Nghị quyết 86/NQ-CP năm 2011 về phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 6 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 86/NQ-CP
Ngày ban hành 05/07/2011
Ngày có hiệu lực 05/07/2011
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 86/NQ-CP

Hà Nội, ngày 05 tháng 7 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 6 NĂM 2011

Trong hai ngày 30 tháng 6 và 01 tháng 7 năm 2011, Chính phủ họp trực tuyến mở rộng phiên thường kỳ tháng 6 năm 2011 có sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thảo luận và quyết nghị những vấn đề sau:

1. Chính phủ thảo luận các báo cáo: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2011; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2011; tình hình thực hiện các cam kết quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2011; tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2011; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2011 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Tổng Thanh tra Chính phủ trình.

Sau khi nghe phát biểu của các thành viên Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chính phủ thống nhất nhận định:

Trong 6 tháng đầu năm 2011, kinh tế nước ta tiếp tục chịu ảnh hưởng nhiều mặt từ những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới, nhất là tình trạng lạm phát tăng cao trên bình diện toàn cầu. Ở trong nước, lạm phát gia tăng và xuất hiện một số nhân tố gây nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô. Trước tình hình đó, đồng thời với việc triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2011 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011, Chính phủ đã điều chỉnh mục tiêu, chuyển hướng trọng tâm sang triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chủ yếu nhằm ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội với việc ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011.

Sau 6 tháng quyết liệt triển khai thực hiện Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 02/NQ-CP và nhất là Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, kinh tế - xã hội nước ta đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực: Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng đã chậm lại và có xu hướng giảm dần; thị trường ngoại tệ và kinh doanh vàng đang từng bước ổn định; tỷ giá đã được kiểm soát trong biên độ cho phép; dự trữ ngoại tệ tăng; tăng trưởng tín dụng được kiểm soát; lãi suất có xu hướng giảm; thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang dần được cải thiện; việc cắt giảm đầu tư công, tiết kiệm chi ngân sách được thực hiện nghiêm túc đã phát huy hiệu quả góp phần kiềm chế lạm phát; thu ngân sách đạt khá, bội chi giảm; kim ngạch xuất khẩu tăng cao gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch, tỷ lệ nhập siêu giảm. Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm ước đạt 5,57%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao hơn chỉ tiêu kế hoạch; sản xuất nông nghiệp giữ được ổn định; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh. Công tác an sinh xã hội được quan tâm và có những chuyển biến tích cực; đầu tư cho giảm nghèo, nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn được tăng cường. Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, thông tin, bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm... có nhiều tiến bộ. Cải cách hành chính có chuyển biến tốt hơn. Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt nhiều kết quả cụ thể. Quốc phòng được tăng cường. An ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; nhiều sự kiện lớn của đất nước, đặc biệt là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã được tổ chức thành công. Hoạt động đối ngoại và quan hệ hợp tác quốc tế đạt nhiều kết quả tốt.

Đạt được những kết quả tích cực trên đây là nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt, có trách nhiệm của Chính phủ, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, sự nỗ lực của tất cả các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân. Những kết quả đó khẳng định các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đề ra trong Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 59/2011/QH12 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ là đúng hướng và phù hợp với tình hình của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao; sản xuất, kinh doanh còn khó khăn, tốc độ tăng trưởng đạt thấp, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập; tình trạng đình công ở các khu công nghiệp có chiều hướng gia tăng; mặt bằng lãi suất, nhập siêu tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao; thu hút đầu tư nước ngoài giảm; tai nạn và ùn tắc giao thông vẫn khá nghiêm trọng; vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường vẫn đang là vấn đề bức xúc; đời sống của người nghèo, người thu nhập thấp còn nhiều khó khăn...

Để phấn đấu đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2011, trong đó kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 15 - 17%; tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6%; tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 15 - 16% tổng kim ngạch xuất khẩu; giảm tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 5% GDP, trong 6 tháng cuối năm 2011 và thời gian tiếp theo, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đề ra trong Kết luận số 02/KL-TW ngày 16 tháng 3 năm 2011 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 59/2011/QH12 ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Quốc hội, các Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2011, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ, các nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó cần tập trung vào một số trọng tâm sau:

- Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả; bảo đảm tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng đã đề ra và tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán năm 2011 khoảng 15 - 16%, trong đó điều hành phân bổ hợp lý theo quý, tháng phù hợp với diễn biến thị trường. Kiểm tra, rà soát, bảo đảm chất lượng tín dụng, đặc biệt chú trọng kiểm soát theo hướng đưa lượng tăng trưởng dư nợ tín dụng vào lĩnh vực sản xuất có hiệu quả, xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng lĩnh vực phi sản xuất, nhất là bất động sản, chứng khoán; quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, không để xảy ra những biến động tiêu cực. Tiếp tục sử dụng chủ động, linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ nhằm giảm sức ép lạm phát, giảm mặt bằng lãi suất phù hợp với tình hình lạm phát, bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Tăng cường kiểm soát nợ xấu. Tiếp tục duy trì tỷ giá hợp lý, tăng dự trữ ngoại hối; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về thu đổi ngoại tệ, kinh doanh vàng.

