Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Nghị quyết 63/NQ-CP năm 2009 về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia do Chính phủ ban hành

Số hiệu 63/NQ-CP
Ngày ban hành 23/12/2009
Ngày có hiệu lực 23/12/2009
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 63/NQ-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT 

VỀ ĐẢM BẢO AN NINH LƯƠNG THỰC QUỐC GIA

Vấn đề an ninh lương thực (bao gồm lương thực, thực phẩm) được Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài, đã đạt được những thành tựu quan trọng, nổi bật là:

Sản lượng lương thực có hạt tăng bình quân 3,7%/năm trong giai đoạn 2001 – 2008, cao hơn khoảng 3 lần tốc độ gia tăng dân số trong cùng thời kỳ. Sản xuất lúa gạo đã đảm bảo nhu cầu trong nước và xuất khẩu bình quân khoảng 4 – 5 triệu tấn gạo/năm. Sản lượng thực phẩm từ rau màu, quả, sản phẩm chăn nuôi và thủy sản cũng gia tăng đáng kể.

Hệ thống lưu thông lương thực đã có nhiều đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân tiếp cận lương thực. Thị trường nội địa chuyển dần sang cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Tình trạng suy dinh dưỡng của người dân được cải thiện. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng đã giảm từ 25% vào năm 2005 đến năm 2008 còn 20%, đạt trước mục tiêu kế hoạch của năm 2010.

Tuy đạt được các thành tựu trên, an ninh lương thực nước ta vẫn còn hạn chế, yếu kém là: sản xuất lương thực, thực phẩm chưa thực sự bền vững; tổ chức sản xuất nông nghiệp chậm được đổi mới, cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ sản xuất còn nhiều yếu kém; quản lý sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu còn bất cập; thu nhập của người sản xuất còn thấp.

An ninh lương thực là vấn đề trọng đại của đất nước trước mắt cũng như lâu dài, để khắc phục hạn chế yếu kém trên đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia với nội dung sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Vấn đề an ninh lương thực quốc gia phải nằm trong chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, gắn với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân là quan trọng, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

2. Phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, hiệu quả là cơ sở bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; gắn sản xuất với các hình thức tổ chức phù hợp để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu lương thực thực phẩm trong mọi tình huống; nâng cao dinh dưỡng, cải thiện chất lượng bữa ăn của nhân dân.

3. Phát huy lợi thế về cây lúa là chính và phát triển lương thực, thực phẩm thành các vùng sản xuất hàng hóa có hiệu quả và sức cạnh tranh cao; đẩy mạnh cơ giới hóa, chế biến, bảo quản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ môi trường bền vững.

4. Tổ chức tốt hệ thống mua, bán và dự trữ ở các vùng miền, tạo thuận lợi cho mọi người dân tiếp cập dễ dàng về lương thực, thực phẩm với chất lượng, hiệu quả ngày càng cao. Giải quyết hài hòa giữa tiêu dùng trong nước và xuất khẩu lương thực, thực phẩm.

5. Phát huy nguồn lực của nhân dân và các thành phần kinh tế là chính, nhà nước hỗ trợ tích cực trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; bảo đảm thu nhập cho người sản xuất lương thực và tạo điều kiện cho các địa phương thuần nông phát triển.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phải đảm bảo đủ nguồn cung cấp lương thực với sản lượng cao hơn tốc độ tăng dân số; chấm dứt tình trạng thiếu đói lương thực, nâng cao chất lượng bữa ăn; bảo đảm cho nông dân sản xuất lúa có lãi bình quân trên 30% so với giá thành sản xuất.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đảm bảo nguồn cung lương thực

Tiếp tục đẩy mạnh thâm canh sản xuất lúa, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, tạo nguồn cung vững chắc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài.

Đến năm 2020, bảo vệ quỹ đất lúa 3,8 triệu ha để có sản lượng 41 – 43 triệu tấn lúa đáp ứng tổng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo/năm; tăng diện tích trồng ngô lên 1,3 triệu ha, sản lượng 7,5 triệu tấn; diện tích trồng cây ăn quả 1,2 triệu ha, sản lượng 12 triệu tấn; rau các loại 1,2 triệu ha, sản lượng 20 triệu tấn; sản lượng các loại cây màu tăng trên 30%; chăn nuôi đạt sản lượng thịt hơi các loại 8 triệu tấn, sữa tươi 1 triệu tấn, trứng gia cầm 14 tỷ quả; sản lượng khai thác thủy sản 2,4 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản 4 triệu tấn.

b) Đảm bảo nhu cầu về dinh dưỡng

Đến năm 2020, cải thiện tình trạng dinh dưỡng hướng tới cân đối dinh dưỡng và nâng cao mức tiêu thụ calo bình quân hàng năm lên 2.600 – 2.700 Kcalo/người và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn dưới 5%.

Cải thiện cơ cấu và chất lượng tiêu dùng lương thực, đạt mức tiêu thụ bình quân/người vào năm 2020: gạo giảm xuống còn 100kg; thịt các loại 45 kg, cá các loại 30 kg, quả các loại 50 kg, rau các loại 120 kg, tăng mức tiêu dùng trứng, sữa gấp 2 lần so với hiện nay. Toàn bộ nông sản, lương thực tiêu thụ trên thị trường đạt chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm.

c) Đảm bảo khả năng tiếp cận lương thực của người dân

Chấm dứt tình trạng thiếu đói lương thực vào năm 2012. Sau năm 2012 đảm bảo 100% người dân ở mọi nơi, mọi lúc có đủ lương thực.

Đảm bảo thu nhập cho người sản xuất lương thực đến năm 2020 cao hơn 2,5 lần so với hiện nay.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Về quy hoạch

[...]