Thứ 7, Ngày 02/11/2024

Nghị quyết 89/NQ-HĐND năm 2022 kết quả giám sát chuyên đề về công tác quản lý và đấu giá quyền sử dụng đất công trên địa bàn tỉnh Long An

Số hiệu 89/NQ-HĐND
Ngày ban hành 10/12/2022
Ngày có hiệu lực 10/12/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Long An
Người ký Nguyễn Văn Được
Lĩnh vực Bất động sản

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 89/NQ-HĐND

Long An, ngày 10 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ ĐẤU GIÁ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
KHÓA X - KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Thực hiện Nghị quyết số 110/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh thành lập Đoàn giám sát về công tác quản lý và đấu giá quyền sử dụng đất công trên địa bàn tỉnh Long An;

Xét Tờ trình số 1089/TTr-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2022 của Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề công tác quản lý và đấu giá quyền sử dụng đất công trên địa bàn tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với kết quả giám sát chuyên đề về công tác quản lý và đấu giá quyền sử dụng đất công trên địa bàn tỉnh của Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh nêu tại Báo cáo số 1068/BC-HĐND ngày 01 tháng 11 năm 2022 và nhấn mạnh một số nội dung sau:

1. Kết quả đạt được chủ yếu trong triển khai thực hiện việc quản lý và đấu giá quyền sử dụng đất công trên địa bàn tỉnh

1.1. Đối với việc quản lý đất công

Trong những năm qua, UBND tỉnh luôn quan tâm đến công tác quản lý và đấu giá quyền sử dụng đất công; triển khai, cụ thể hóa các quy định của pháp luật và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về đất công; ban hành quy chế phối hợp, phân công, phân cấp cho từng sở ngành, địa phương trong quản lý, sử dụng đất công.

Công tác thống kê tổng hợp, tổ chức đo đạc, xác định, quản lý ranh mốc các khu, thửa đất công được các địa phương, đơn vị có trách nhiệm quản lý, thực hiện khá tốt theo quy định pháp luật. Theo số liệu tổng hợp, đến nay trên địa bàn tỉnh có 5.511 thửa đất công nhỏ, bào rọc, xen kẽ, với tổng diện tích 2.222 ha; có 12 khu đất công lớn, với tổng diện tích 2.991 ha. Trong 5.511 thửa đất công nhỏ hẹp, các địa phương đã bố trí kinh phí thực hiện đo đạc, xác định ranh giới 4.189 thửa đất, với diện tích 1.705 ha (chiếm 76,01 % về số thửa và 76,73% về diện tích).

1.2. Đối với việc đấu giá quyền sử dụng đất công

Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương đảm bảo thực hiện các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất công, tài sản công. Chủ động ban hành Quyết định 41/2018/QĐ-UBND ngày 07/8/2018 về phân cấp thẩm quyền phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để giao có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, thuê mặt nước.

Các khâu tổ chức đo đạc xác định ranh mốc, phạm vi diện tích, giá khu đất; xây dựng, thẩm định, phê duyệt phương án đấu giá; xác định và phê duyệt giá khởi điểm; quyết định tổ chức đấu giá; lựa chọn và ký hợp đồng thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá, tổ chức đấu giá; niêm yết, thông báo công khai về đấu giá; giám sát thực hiện cuộc bán đấu giá; phê duyệt kết quả trúng đấu giá; thu nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất sau khi có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá; phương án phân bổ nguồn thu; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất trên thực địa cho người trúng đấu giá... nhìn chung được các cơ quan liên quan cơ bản thực hiện theo quy trình, thủ tục quy định.

Việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất công đã góp phần tạo nguồn thu lớn cho ngân sách để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nổi bật từ năm 2016 đến nay, huyện Đức Hòa đã tổ chức bán đấu giá đất công thu về ngân sách 1.318 tỷ đồng; Trung tâm Phát triển quỹ đất và Dịch vụ tài nguyên, môi trường thu về 1.132 tỷ đồng; huyện Cần Đước tậu về 150 tỷ đồng; huyện Thạnh Hóa thu về 149 tỷ đồng; huyện Tân Hưng thu về 14 tỷ đồng; ....

