Thứ 4, Ngày 30/10/2024

Nghị quyết 29/2008/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại bao gồm: Trung tâm phân phối; Trung tâm thương mại; siêu thị và hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2009 - 2020 do Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XI, kỳ họp thứ 11 ban hành

Số hiệu 29/2008/NQ-HĐND
Ngày ban hành 09/12/2008
Ngày có hiệu lực 19/12/2008
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Nguyên
Người ký Nguyễn Văn Vượng
Lĩnh vực Thương mại,Xây dựng - Đô thị

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 29/2008/NQ-HĐND

Thái Nguyên, ngày 09 tháng 12 năm 2008

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG THƯƠNG MẠI BAO GỒM: TRUNG TÂM PHÂN PHỐI; TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI; SIÊU THỊ VÀ CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2009 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
KHOÁ XI, KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003; Căn cứ Luật Thương mại năm 2005; Luật cạnh tranh năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 27/2007/QĐ-TTg ngày 15/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Xét Tờ trình số: 45/TTr-UBND ngày 20/11/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị thông qua Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại bao gồm: Trung tâm phân phối; Trung tâm thương mại; siêu thị và chợ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2009 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh, ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại bao gồm: Trung tâm phân phối; Trung tâm thương mại; siêu thị và hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2009 - 2020.

(Có Phụ lục tóm tắt quy hoạch kèm theo)

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh công bố và tổ chức thực hiện quy hoạch này. Trong quá trình thực hiện cần lưu ý một số nội dung sau đây:

- Mọi hoạt động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, kinh doanh dịch vụ, thương mại bao gồm: Trung tâm phân phối; trung tâm thương mại; siêu thị; hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phải xuất phát từ quy hoạch này và tuân thủ các quy định của Pháp luật.

- Ưu tiên các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế, có kinh nghiệm trong dịch vụ phân phối hàng hoá trong và ngoài nước bỏ vốn ra đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, kinh doanh dịch vụ, thương mại trên địa bàn tỉnh.

- Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các vi phạm về hoạt động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, kinh doanh dịch vụ, thương mại theo quy định của pháp luật và nội dung nghị quyết này.

Điều 3. Giao thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban kinh tế và Ngân sách, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khoá XI, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 06 tháng 12 năm 2008./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Vượng

 

TÓM TẮT

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG THƯƠNG MẠI BAO GỒM: TRUNG TÂM PHÂN PHỐI; TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI; SIÊU THỊ VÀ CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2009 - 2020
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 29/2008 /NQ-HĐND ngày 09/12/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên, khoá XI)

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU CỦA QUY HOẠCH.

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển các loại hình KCHTTM với qui mô nhỏ và Vừa được phân bố trải rộng theo các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh. Đối với loại hình KCHTTM có qui mô lớn sẽ phát triển tại các đô thị để tạo điều kiện thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại giữa tỉnh với các tỉnh khác trong cả nước và với các nước khác trên thế giới; Các trung tâm phân phối (TTPP) có vai trò lưu chuyển, phân phối hàng hoá theo vùng (trên địa bàn tỉnh chỉ nên có 4 trung tâm).

- Phát triển các loại hình KCHTTM phải tính đến sự phù hợp của từng loại hình với quá trình gia tăng nhu cầu sử dụng loại hình đó trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh .

- Huy động và phân bổ các nguồn lực vào phát triển các loại hình KCHTTM một cách hợp lý đảm bảo sự phát triển nhanh các hoạt động thương mại cả trong ngắn hạn và dài hạn. Việc huy động và phân bổ các nguồn lực, nhất là vốn đầu tư cần được thực hiện theo hướng giảm dần sự tham gia đầu tư của Nhà nước, huy động tối đa các nguồn lực trong tỉnh, trong nước, huy động có kiểm soát các nguồn lực từ nước ngoài và tăng cường xã hội hóa đầu tư xây dựng.

- Nhà nước cần chú trọng tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển KCHTTM, đồng thời giảm dần sự tham gia đầu tư trực tiếp, cũng như mức hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn ngân sách cho các loại hình KCHTTM trong tỉnh; Thực hiện công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh tại các loại hình KCHTTM trên cơ sở đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với sự vận hành của cơ chế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày càng mạnh mẽ, có chú trọng đến việc sử dụng các loại hình KCHTTM truyền thống và lợi ích xã hội.

- Việc phát triển KCHTTM phải đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển thương mại là tổ chức lại thị trường nội địa theo hướng văn minh hiện đại, chủ động quản lý các kênh lưu thông hàng hoá chủ yếu. Phát triển thị trường trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển sản xuất trong nước, mở rộng thị trường trong nước, gắn thị trường trong tỉnh với thị trường trong nước với nước ngoài; đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tăng cường mở rộng hợp tác đầu tư trong và ngoài nước. Thương mại Vừa liên kết sâu với sản xuất, chế biến công nghiệp, nhằm tạo ra những sản phẩm công nghệ cao Vừa liên kết rộng nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Gắn hoạt động kinh doanh dịch vụ - thương mại với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sắp xếp tổ chức và quản lý có hiệu quả hệ thống thương mại, dịch vụ trên địa bàn Tỉnh nhằm cung ứng hàng hóa, dịch vụ thỏa mãn nhu cầu của xã hội.

2. Mục tiêu phát triển KCHTTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến 2020

- Tăng cường đầu tư phát triển năng lực cơ sở vật chất - kỹ thuật của các loại hình KCHTTM nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt năng lực hiện nay và đảm bảo tương xứng với sự gia tăng nhu cầu hoạt động và tính đa dạng của các hoạt động thương mại tại Thái Nguyên giai đoạn 2009 đến 2020.

- Hình thành tại Thái Nguyên hệ thống KCHTTM tương đối đồng bộ và hiện đại làm hạt nhân tăng cường mối liên kết với các tỉnh khác của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ.

[...]