Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Nghị quyết 53/NQ-HĐND năm 2023 tăng cường giải pháp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Số hiệu 53/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/12/2023
Ngày có hiệu lực 08/12/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Thào Hồng Sơn
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 53/NQ-HĐND

Hà Giang, ngày 08 tháng 12 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI, GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG; PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
KHÓA XVĨH, KỲ HỌP THỨ 14

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 15/7/2023 của HĐND tỉnh về thành lập đoàn giám sát chuyên đề “Kết quả triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang từ năm 2021 đến nay”.

Trên cơ sở xem xét Báo cáo giám sát số 54/BC-ĐGS ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang từ năm 2021 đến nay và ý kiến thảo luận thống nhất của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đánh giá kết quả thực hiện

Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản tán thành với nội dung Báo cáo số 54/BC-ĐGS ngày 05/12/2023 của Đoàn giám sát chuyên đề Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang từ năm 2021 đến nay (sau đây gọi tắt là các Chương trình mục tiêu quốc gia), với những kết quả như sau:

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, đồng hành, giám sát của HĐND tỉnh, sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, các ngành, địa phương; sự tham gia, ủng hộ tích cực của Nhân dân, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã kế thừa, phát huy giá trị, thành tựu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số của giai đoạn trước; đến nay công tác tổ chức thực hiện các Chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định.

Quá trình triển khai các Chương trình đã được UBND tỉnh bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương; các mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phạm vi, nguyên tắc trong các Nghị quyết của HĐND tỉnh. Hoàn thành sớm việc thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc được kiện toàn với việc hình thành 03 nhóm phụ trách 03 Chương trình đã tạo sự đồng thuận cao, phối hợp tốt giữa các ngành, các địa phương trong tổ chức thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát liên ngành và từng chương trình được tăng cường

Công tác lập kế hoạch và phân bổ vốn thực hiện các chương trình được UBND tỉnh triển khai thực hiện kịp thời và quyết liệt, đẩy mạnh phân cấp nguồn vốn thực hiện 03 Chương trình cho các huyện, thành phố, đảm bảo bố trí vốn đúng mục tiêu, đối tượng, phạm vi của từng chương trình. Tính đến tháng 8/2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư là 1.025.565 triệu đồng, đạt 41,9% kế hoạch; vốn sự nghiệp đã giải ngân là 479.875 triệu đồng, đạt 22,8% kế hoạch giao. Ước năm 2023, giải ngân vốn đầu tư phát triển 2.586.100 triệu đồng, đạt 98,4% kế hoạch; giải ngân vốn sự nghiệp là 1.893,491 triệu đồng, đạt 90,2% kế hoạch. Tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách địa phương đảm bảo theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân và cộng đồng; việc triển khai lồng ghép vốn trong thực hiện các chương trình cũng được nghiêm túc triển khai thực hiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua giám sát vẫn còn những khó khăn, tồn tại, hạn chế, cụ thể:

Ban Chỉ đạo chung cho 03 Chương trình mục tiêu quốc gia ở các cấp tuy đã được kiện toàn, thành lập song cơ chế quản lý, chỉ đạo, lãnh đạo vẫn theo tính chất ngành dọc của từng cơ quan; hiệu quả phối hợp liên ngành chưa thật sự chuyển biến rõ nét, một số nội dung liên quan nhiều ngành nhưng công tác phối hợp giữa ngành với ngành, ngành với huyện/thành phố chưa nhịp nhàng, chặt chẽ do đó chất lượng văn bản hướng dẫn chưa cao. Đối với bộ máy giúp việc phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau dẫn đến công tác tham mưu đôi khi chưa kịp thời, báo cáo số liệu có lúc chưa đầy đủ.

Việc khảo sát, lập kế hoạch đầu tư tại một số địa phương còn chưa sát với nhu cầu và điều kiện thực tiễn, do đó khi được phân bổ nguồn và triển khai thực hiện phải điều chỉnh chỉnh về quy mô, địa điểm, nguồn vốn. Nguồn vốn bố trí một số dự án, tiểu dự án chưa phù hợp.

