Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị quyết 64/2016/NQ-HĐND về Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 64/2016/NQ-HĐND
Ngày ban hành 19/08/2016
Ngày có hiệu lực 29/08/2016
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Văn Hùng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 64/2016/NQ-HĐND

Kon Tum, ngày 19 tháng 8 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO GẮN VỚI CHẾ BIẾN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
KHÓA XI, KỲ HỌP THỨ 2

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Xét Tờ trình số 108/TTr-UBND ngày 08 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh Kon Tum với những nội dung chủ yếu sau:

I. Quan điểm, mục tiêu phát triển

1. Quan điểm phát triển

Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến là nhiệm vụ mang tính chiến lược, lâu dài, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp thân thiện với môi trường, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền sản xuất nông nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển nông nghiệp “sạch” đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đắc lực nhiệm vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

2. Mục tiêu phát triển

Phấn đấu nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 đạt từ 10% - 15% so với giá trị sản xuất nông nghiệp chung của tỉnh, có ít nhất 05 vùng và 02 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2030 đạt 25% - 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Hình thành phương thức sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm.

II. Nhiệm vụ và giải pháp

1. Nhiệm vụ

1.1. Giai đoạn 2016 - 2020

- Xây dựng và thành lập 02 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trọng điểm là: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen tại huyện Kon Plông với quy mô tối thiểu từ 100 - 150 ha; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Đăk Hà với quy mô tối thiểu là 50 ha. Chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý, mô hình tổ chức quản lý, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đảm bảo cho khu nông nghiệp công nghệ cao này hoạt động hiệu quả.

- Xác lập ít nhất 05 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ theo hướng công nghiệp; nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 đạt 10% - 15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

- Có ít nhất 03 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đáp ứng các tiêu chí quy định của Luật Công nghệ cao năm 2008.

- Khuyến khích phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và cơ sở hỗ trợ sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hình thành ít nhất 02 cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp tại huyện Kon Plông có khả năng cạnh tranh cao để tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

1.2. Giai đoạn đến năm 2030

- Mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, giá trị sản phẩm theo hướng công nghiệp, nâng tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2030 đạt 20-25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

- Mở rộng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen tại huyện Kon Plông với quy mô 300 ha, hoàn thiện các phân khu nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phấn đấu mỗi huyện có ít nhất 01 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đa dạng hóa các sản phẩm nhằm tăng khả năng thích ứng và sự cạnh tranh của thị trường.

- Hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở 100% các huyện, thành phố.

[...]