Nghị quyết 69/NQ-HĐND năm 2024 về Kết quả giám sát chuyên đề “Công tác quản lý, sử dụng, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”

Số hiệu 69/NQ-HĐND
Ngày ban hành 12/07/2024
Ngày có hiệu lực 12/07/2024
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Khánh Hòa
Người ký Trần Mạnh Dũng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 69/NQ-HĐND

Khánh Hòa, ngày 12 tháng 7 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ “CÔNG TÁC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG, KHAI THÁC CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA”

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 14

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Xét Tờ trình số 331/TTr-HĐND ngày 11 tháng 7 năm 2024 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại Kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất thông qua nội dung Báo cáo số 70/BC-ĐGS ngày 13 tháng 6 năm 2024 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát chuyên đề “Công tác quản lý, sử dụng, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Kết quả đạt được

Sau khi Luật Thủy lợi và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật được ban hành, quá trình triển khai được Ủy ban nhân dân các cấp, sở ngành, cơ quan, đơn vị chú trọng nên việc triển khai thực hiện từ khâu tuyên truyền nội dung đến ban hành các quy hoạch, kế hoạch, quyết định, các văn bản chỉ đạo điều hành... đã thực hiện đồng bộ. Đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định như: Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện để thực hiện việc quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi trên địa bàn; các tài sản kết cấu hạ tầng công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã được phân cấp và bàn giao cho các cơ quan đơn vị thực hiện việc quản lý, khai thác; một số nội dung quy định về đảm bảo an toàn công trình đập, hồ chứa nước đã được các đơn vị được giao quản lý, khai thác thực hiện; giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi và giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi khác đã được xây dựng và ban hành...

Trong giai đoạn 2021 - 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thực hiện việc đầu tư xây dựng mới được một số công trình thủy lợi lớn như: Hồ chứa nước Đắc Lộc, hồ chứa nước Đầu làng Ka Tơ, hồ chứa nước Sông Chò 1, kênh mương hồ chứa nước Tà Rục và các dự án kè sông, kè biển..., góp phần đảm bảo việc cấp nước để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

2. Tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác quản lý, sử dụng, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc như sau:

2.1. Đối với cấp tỉnh:

2.1.1. Tồn tại, hạn chế:

* Khách quan:

- Một số công trình thủy lợi có liên quan đến hệ thống cầu, đường thuộc quản lý của ngành Giao thông vận tải chưa được thường xuyên nạo vét, bị bồi lấp, ảnh hưởng đến công tác tiêu thoát nước.

- Các công trình hồ chứa tích trữ nước còn thiếu tại nhiều khu vực, vùng lõm nên tỷ lệ diện tích đất sản xuất cây công nghiệp, cây màu, cây lâu năm được phục vụ tưới từ hệ thống công trình thủy lợi còn thấp.

- Số lượng công trình thủy lợi tương đối nhiều, trải rộng trên địa bàn toàn tỉnh nhưng lực lượng cán bộ kỹ thuật quản lý công trình ở địa phương, đơn vị còn thiếu (chủ yếu làm kiêm nhiệm), trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được công tác quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí triển khai còn hạn chế.

- Nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được đầu tư xây dựng từ những năm 1970-1980, hiện nay không đáp ứng tiêu chuẩn mới, sau nhiều năm khai thác, sử dụng, cùng với sự tác động của thời tiết, đồng thời do còn thiếu nguồn kinh phí bố trí đầu tư sửa chữa, nâng cấp nên nhiều hạng mục công trình bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

- Định mức kinh tế kỹ thuật trong quản lý khai thác công trình thủy lợi của các đơn vị chưa được xây dựng mới (hiện nay các đơn vị đang triển khai thực hiện xây dựng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới ban hành Thông tư số 27/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 hướng dẫn để triển khai thực hiện xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi) nên giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi hiện nay chưa được tính đúng, tính đủ; do đó, các nguồn kinh phí hỗ trợ từ giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác cho các đơn vị được giao quản lý, khai thác công trình thủy lợi chưa đáp ứng đủ nguồn thu để đảm bảo chi phí tái sản xuất (bảo trì tài sản, kiểm định an toàn đập, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước, thiết bị quan trắc ...).

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chưa ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định số 129/2017/NĐ-CP, cụ thể: hướng dẫn việc xác định nguyên giá, giá quy ước tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi; việc giao quản lý các công trình thủy lợi (do nhà nước và nhân dân cùng làm); hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện việc điều chỉnh nhiệm vụ thiết kế của hồ chứa nước nên khó khăn trong việc triển khai thực hiện.

- Một số công trình hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng từ lâu, chủ yếu là do người dân hiến đất xây dựng hoặc khi xây dựng không bồi thường đất thuộc hành lang bảo vệ công trình; do đó, hiện nay có một số thửa đất của người dân chồng lấn với phạm vi bảo vệ công trình hồ chứa nước và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Hiện nay, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chỉ đảm bảo phục vụ tưới cho 18,7% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, diện tích lúa 02 vụ đáp ứng tưới được 70% diện tích, còn lại các cây công nghiệp ngắn ngày như mía, cây lâu năm chỉ phục vụ tưới được 1,1% (một số khu vực diện tích đất sản xuất nông nghiệp chưa được công trình thủy lợi phục vụ cấp nước tưới, người dân phải sử dụng nước trời để sản xuất nên không thể chủ động nâng cao hiệu quả sản xuất).

* Chủ quan:

- Luật Thủy lợi (thay thế Pháp lệnh số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 04/4/2001) có hiệu lực từ ngày 01/7/2018. Tuy nhiên, đến ngày 20/4/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh mới ban hành Quyết định số 11/2023/QĐ-UBND Quy định về phân cấp quản lý các công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (theo nội dung quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều 21 của Luật Thủy lợi) là chưa kịp thời.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Công văn số 1615/SNN-CCTL ngày 25/4/2023 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 11/2023/QĐ-UBND ngày 20/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh; tuy nhiên, đến nay Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chưa thực hiện đầy đủ việc kiểm tra, rà soát, tổng hợp danh mục các công trình thủy lợi đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng theo Công văn số 1615/SNN-CCTL ngày 25/4/2023 và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chưa đôn đốc báo cáo nội dung này, dẫn đến tình trạng các địa phương áp dụng không thống nhất trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 11/2023/QĐ-UBND ngày 20/4/2023.

[...]