Nghị quyết 60/NQ-HĐND năm 2023 chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ mười tám, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026
Số hiệu | 60/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 08/12/2023 |
Ngày có hiệu lực | 08/12/2023 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Quảng Nam |
Người ký | Phan Việt Cường |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 60/NQ-HĐND |
Quảng Nam, ngày 08 tháng 12 năm 2023 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ MƯỜI TÁM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015; Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12 tháng 9 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân;
Căn cứ kết quả phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ mười tám, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 17/12/2023 kỳ họp thứ mười tám, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X có 17 lượt đại biểu tham gia đặt câu hỏi chất vấn, 02 ý kiến tranh luận. Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã tập trung những vấn đề được cử tri và Nhân dân trong tỉnh quan tâm trên các lĩnh vực: cải cách thủ tục hành chính; đầu tư công; tài nguyên – môi trường. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng và lãnh đạo của 07 sở, ngành đã trả lời chất vấn, giải trình cơ bản đầy đủ, trọng tâm. Việc tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đáp ứng yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, một số lãnh đạo sở, ngành trả lời chung chung, chưa rõ ràng, thiếu cụ thể, chưa thật sự nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong việc thực thi nhiệm vụ của đơn vị mình.
Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản thống nhất nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu và các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn. Cụ thể:
1. Đối với công tác Cải cách thủ tục hành chính
a) Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn tỉnh:
Tăng cường công tác lãnh đạo triển khai thực hiện cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TU ngày 14/10/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, nâng cấp các cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo kế hoạch của tỉnh; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, phát triển dữ liệu của ngành để phục vụ công tác quản lý và chỉ đạo, điều hành. Thực hiện kết nối, khai thác dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, CSDL chuyên ngành, CSDL dùng chung của các cơ quan nhà nước để tự động điền các thông tin vào biểu mẫu điện tử; cắt giảm thành phần hồ sơ, bảo đảm nguyên tắc tổ chức, cá nhân chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp về thực hiện các dịch vụ công theo hình thức trực tuyến, tránh lãng phí trong đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin. Chỉ đạo triển khai, tuyên truyền phổ biến Nghị quyết số 07/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức thu phí, lệ phí đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt Nghị quyết số 57/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước và giải quyết TTHC theo quy định. Tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, thanh tra, kiểm tra, giám sát sau phân cấp, ủy quyền. Phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương trong hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa các cấp.
Nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Tăng cường thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu đối với các đơn vị, địa phương để xảy ra hành vi cửa quyền, nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC. Thực hiện việc công khai danh sách cá nhân, đơn vị, địa phương chậm trễ trong giải quyết TTHC trên Cổng Thông tin điện tử của sở, ngành, địa phương và Cổng dịch vụ công của tỉnh.
Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33/NQ- HĐND ngày 17/9/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Đề án Phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
b) Cải thiện, nâng cao các chỉ số: Cải cách hành chính (PAR INDEX); chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI)
Triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính và cải thiện các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh.
Khẩn trương chỉ đạo, khắc phục những tiêu chí có điểm số, thứ hạng còn thấp và thực hiện quy định về công bố, công khai, niêm yết danh mục, nội dung TTHC đảm bảo đúng theo quy định. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá cải cách hành chính, bảo đảm tính khoa học, chính xác, khách quan. Rà soát đối chiếu nội dung, tiêu chí, tiêu chí thành phần các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI để đề ra giải pháp khắc phục nhằm cải thiện điểm số, nâng cao thứ hạng từng chỉ số trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
2. Lĩnh vực Đầu tư
Tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Trong đó, chú trọng giải pháp đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng cấp huyện, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng ở địa phương.
Tăng cường trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện, củng cố bộ máy, năng lực cán bộ các Ban quản lý chuyên ngành của tỉnh, các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện. Thực hiện tốt công tác phối hợp của các ngành và địa phương trong thẩm định hồ sơ dự án, đẩy nhanh tiến độ thẩm định, có chế tài xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân nhũng nhiễu, kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ, thực hiện sai quy trình, thủ tục đầu tư.
Thường xuyên theo dõi, quản lý tốt công tác đấu thầu đảm bảo tính công khai, minh bạch, cạnh tranh, hiệu quả. Áp dụng các biện pháp, chế tài xử lý đối với những nhà thầu vi phạm hợp đồng, thi công cầm chừng, bỏ thầu. Tăng cường công tác quản lý dự án, chất lượng nghiệm thu công trình.
Quyết liệt, kịp thời đề xuất điều chuyển vốn theo thẩm quyền các dự án chậm giải ngân, không có khối lượng sang các dự án khác có nhu cầu, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn theo đúng quy định. Đối với kế hoạch vốn năm 2023 không giải ngân hết kịp thời rà soát, xác định trường hợp được phép kéo dài, khẩn trương tổng hợp báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định.
Theo dõi chặt chẽ tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài để có giải pháp xử lý kịp thời. Quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, trong đó ưu tiên giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 cho phép kéo dài sang năm 2023, nhất là nguồn vốn ngân sách trung ương. Đồng thời, tập trung xem xét, trực tiếp giải quyết các khó khăn vướng mắc đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp.
Tổ chức đánh giá việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh để xác định tính hiệu quả, khả thi của chính sách, đề xuất việc dừng, cắt giảm nguồn, điều chuyển vốn cho các dự án khác.
3. Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời giải quyết các vướng mắc, kiến nghị liên quan trong đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Tổ chức sơ kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 13/01/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tại 09 huyện miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021- 2026. Chỉ đạo kiểm tra, rà soát kết quả thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho Nhân dân tại các khu tái định cư để kịp thời giải quyết cho người dân theo đúng quy định.