Nghị quyết 67/2017/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất tại xã nghèo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng do ngân sách tỉnh đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020
Số hiệu | 67/2017/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 08/12/2017 |
Ngày có hiệu lực | 18/12/2017 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Lâm Đồng |
Người ký | Trần Đức Quận |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội |
HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 67/2017/NQ-HĐND |
Lâm Đồng, ngày 08 tháng 12 năm 2017 |
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT TẠI CÁC XÃ NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG DO NGÂN SÁCH TỈNH ĐẦU TƯ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNGGIAI ĐOẠN 2018 - 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
KHÓA IX - KỲ HỌP THỨ 4
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;
Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương;
Xét Tờ trình số 7673/TTr-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất tại các xã nghèo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng do ngân sách tỉnh đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất tại 21 xã có tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2016 trên 15% (theo danh sách đính kèm) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng do ngân sách tỉnh đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020 như sau:
1. Đối tượng hỗ trợ:
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020;
- Hộ mới thoát nghèo theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo.
Thứ tự ưu tiên khi bình xét hỗ trợ: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
2. Điều kiện hỗ trợ:
Hộ gia đình phải tự nguyện tham gia; cam kết thực hiện đúng các quy định về đăng ký thoát nghèo, thoát cận nghèo bền vững; sử dụng vốn đúng mục đích; cam kết về tỷ lệ vốn đối ứng; các điều kiện về sản xuất như đất đai, lao động, trang thiết bị sản xuất.
Hộ gia đình nhận hỗ trợ phải có đơn đăng ký thoát nghèo, thoát cận nghèo bền vững và đăng ký nhu cầu hỗ trợ sản xuất.
Hộ gia đình được nhận hỗ trợ từ chính sách này phải có tỷ lệ vốn đối ứng ít nhất bằng 30% kinh phí ngân sách hỗ trợ. Vốn đối ứng của hộ gia đình bao gồm: tiền mặt, vật tư, giống cây trồng, vật nuôi, chuồng trại, nhà xưởng, trang thiết bị phục vụ sản xuất khác.
3. Nội dung, mức hỗ trợ và phương thức hỗ trợ:
a) Nội dung, mức hỗ trợ: Hộ gia đình quy định tại khoản 1 Điều 1 được hỗ trợ các chính sách sau:
- Hỗ trợ khai hoang, phục hóa để sản xuất nông nghiệp theo mức 15 triệu đồng/ha khai hoang, 10 triệu đồng/ha phục hóa;
- Trồng trọt: Hỗ trợ giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, nông cụ sản xuất, vật tư nông nghiệp theo mức 10 triệu đồng/ha;
- Chăn nuôi: Hỗ trợ giống, thức ăn chăn nuôi với mức không quá 10 triệu đồng/hộ. Riêng hộ nghèo nếu chưa có chuồng trại chăn nuôi, được hỗ trợ thêm 02 triệu đồng/hộ để làm chuồng trại;
- Phát triển ngành nghề và dịch vụ: Hỗ trợ cải tạo nhà xưởng, máy móc, thiết bị, công cụ vật tư sản xuất với mức không quá 10 triệu đồng/hộ;
- Hỗ trợ dạy nghề cho lao động thuộc hộ được hỗ trợ gắn với các nội dung hỗ trợ sản xuất với thời gian từ 01 tuần (tương đương 30 giờ) đến 02 tuần (tương đương 60 giờ):
+ Mức học phí thanh toán cho đơn vị dạy nghề là 200.000 đồng/tuần/học viên tốt nghiệp;
+ Người học nghề hoàn thành chương trình đào tạo được hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học;
+ Số tiền dành cho hỗ trợ dạy nghề không quá 15% số tiền phân bổ hàng năm cho mỗi xã.