UỶ
BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
228/1999/NQ-UBTVQH10
|
Hà
Nội, ngày 27 tháng 10 năm 1999
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TIẾP CÔNG DÂN, TIẾP NHẬN, CHUYỂN
ĐƠN, ĐÔN ĐỐC, THEO DÕI VIỆC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ KIẾN NGHỊ CỦA CÔNG
DÂN
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Để nâng cao hiệu quả hoạt động
của đại biểu Quốc hội trong công tác tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn
đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; góp phần
thúc đẩy việc giải quyết của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với khiếu nại,
tố cáo, kiến nghị của công dân;
Căn cứ vào Điều 93 và Điều 97 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa
Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Điều 6 và Điều 44 của Luật tổ chức Quốc hội;
QUYẾT ĐỊNH:
I. ĐẠI BIỂU
QUỐC HỘI TIẾP CÔNG DÂN
1. Đại biểu Quốc hội tiếp công
dân nhằm thu thập ý kiến, nguyện vọng, phản ánh của công dân; đồng thời hướng dẫn,
giúp đỡ công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo và nhận đơn, thư của công dân
để chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp
luật.
2. Đại biểu Quốc hội tiếp công
dân tại địa điểm tiếp công dân do Đoàn đại biểu Quốc hội bố trí và theo sự phân
công của Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội.
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tổ
chức để các đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp công dân. Danh sách, kế hoạch thời
gian tiếp công dân của đại biểu Quốc hội được niêm yết tại nơi tiếp công dân, đồng
thời thông báo cho đại biểu Quốc hội trước 7 ngày. Nếu có lý do không tiếp được,
đại biểu Quốc hội báo cáo với Trưởng đoàn trước 3 ngày để cử người khác thay thế.
3. Khi công dân có yêu cầu gặp đại
biểu Quốc hội để trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị thì đại biểu Quốc hội tạo
điều kiện thuận lợi để tiếp công dân; nếu chưa thể tiếp công dân được thì đại
biểu Quốc hội nhận đơn hoặc hẹn tiếp công dân vào thời gian thích hợp.
Trong thời gian Quốc hội họp,
khi cần thiết, theo đề nghị của Văn phòng Quốc hội và được Chủ tịch Quốc hội đồng
ý, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp hoặc phân công đại biểu Quốc
hội trong đoàn tiếp công dân của địa phương mình đến khiếu nại, tố cáo, kiến
nghị.
4. Khi tiếp công dân, đại biểu
Quốc hội lắng nghe ý kiến nguyện vọng của công dân, giải thích, tuyên truyền đường
lối, chính sách, pháp luật và hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố
cáo, kiến nghị theo quy định của pháp luật.
Khi cần thiết, đại biểu Quốc hội
yêu cầu công dân cung cấp các tài liệu có liên quan đến những nội dung đã trình
bày.
Trường hợp có nhiều người khiếu
nại, tố cáo, kiến nghị về cùng một nội dung thì đại biểu Quốc hội yêu cầu cử
người đại diện để trình bày.
5. Đại biểu Quốc hội không tiếp
công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị khi công dân vi phạm nội quy nơi tiếp
công dân.
II. ĐẠI BIỂU
QUỐC HỘI TIẾP NHẬN Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA CÔNG DÂN
1. Khi nhận được ý kiến, kiến
nghị của công dân, đại biểu Quốc hội xem xét, phản ánh hoặc chuyển đến cơ quan,
tổ chức có thẩm quyền, cụ thể như sau:
a. Những ý kiến, kiến nghị của
công dân thuộc thẩm quyền xem xét và giải quyết của cơ quan, tổ chức ở địa
phương thì phản ánh hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức địa phương;
b. Những ý kiến, kiến nghị của
công dân thuộc thẩm quyền xem xét và giải quyết của Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức
nào thì phản ánh hoặc chuyển đến Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức đó;
c. Những ý kiến, kiến nghị của
công dân thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì phản ảnh hoặc chuyển đến Chính phủ
xem xét;
d. Những ý kiến, kiến nghị của
công dân liên quan đến sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng luật, pháp lệnh thì phản ảnh
hoặc chuyển đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét.
