Nghị quyết 59/NQ-HĐND năm 2023 tiếp tục thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 59/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/12/2023
Ngày có hiệu lực 08/12/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Vũ Xuân Cường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 59/NQ-HĐND

Lào Cai, ngày 08 tháng 12 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

TIẾP TỤC THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
KHÓA XVI - KỲ HỌP THỨ 16

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và

Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Sau khi xem xét Báo cáo số 211/BC-ĐGS ngày 24 tháng 11 năm 2023 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh báo cáo kết quả giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí với báo cáo của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát chuyên đề việc tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai với một số nội dung chủ yếu như sau:

1. Kết quả đạt được

- Cơ bản các cơ chế, chính sách để thực hiện các chương trình MTQG đã được ban hành đầy đủ, có nhiều đổi mới, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, tạo điều kiện để các địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quá trình thực hiện.

- Sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương các cấp, cùng với sự phối hợp thực hiện giữa các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đã tạo sự đồng thuận, tin tưởng, hưởng ứng cao trong thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025.

- Cơ cấu tổ chức bộ máy chỉ đạo và cơ quan giúp việc thực hiện các Chương trình MTQG được kiện toàn, tạo thành một hệ thống tổ chức quản lý thống nhất, đồng bộ, thuận lợi cho việc chỉ đạo và thực hiện các chương trình.

- Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng cấp khang trang, phục vụ tốt nhu cầu cơ bản dân sinh ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Việc chủ động lồng ghép nhiều nguồn vốn để thực hiện các công trình dự án thuộc các chương trình MTQG trên địa bàn mang lại hiệu quả tích cực đa chiều, đa mục tiêu, góp phần hoàn thành đồng thời các mục tiêu của từng chương trình, dự án trên địa bàn đầu tư.

2. Khó khăn, hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân

- Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã ban hành rất nhiều các văn bản để hướng dẫn thực hiện, tháo gỡ được nhiều vướng mắc, tuy nhiên nhiều văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương ban hành khá chậm, gây lúng túng trong tổ chức thực hiện tại địa phương. Đến nay vẫn có những nội dung khó thực hiện được theo các văn bản hướng dẫn, một số nội dung chưa có sự thống nhất giữa văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình với các luật liên quan, và phù hợp với thực tiễn như: Quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định số 38/2023/NĐ - CP với quy định cấp phép khai thác cát, đá, sỏi của Luật Khoáng sản; Quy định cấp xã được xác nhận đơn giá thu mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; đơn giá lập hồ sơ xây dựng theo giá thị trường gây áp lực đối với những xã ở vùng đặc biệt khó khăn do cán bộ xã không có chuyên môn về giá cả, thị trường; Quy định cộng đồng dân cư là chủ thể xây dựng hồ sơ đề xuất, thuyết minh dự án, đây là nhiệm vụ rất khó đối với cộng đồng dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số ...

- Việc xác định nhu cầu đầu tư, lập kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp xã còn chưa đảm bảo, cấp huyện phải thành lập các tổ công tác để hỗ trợ xã rà soát, xác định nhu cầu, đăng ký kế hoạch thực hiện với cấp huyện, tỉnh dẫn đến khi triển khai thực hiện có nhiều bất cập, chưa hợp lý.

- Việc tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cơ quan, đơn vị cấp dưới còn khó khăn vì thực tế năng lực triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của cấp trên ở một số địa phương cấp huyện, xã còn hạn chế. Đặc biệt, trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức xã còn yếu nên không triển khai được nhiệm vụ ở địa phương, nhất là việc lập quy hoạch, kế hoạch mang tính giai đoạn.

- Nhiều dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của các chương trình chưa được triển khai, nhất là những nội dung sử dụng vốn sự nghiệp .

- Khả năng cân đối ngân sách của cấp huyện và cấp xã để đối ứng và huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư ở một số địa phương rất khó khăn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người.

Điều 2. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:

1. Tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, bức xúc về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

2. Nghiên cứu việc trình Hội đồng nhân dân tỉnh quy định bổ sung chính sách để giải quyết những bất cập khi triển khai thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và địa bàn các xã đã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các xã sắp xếp lại theo Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

3. Đối với các tiêu chí mềm, không cần nhiều nguồn lực như tiêu chí số 10, 11, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19 của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, đôn đốc việc xây dựng kế hoạch cụ thể tuyên truyền, vận động người dân và cộng đồng cùng tham gia, góp phần hoàn thành và giữ vững các tiêu chí theo kế hoạch.

4. Chủ động báo cáo với các bộ ngành Trung ương những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

5. Chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện các chương trình.

6. Chỉ đạo các đơn vị chủ trì chương trình: Thường xuyên cập nhật, nghiên cứu các nội dung văn bản quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình MTQG theo lĩnh vực chuyên môn, chức năng, nhiệm vụ để hướng dẫn các đơn vị được giao dự toán, các địa phương triển khai thực hiện, kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung đối với những văn bản có nội dung chưa phù hợp; tăng cường trao đổi với địa phương để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của cơ sở, kịp thời hướng dẫn và có giải pháp tháo gỡ.

[...]