            - Kiên trì và nhất quán thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt kết hợp với việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Các ngành, các cấp tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp tăng thu, phấn đấu hoàn thành vượt 7 - 8% dự toán thu năm 2011; thực hiện nghiêm việc tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên để chi cho an sinh xã hội, góp phần giảm bội chi ngân sách nhà nước; tăng cường rà soát, cắt giảm đầu tư công, kiểm soát chặt đầu tư của doanh nghiệp nhà nước; kiên quyết cắt giảm nguồn đầu tư vào những công trình, dự án không hiệu quả, chưa thật sự cần thiết, tiến độ chậm, kéo dài; ưu tiên và tập trung vốn cho các công trình sắp hoàn thành, có khả năng đưa vào sử dụng trong năm 2011.

            - Tiếp tục tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm ổn định cung - cầu hàng hoá, dịch vụ thiết yếu; chỉ đạo thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về giá, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm hàng, thao túng thị trường, tăng giá bất hợp lý, buôn lậu qua biên giới; xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá cả, thị trường. Kiên trì và nhất quán điều hành giá điện, xăng dầu, than theo cơ chế thị trường trên cơ sở tính toán lộ trình, thời điểm phù hợp với tình hình và mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

- Tiếp tục rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh và tiếp cận vốn đối với các dự án hiệu quả. Đề xuất phương án miễn giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân vượt qua khó khăn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Xây dựng cơ chế, giải pháp khuyến khích phát triển doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí, đặc biệt là sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu dùng; tập trung nguồn lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực, góp phần nâng cao đời sống nông dân. Tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu.

Tập trung triển khai các giải pháp cơ bản, lâu dài nhằm tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các bộ, cơ quan, địa phương cần chú ý chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, kế hoạch ứng dụng khoa học công nghệ mới đồng bộ, lồng ghép trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của bộ, cơ quan, địa phương mình.

- Tập trung nguồn lực thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, các chương trình mục tiêu quốc gia hướng đến vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, các chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo và đối tượng khó khăn trong xã hội; tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, xây dựng ký túc xá sinh viên, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 2), xây dựng nông thôn mới,...; triển khai thực hiện tốt chủ trương điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cho người lao động trong các doanh nghiệp.

- Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; tăng cường đối thoại chính sách; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc kiểm soát thông tin; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục tăng cường phối hợp chỉ đạo thực hiện tốt công tác an ninh, quốc phòng, đối ngoại, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xử lý tốt vấn đề Biển Đông, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia; tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác cải cách hành chính, thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm kiềm chế, đẩy lùi tai nạn giao thông; tập trung nguồn lực, chủ động các phương án phòng chống thiên tai, bảo đảm khôi phục nhanh, hiệu quả sản xuất và đời sống cho nhân dân vùng bị thiên tai; tích cực chuẩn bị tốt các đề án, nhiệm vụ trong chương trình công tác 6 tháng cuối năm, hoàn thành các công việc, nhiệm vụ thuộc nhiệm kỳ Chính phủ khóa XII.

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các địa phương có liên quan, phối hợp với địa phương tìm giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn để thực hiện tốt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.

- Các bộ, cơ quan ngang bộ chỉ đạo việc xây dựng các dự án luật, pháp lệnh đúng tiến độ; xây dựng và hoàn thiện các dự thảo văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thi hành, đặc biệt là đối với các luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011.

Giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và các đại biểu dự họp, hoàn chỉnh Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2011, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ, báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước khi thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ I, Quốc hội khóa XIII; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Báo cáo Kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành, tình hình thực hiện Quy chế làm việc 6 tháng đầu năm và Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2011, trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến để gửi cho các bộ, cơ quan, địa phương.

2. Chính phủ thảo luận và cho ý kiến về Phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động trong các doanh nghiệp năm 2011 và năm 2012 do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình.

Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Nghị định của Chính phủ về điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động trong các doanh nghiệp năm 2011 và 2012, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ký, ban hành trong tháng 7 năm 2011 và áp dụng từ 01 tháng 10 năm 2011; Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tập trung thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội đối với việc ban hành và triển khai thực hiện chủ trương này.

3. Chính phủ thảo luận và nhất trí với Đề án thí điểm quản lý tiền lương đối với Tập đoàn Viễn thông Quân đội giai đoạn 2011 - 2013 do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình.

Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định của Chính phủ về thực hiện thí điểm quản lý tiền lương đối với Tập đoàn Viễn thông Quân đội giai đoạn 2011 - 2013, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ký, ban hành.

4. Chính phủ thảo luận dự thảo Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế, đẩy lùi tai nạn giao thông trên toàn quốc do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình.

Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, bổ sung, hoàn chỉnh nội dung dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó cần cụ thể hóa hơn và bảo đảm tính khả thi của các giải pháp, nhất là nhóm giải pháp nâng cao và phát huy trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu xây dựng Đề án hạn chế phát triển phương tiện giao thông cá nhân, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

5. Chính phủ thảo luận và nhất trí thông qua Báo cáo về các giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh do Bộ trưởng Bộ Tài chính trình.

[...]
14
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