2. Đại biểu Quốc hội phản ánh những
ý kiến, kiến nghị của công dân nêu ở điểm 1 phần này với Trưởng đoàn đại biểu
Quốc hội để tổng hợp báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
III. ĐẠI BIỂU
QUỐC HỘI TIẾP NHẬN, CHUYỂN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ ĐÔN ĐỐC, THEO DÕI VIỆC GIẢI QUYẾT
KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN:
1. Khi nhận được khiếu nại, tố
cáo của công dân, đại biểu Quốc hội nghiên cứu, chuyển khiếu nại, tố cáo đến cơ
quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo
biết, cụ thể như sau:
a. Những khiếu nại, tố cáo thuộc
lĩnh vực quản lý Nhà nước được chuyển theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo;
b. Những khiếu nại, tố cáo liên
quan đến việc giải quyết các vụ án và thi hành án được chuyển cho các cơ quan
tư pháp theo quy định của pháp luật;
c. Những khiếu nại, tố cáo liên
quan đến hoạt động của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức
xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế được chuyển đến tổ chức đó.
2. Trường hợp đơn khiếu nại, tố
cáo của công dân có ghi gửi đến tất cả đại biểu Quốc hội thì Trưởng đoàn đại biểu
Quốc hội nơi công dân cư trú chuyển khiếu nại, tố cáo đó đến cơ quan, tổ chức
có thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp đơn khiếu nại, tố cáo
của công dân có ghi gửi đến nhiều đại biểu Quốc hội làm việc trong các cơ quan
của Quốc hội thì khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc,
các Uỷ ban hoặc Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội phụ trách công tác dân nguyện
thì đại biểu Quốc hội là thường trực của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban hoặc Uỷ
viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội phụ trách công tác dân nguyện chuyển đến cơ
quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết.
3. Đại biểu Quốc hội không chuyển
khiếu nại, tố cáo trong những trường hợp sau:
a. Khiếu nại, tố cáo đã được đại
biểu Quốc hội khác chuyển theo quy định tại điểm 2 phần III của Nghị quyết này;
b. Khiếu nại, tố cáo có nội dung
không rõ ràng;
c. Khiếu nại không rõ tên, địa
chỉ của người gửi;
d. Khiếu nại đã có quyết định giải
quyết cuối cùng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền mà đại biểu Quốc hội xét thấy
việc giải quyết đó là đúng pháp luật;
e. Khiếu nại, tố cáo có nội dung
trùng lặp, đã được đại biểu Quốc hội chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền
giải quyết nhưng chưa hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.
4. Sau khi chuyển khiếu nại, tố
cáo của công dân đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết, đại biểu Quốc hội
có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc giải quyết theo trình tự sau đây:
a. Khiếu nại, tố cáo do đại biểu
Quốc hội chuyển tới đã quá thời hạn quy định mà chưa được cơ quan, tổ chức có
thẩm quyền giải quyết thì đại biểu Quốc hội yêu cầu Thủ trưởng cấp trên trực tiếp
của cơ quan, tổ chức đó giải quyết và kiến nghị biện pháp xử lý đối với người
thiếu trách nhiệm hoặc cố tình trì hoãn việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đó.
Khi nhận được báo cáo kết quả giải
quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, nếu xét thấy việc
giải quyết đó chưa thoả đáng thì đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu thủ trưởng
cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.
b. Trong quá trình theo dõi, đôn
đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nếu phát hiện có vi phạm
pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của
công dân, của cơ quan, tổ chức thì đại biểu Quốc hội kiến nghị với người có thẩm
quyền áp dụng biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt vi phạm, xem xét trách
nhiệm, xử lý đối với người vi phạm.
Trường hợp cơ quan, tổ chức hoặc
người có trách nhiệm không thực hiện kiến nghị của đại biểu Quốc hội thì đại biểu
Quốc hội yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức cơ quan đó giải quyết.
c. Khi đại biểu Quốc hội đã thực
hiện các quy định trên đây nhưng xét thấy việc giải quyết của các cơ quan, tổ
chức có thẩm quyền chưa đúng pháp luật thì đại biểu Quốc hội báo cáo Uỷ ban thường
vụ Quốc hội xem xét hoặc chất vấn những người có trách nhiệm theo quy định tại
Điều 42 của Luật Tổ chức Quốc hội.
