sản xuất công nghiệp, chế biến, gia công hàng xuất khẩu và các vùng chuyên canh sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Có từ 10 - 20% cán bộ quản lý các cấp, cán bộ ở các cơ quan chuyên ngành về kinh tế đối ngoại, các Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu biết tiếng Trung Quốc.
2.6. Về thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh gắn với mở rộng, phát triển kinh tế đối ngoại: Xây dựng kế hoạch phòng ngừa, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Tổ quốc. Cùng với phát triển kinh tế xã hội, chú trọng làm tốt thế trận an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân. Làm tốt việc kiểm tra, kiểm soát người, hàng, phương tiện xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu và lối mở, lối mòn.
3- Một số giải pháp chủ yếu:
3.1.Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục vận động nhân dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị từ tỉnh đến cơ sở và nhân dân các dân tộc, nhất là nhân dân vùng biên giới về phát triển kinh tế cửa khẩu, đặc biệt là sản xuất, khai thác, chế biến các mặt hàng xuất khẩu có ưu thế tại địa phương.
3.2. Đổi mới cơ chế quản lý, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện nhất quán chính sách phát triển kinh tế cửa khẩu. Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo phát triển kinh tế cửa khẩu, đồng thời xây dựng quy chế làm việc để đổi mới cơ chế quản lý cho phù hợp. Củng cố lực lượng chuyên ngành làm tốt công tác quốc phòng - an ninh biên giới, giữ vững chủ quyền biên giới Quốc gia. Rà soát các cơ chế quản lý, chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu.