Nghị quyết 87/2013/NQ-HĐND Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2020

Số hiệu 87/2013/NQ-HĐND
Ngày ban hành 04/07/2013
Ngày có hiệu lực 14/07/2013
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Nguyễn Văn Sỹ
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 87/2013/NQ-HĐND

Quảng Nam, ngày 04 tháng 07 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 08

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14 tháng 01 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng;

Sau khi xem xét Tờ trình số 2058/TTr-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh và các ý kiến thảo luận tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2020 với một số nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu

- Xây dựng ổn định và nâng cao chất lượng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh, bảo vệ nguồn nước và môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp dịch vụ môi trường đáp ứng mục tiêu sản xuất kinh doanh lâm nghiệp có hiệu quả và bền vững; phấn đấu đến năm 2015, đưa độ che phủ của rừng toàn tỉnh đạt 50% và đến cuối năm 2020 đạt trên 52%.

- Hình thành các vùng rừng kinh tế tập trung, đáp ứng phần lớn nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh; phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 8% diện tích đất có rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn, tiêu chí của Hội đồng quản trị rừng quốc tế (FSC).

- Thực hiện lồng ghép chương trình phát triển lâm nghiệp với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.

2. Nhiệm vụ chủ yếu

a) Bảo vệ rừng:

Quản lý, bảo vệ toàn bộ diện tích đất có rừng, bao gồm rừng tự nhiên và rừng trồng của rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng sản xuất.

Khoán quản lý, bảo vệ rừng: 2.123.145 lượt ha, trong đó: giai đoạn 2011 – 2015 bình quân 169.000 ha/năm, giai đoạn 2016 - 2020 bình quân 256.000 ha/năm.

b) Phát triển rừng:

- Khoanh nuôi tái sinh rừng bình quân 23.200 ha/năm.

- Trồng rừng tập trung giai đoạn 2011 - 2020: 177.316 ha, bình quân 17.730 ha/năm, trong đó:

+ Trồng rừng đặc dụng: 130 ha;

+ Trồng rừng phòng hộ: 6.668 ha, gồm: trồng mới 3.031 ha, cải tạo rừng kém chất lượng 3.637 ha;

+ Trồng rừng sản xuất: 170.518 ha, gồm: trồng mới 27.493 ha, trồng lại rừng sau khai thác 115.951 ha, trồng cao su trên đất lâm nghiệp 27.073 ha.

- Trồng cây phân tán: 18 triệu cây, bình quân 1,8 triệu cây/năm.

- Nuôi dưỡng rừng: 1.650 lượt ha; bình quân 165 ha/năm.

- Giao rừng và cho thuê rừng: 358.990 ha, bình quân 72.000 ha/năm.

[...]