Nghị quyết số 76-CP về việc hướng dẫn thi hành và xây dựng pháp luật thống nhất cho cả nước do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 76-CP
Ngày ban hành 25/03/1977
Ngày có hiệu lực 25/03/1977
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
***********

Số: 76-CP

Hà Nội, ngày 25 tháng 3 năm 1977

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THI HÀNH VÀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT THỐNG NHẤT CHO CẢ NƯỚC

Thi hành nghị quyết ngày 2 tháng 7 năm 1976 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; để bảo đảm cho mọi lĩnh vực hoạt động trong phạm vi cả nước đều có pháp luật, tăng cường ý thức tôn trọng pháp chế xã hội chủ nghĩa, đảm bảo việc thi hành được thống nhất và sát với tình hình thực tế; xuất phát từ yêu cầu của sản xuất và đời sống;

Theo đề nghị của Ủy ban pháp chế của Hội đồng Chính phủ trong tờ trình số 73-VP/UB ngày 1 tháng 2 năm 1977.

QUYẾT NGHỊ:

I. VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THI HÀNH PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH TRONG CẢ NƯỚC

1. Nay thông qua danh mục các văn bản pháp luật hiện hành (đính kèm theo nghị quyết này) do các Bộ và Ủy ban Pháp chế đề nghị. Danh mục này gồm các văn bản pháp luật do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, hoặc Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, và do Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ban hành từ trước tới nay để cho phổ biến và thi hành trong cả nước.

Danh mục này được lựa chọn gồm những vấn đề thiết yếu nhất, cấp bách nhất và có thể thi hành được ngay, để đưa việc quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, quản lý kinh tế vào nề nếp, làm sao cho tất cả mọi ngành hoạt động đều có những pháp luật cần thiết.

Đối với các văn bản do Bộ ban hành, Hội đồng Chính phủ giao trách nhiệm cho các đồng chí Bộ trưởng xem xét, lựa chọn, công bố và hướng dẫn thi hành. Trước hết, các Bộ cần chú ý chọn các văn bản hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật của Quốc hội và của Chính phủ nói trên.

2. Giao trách nhiệm cho các Bộ, các ngành (dưới đây gọi tắt là các Bộ) như sau:

Dựa trên danh mục các văn bản pháp luật đã được Hội đồng Chính phủ thông qua, các Bộ có trách nhiệm nhanh chóng truyền đạt nội dung các văn bản nói trên hướng dẫn chu đáo việc thi hành, tổ chức các đợt huấn luyện cho cán bộ trong ngành và cho cán bộ các địa phương về các vấn đề do Bộ quản lý. Những điều mà nhân dân phải thi hành, thì các Bộ phải phổ biến rộng rãi trong nhân dân.

Trong khi hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật của Quốc hội và Chính phủ, gặp trường hợp phải bổ sung, sửa đổi ít nhiều, nếu là những việc thuộc thẩm quyền Bộ giải quyết thì Bộ ra văn bản hướng dẫn sau khi đã bàn bạc và lấy ý kiến của Ủy ban Pháp chế và Văn phòng Phủ thủ tướng. Nếu là những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc Quốc hội giải quyết thì các Bộ phải báo cáo với Chính phủ và đề nghị ý kiến của mình để Chính phủ hoặc Quốc hội giải quyết, không được tự ý quyết định.

3. Giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trách nhiệm phổ biến và hướng dẫn thi hành cho cán bộ và nhân dân trong địa phương mình những việc do địa phương phụ trách.

Trong khi thi hành, nếu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng mới giải phóng phát hiện có những điểm vào không thích hợp với địa phương mình mà cần xin sửa đổi, bổ sung hoặc muốn đề nghị hoãn cho thi hành một phần nào đó, thì phải báo cáo lên Hội đồng Chính phủ quyết định. Trong khi chờ đợi, vẫn phải thi hành nghiêm chỉnh, không được tự ý  làm trái pháp luật của Nhà nước. Các cơ quan giúp việc Hội đồng Chính phủ khi nhận được báo cáo và đề nghị của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải nhanh chóng nghiên cứu và đề nghị Chính phủ giải quyết kịp thời và trả ời cho chính quyền địa phương.