Tiến độ thực hiện các công trình theo cơ chế đặc thù còn chậm, nhiều công trình đã triển khai thi công nhưng chưa đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định. Công tác triển khai các nội dung nguồn vốn sự nghiệp ở cấp cơ sở còn nhiều lúng túng như các nội dung về dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng; quản lý, sử dụng nguồn vốn duy tu bảo dưỡng các công trình đầu tư; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; đấu thầu mua sắm...

Công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách dân tộc và các chương trình dự án có lúc, có nơi chưa kịp thời và thường xuyên, chưa phù hợp với đặc thù của địa phương, có nơi người dân chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình trong quá trình triển khai các nội dung của 3 Chương trình tại địa phương.

Việc nghiên cứu và cập nhật văn bản hướng dẫn của một số địa phương, đơn vị còn chưa thường xuyên, kịp thời; việc triển khai các chương trình, dự án trên một số địa bàn còn lúng túng, có sự nhầm lẫn giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia; vẫn còn tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh. HĐND một số xã còn chưa ban hành Nghị quyết để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo thẩm quyền. Một số cơ sở còn thiếu nghiêm túc, chậm khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra tại các đợt kiểm tra trước. Việc lưu trữ hồ sơ của các dự án, tiểu dự án ở một số xã còn chưa khoa học, chưa đầy đủ.

Những khó khăn, tồn tại, hạn chế trên đã làm cho tiến độ giải ngân còn chậm, Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thực hiện các chương trình đạt thấp so với Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 19/01/2023 của UBND tỉnh về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư phát triển Chương trình giảm nghèo bền vững và một số Dự án/Tiểu dự án thuộc Chương trình phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (như Dự án 2, Tiểu dự án 2 Dự án 3, Tiểu dự án 2 Dự án 10); các nguồn vốn sự nghiệp thực hiện 03 Chương trình.

Nguyên nhân khách quan của tồn tại, hạn chế nêu trên là do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong thời gian dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng. Bên cạnh đó Khối lượng các quy định, văn bản hướng dẫn của Trung ương về tổ chức thực hiện các Chương trình rất lớn. Một số quy định, hướng dẫn của Trung ương về cơ chế thực hiện các Chương trình còn chồng chéo, thiếu chặt chẽ, gây khó khăn trong triển khai thực hiện ở địa phương. Một số nội dung chính sách hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp được giao kế hoạch vốn lớn hơn so với nhu cầu dẫn đến khả năng không thể giải ngân hết. Đối tượng thực hiện một số nội dung của các Chương trình mục tiêu quốc gia có sự trùng lặp làm ảnh hưởng đến khả năng thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của các chương trình. Nhưng nguyên nhân chủ quan là do năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức triển khai các Chương trình còn nhiều hạn chế; công tác tuyên truyền, vận động ở một số nơi chưa thường xuyên, liên tục; năng lực của một số hợp tác xã, doanh nghiệp để chủ trì thực hiện sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị còn hạn chế; trình độ sản xuất của người dân (đối tượng là các hộ nghèo, hộ cận nghèo) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn thấp; nguồn lực tham gia liên kết còn hạn hẹp.

Điều 2. Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tiếp tục tăng cường các giải pháp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hà giang. Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện các kiến nghị được đề cập trong báo cáo kết quả giám sát và nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm sau đây:

1. Đối với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh

Tiếp tục tăng cường vai trò quyết định, giám sát việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương.

2. Đối với UBND tỉnh

a. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật và nội dung các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; Phát huy vai trò, sự tham gia, hỗ trợ hiệu quả của các lực lượng quân đội, công an, các tổ chức, đơn vị khác trên địa bàn khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

b. Có biện pháp quyết liệt thúc đẩy việc giải ngân nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn địa phương đã được phân bổ cho các Chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường cơ chế lồng ghép giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình, dự án khác; tiếp tục đổi mới việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, tăng nguồn vốn tín dụng chính sách để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

[...]