5. Đại biểu Quốc hội theo dõi,
đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bằng
các hình thức:
a. Gửi thư yêu cầu thủ trưởng cơ
quan, tổ chức có thẩm quyền báo cáo kết quả giải quyết;
b. Trực tiếp đến cơ quan, tổ chức
nắm tình hình và đôn đốc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết;
c. Giao Văn phòng phục vụ Đoàn đại
biểu Quốc hội hoặc Thư ký Đoàn đại biểu Quốc hội tìm hiểu tình hình để báo cáo
với đại biểu Quốc hội;
d. Kiến nghị Hội đồng nhân dân
nơi cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại, tố cáo có biện pháp giám sát việc
giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân;
e. Đề nghị Trưởng Đoàn đại biểu
Quốc hội tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của
công dân.
IV. TRÁCH NHIỆM
CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC HỮU QUAN
1. Các cơ quan, tổ chức khi nhận
được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân do đại biểu Quốc hội chuyển đến
có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, thông báo cho đại
biểu Quốc hội biết kết quả và trả lời cho công dân biết.
2. Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức
tiếp công dân ít nhất mỗi tháng một lần.
Định kỳ ba tháng một lần Đoàn đại
biểu Quốc hội phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân nghe Uỷ ban nhân dân, cơ
quan, tổ chức có thẩm quyền của địa phương báo cáo việc giải quyết khiếu nại, tố
cáo, kiến nghị của công dân do đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội chuyển
đến.
3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp các văn bản quy phạm pháp luật của địa
phương và các tài liệu liên quan cho đại biểu Quốc hội khi đại biểu yêu cầu.
4. Cơ quan, tổ chức nơi đại biểu
Quốc hội công tác có trách nhiệm sắp xếp công việc, tạo điều kiện cần thiết cho
đại biểu Quốc hội làm nhiệm vụ tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc,
theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.
5. Văn phòng Quốc hội có trách
nhiệm cung cấp cho đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thông tin, tư liệu,
văn bản pháp luật của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; phục vụ đại biểu
Quốc hội tiếp công dân trong các kỳ họp Quốc hội; phục vụ Chủ tịch, các Phó Chủ
tịch Quốc hội, các Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, thường trực Hội đồng dân
tộc và thường trực các Uỷ ban của Quốc hội tiếp công dân; phục vụ Uỷ ban thường
vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội giám sát việc giải quyết
khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.
6. Văn phòng phục vụ Đoàn đại biểu
Quốc hội và Thư ký Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tổ chức và phục vụ các
đại biểu Quốc hội tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc
giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; giúp Trưởng đoàn đại biểu
Quốc hội tiếp công dân, ký chuyển khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân đến
cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết; phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ
chức phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc
hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của các cơ quan, tổ
chức có thẩm quyền ở địa phương.
Định kỳ 6 tháng một lần,Văn
phòng phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội, Thư ký Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp
tình hình tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc theo dõi và kết quả
giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân của đại biểu
Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội để Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội báo cáo Uỷ
ban thường vụ Quốc hội.
V. ĐIỀU KIỆN
BẢO ĐẢM ĐỂ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TIẾP CÔNG DÂN, TIẾP NHẬN, CHUYỂN ĐƠN, ĐÔN ĐỐC,
THEO DÕI VIỆC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ CỦA CÔNG DÂN:
1. Uỷ ban nhân dân, Hội đồng
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Đoàn đại biểu Quốc hội bảo đảm
điều kiện, phương tiện kỹ thuật và những tài liệu cần thiết khác để đại biểu Quốc
hội tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu
nại, tố cáo, kiến nghị của công dân được thuận lợi và có hiệu quả.
2. Kinh phí phục vụ đại biểu Quốc
hội tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu
nại, tố cáo, kiến nghị của công dân được sử dụng trong kinh phí hoạt động của
Đoàn đại biểu Quốc hội theo quy định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Nghị quyết này đã được Uỷ ban
thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp thứ 26 ngày 27 tháng 10 năm 1999.