4. Giao cho ủy ban Pháp chế trách nhiệm phổ biến và hướng dẫn những văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực chung không riêng Bộ nào phụ trách, và giúp đỡ các Bộ về mặt pháp lý để việc phổ biến và hướng dẫn thi hành được đúng pháp luật.

5. Danh mục này được đăng trên Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các văn bản được xuất bản thành từng tập luật lệ, Ủy ban Pháp chế sẽ bàn cụ thể với các Bộ để định rõ những tập nào do các Bộ xuất bản, những tập nào do Ủy ban Pháp chế xuất bản.

Bộ Văn hóa có trách nhiệm dành mọi sự ưu tiên về giấy, về nhà in để việc xuất bản các tập luật lệ này được nhanh chóng và kịp thời. Ủy ban Pháp chế sẽ bàn cụ thể với Bộ Văn hóa với ý thức tiết kiệm giấy để thực hiện tốt kế hoạch xuất bản này. Bộ Tài chính dành cho các Bộ và Ủy ban Pháp chế ngân sách để chi tiêu về kế hoạch này. Các Bộ và Ủy ban Pháp chế phải tính toán và gửi dự trù đến Bộ Tài chính.

6. Danh mục các văn bản khác phải được duyệt nốt từ nay đến cuối năm 1977 trên nguyên tắc: các văn bản đó vẫn còn giá trị thi hành, tuy nhiên các văn bản đó cần phải sửa đổi một số điều khoản cho hợp với tình hình mới; hoặc thay hẳn một số văn bản lẻ tẻ về cùng một vấn đề bằng một văn bản hợp nhất mới.

Việc xuất bản các tập luật lệ này cũng cần làm khẩn trương như tin thần đã nói trên.

II. VỀ VIỆC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT MỚI

Hệ thống pháp luật của Nhà nước ta đến nay mặc dầu số lượng khá nhiều nhưng chưa hoàn chỉnh. Trong giai đoạn cách mạng mới, cả nước thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội, có nhiều vấn đề mới đặt ra trong việc quản lý và xây dựng đất nước, do đó phải xây dựng nhiều pháp luật mới cho thích hợp.

Đại hội lần thứ IV của Đảng nêu rõ: “Cần xây dựng và ban hành kịp thời một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh, trong đó chú trọng xây dựng sớm luật kinh tế” (Báo cáo chính trị).

Hội đồng Chính phủ giao trách nhiệm cho các Bộ đặt kế hoạch xây dựng những pháp luật cấp bách trong thời gian trước mắt (1977) và kế hoạch xây dựng pháp luật trong một thời gian dài hơn (1977-1980) trong lĩnh vực thuộc Bộ mình quản lý. Kế hoạch năm 1977 phải được gửi tới Ủy ban Pháp chế (trong đầu qúy II năm 1977) để tổng hợp thành kế hoạch chung. Kế hoạch của các năm 1977-1980 phải được gửi tới Ủy ban Pháp chế (trong quý II năm 1977) để tổng hợp thành kế hoạch chung.

Giao trách nhiệm cho Ủy ban Pháp chế lập kế hoạch xây dựng những pháp luật chung không thuộc Bộ nào phụ trách, hoặc phải phối hợp nhiều Bộ cùng làm (kế hoạch trước mắt và dài hạn), và tổng hợp kế hoạch xâydựng pháp luật của các Bộ thành kế hoạch chung của Hội đồng Chính phủ và trình Hội đồng Chính phủ duyệt vào quý III năm 1977 để từng bước trình sang quốc hội.

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Hùng

DANH MỤC PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH THI HÀNH THỐNG NHẤT CHO CẢ NƯỚC

(ban hành do nghị quyết số 76-CP ngày 25-3-1977 của Hội đồng Chính phủ)

Phần I:

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