2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ yếu trong triển khai thực hiện việc quản lý và đấu giá quyền sử dụng đất công trên địa bàn tỉnh

2.1. Tồn tại, hạn chế

- Tỉnh chưa có quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng đất công toàn diện, hiệu quả; chưa rà soát, xác định đầy đủ danh mục các thửa đất công không còn nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh để có phương án xử lý phù hợp, hiệu quả.

- Việc quản lý, sử dụng đất công tại một số địa phương còn hạn chế: Hiện còn 1.322 thửa đất công (chiếm 23,99%) chưa hoàn thành việc đo đạc cắm mốc; việc cho thuê đất công ở một số địa phương chưa đảm bảo theo quy định (không đấu giá, không có hợp đồng, không đúng thẩm quyền, đối tượng, mục đích sử dụng đất)[1]; còn tình trạng lấn chiếm, tranh chấp lấn chiếm đất công kéo dài qua nhiều thời kỳ nhưng chưa được giải quyết, xử lý dứt điểm[2].

- Số liệu tổng hợp về hiện trạng quản lý, sử dụng đất công do UBND tỉnh báo cáo còn chênh lệch so với số liệu báo cáo của các địa phương[3]. Công tác quản lý sử dụng đất công tại các doanh nghiệp sau khi thực hiện cổ phần hóa còn hạn chế[4]. Cơ chế quản lý, xử lý các thửa đất công có nguồn gốc là đất của các nông lâm trường chưa chặt chẽ, nhất là trong việc lập hồ sơ quản lý, thực hiện cho thuê, đấu giá quyền sử dụng đất[5]. Công tác rà soát, giải quyết những tồn tại, vướng mắc về quản lý đất công theo các kết luận, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền còn chậm[6].

- Việc xác định các thửa đất công để lập kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục tiêu chủ yếu là tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, chưa gắn với kế hoạch tổng thể về quản lý, sử dụng đất công hiệu quả, đảm bảo cho sự phát triển bền vững tại địa phương.

- Việc xây dựng phương án đấu giá quyền sử dụng đất công còn một số hạn chế như: phương án đấu giá chưa xem xét đầy đủ các phương án để chọn phương án đấu giá tối ưu (có đầu tư thêm hạ tầng hay không; thời điểm đấu giá); việc xác định giá khởi điểm một số khu đất công chưa sát với giá thị trường; công tác tổ chức đấu giá, kiểm soát quá trình thực hiện đấu giá theo quy định pháp luật còn một số bất cập[7].

- Công tác đấu giá quyền sử dụng đất công theo quy hoạch có mặt chưa đảm bảo, phải điều chỉnh quy hoạch khi đấu giá[8]; kế hoạch đấu giá tài sản gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất công có trường hợp chưa đảm bảo điều kiện theo quy định về quản lý tài sản công[9]. Chưa xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật để xác định mức chi cho hoạt động tạo lập phát triển quỹ đất công làm cơ sở đặt hàng, giao nhiệm vụ theo quy định.

- Hiệu quả đạt được từ đấu giá quyền sử dụng đất công chưa cao. Tại một số thời điểm, giá trúng đấu giá chênh lệch tăng thêm còn thấp so với giá khởi điểm. Có trường hợp tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá có biểu hiện tiêu cực trong quá trình đấu giá và sau đấu giá nhưng chưa được kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời[10].

- Việc cho thuê đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với một số khu đất công có diện tích lớn[11] chưa đánh giá rõ cơ sở pháp lý, hiệu quả kinh tế, xã hội và loại đất công (đất có tài sản trên đất; đất do sắp xếp các tổ chức kinh tế;...).

2.2. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế

[...]