Thứ 5, Ngày 31/10/2024

Nghị quyết 55/NQ-HĐND năm 2024 thông qua Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu

Số hiệu 55/NQ-HĐND
Ngày ban hành 30/09/2024
Ngày có hiệu lực 30/09/2024
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Giàng Páo Mỷ
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/NQ-HĐND

Lai Châu, ngày 30 tháng 9 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA QUY CHẾ QUẢN LÝ KIẾN TRÚC THÀNH PHỐ LAI CHÂU, TỈNH LAI CHÂU

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ HAI MƯƠI BA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Kiến trúc ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020.

Cản cứ Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc;

Căn cứ Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1585/QĐ-TTg ngày 07 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xét Tờ trình số 3737/TTr-UBND ngày 18 tháng 9 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu về đề nghị ban hành nghị quyết thông qua Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu; Báo cáo thẩm tra số 441/BC-HĐND ngày 25 tháng 9 năm 2024 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu (sau đây gọi tắt Quy chế) với những nội dung chính như sau:

1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

a) Phạm vi áp dụng: Quy chế này quy định quản lý kiến trúc đô thị thành phố Lai Châu và vùng phụ cận.

b) Đối tượng áp dụng: Quy chế này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân và các đối tượng khác có liên quan đến hoạt động kiến trúc và xây dựng công trình kiến trúc thuộc phạm vi thành phố Lai Châu và vùng phụ cận.

2. Mục tiêu

a) Để quản lý kiến trúc đô thị và thực hiện theo quy hoạch đô thị được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan và bản sắc văn hóa trên phạm vi, ranh giới của Quy chế.

b) Phù hợp với định hướng phát triển không gian thành phố Lai Châu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các quy định của pháp luật có liên quan.

3. Nguyên tắc quản lý kiến trúc trong đô thị

a) Các nguyên tắc chung

- Tuân thủ theo quy định của pháp luật về kiến trúc, xây dựng, quy hoạch, quy hoạch đô thị, đất đai và nhà ở; các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch, xây dựng hiện hành và các quy định của pháp luật có liên quan;

- Phù hợp với các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đô thị (bao gồm: cốt xây dựng công trình, chiều cao xây dựng công trình, mật độ xây dựng, chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, hệ số sử dụng đất và các chỉ tiêu khác có liên quan) theo các quy hoạch, xây dựng đã được phê duyệt và điều kiện thực tế tại thành phố Lai Châu;

- Quản lý kiến trúc tại thành phố Lai Châu phải tuân thủ theo Luật Kiến trúc và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; phù hợp với đồ án quy hoạch được duyệt; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, Quy chế và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

- Vị trí, quy mô và thiết kế công trình đối với các công trình công cộng, công trình nhà ở, công trình hạ tầng kỹ thuật phải tuân thủ theo quy hoạch đô thị, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng hiện hành;

- Phù hợp với định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, quy hoạch đô thị; đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai;

- Bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc của các địa phương trong nước và thế giới. Xây dựng nền kiến trúc tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc;

[...]