Nghị quyết 48/2006/NQ-HĐND về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa do Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XV, kỳ họp thứ 6 ban hành

Số hiệu 48/2006/NQ-HĐND
Ngày ban hành 28/07/2006
Ngày có hiệu lực 01/09/2006
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Phạm Văn Tích
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Đầu tư

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THANH HOÁ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/2006/NQ-HĐND

Thanh Hóa, ngày 28 tháng 07 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP VÀ NGÀNH NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HOÁ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HOÁ
KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ VI.

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003.
Căn cứ Luật đầu tư ngày 12 tháng 12 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 9/6/2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 7 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;
Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 2946/TTr-UBND ngày 17 tháng 7 năm 2006 của UBND tỉnh; Báo cáo thẩm tra số:155/BC-KTNS.HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2006 của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các vị đại biểu HĐND tỉnh.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1.

Tán thành Tờ trình số: 2946/TTr-UBND ngày 17 tháng 7 năm 2006 của UBND tỉnh về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề trên địa bàn tỉnh với những nội dung sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐỊA BÀN ÁP DỤNG:

1. Đối tượng áp dụng:

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trực tiếp đầu tư sản xuất, thu mua, tiêu thụ sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, du nhập nhân cấy nghề mới, khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi chung là cơ sở tiểu thủ công nghiệp), thuộc các ngành sau:

- Chế biến nông- lâm- thuỷ sản- dược liệu;

- Sản xuất nguyên liệu, xử lý phế liệu phục vụ sản xuất tiểu thủ công nghiệp;

- Các nghề thủ công: dệt thổ cẩm, thêu, cói, gốm, sứ, thủy tinh, mây, tre, luồng, nứa, gỗ và nghề sản xuất hàng thủ công từ các nguyên liệu tại chỗ khác;

- Sản xuất phụ tùng, cơ khí sửa chữa, cơ khí sản xuất hàng tiêu dùng, nông cụ;

- Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

Căn cứ tình hình thực tế và yêu cầu khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp trong từng thời kỳ, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định việc sửa đổi, bổ sung ngành nghề thuộc đối tượng khuyến khích.

2. Địa bàn áp dụng:

a) Khu vực 1: Thành phố Thanh Hoá, Thị xã Bỉm Sơn, Thị xã Sầm Sơn.

b) Khu vực 2: Các huyện: Đông Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hoá, Nga Sơn, Nông Cống, Quảng Xương, Thiệu Hoá, Thọ Xuân, Tĩnh Gia, Triệu Sơn, Vĩnh Lộc, Yên Định (trừ các xã miền núi).

c) Khu vực 3: Các huyện: Cẩm Thuỷ, Ngọc Lặc, Như Thanh, Bá Thước, Lang Chánh, Mường Lát, Như Xuân, Quan Hoá, Quan Sơn, Thường Xuân, Thạch Thành; các xã miền núi thuộc Khu vực 2 và các xã bãi ngang.

II. CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH:

Các đối tượng quy định ở Điểm 1, Mục I được lựa chọn hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi hiện hành của Nhà nước hoặc cơ chế chính sách ưu đãi của tỉnh sau đây:

1. Cơ chế chính sách về đất đai và xây dựng kết cấu hạ tầng Cụm tiểu thủ công nghiệp, Cụm làng nghề.

a) Về đất đai, mặt bằng sản xuất:

- Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp của địa phương và của tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là UBND huyện) lập quy hoạch sử dụng đất, ưu tiên dành quỹ đất cho xây dựng các cụm tiểu thủ công nghiệp, cụm làng nghề, đáp ứng kịp thời nhu cầu về mặt bằng sản xuất kinh doanh.

- Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất hợp pháp, ổn định vào mục đích sản xuất, thu mua sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch, đảm bảo vệ sinh môi trường và quy định của Pháp luật thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp đất đang sử dụng vào mục đích khác và chủ sử dụng đất có nhu cầu làm mặt bằng sản xuất, thu mua hàng tiểu thủ công nghiệp thì được chuyển mục đích sử dụng đất.

Trong thời gian 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải giải quyết xong các thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho các cơ sở tiểu thủ công nghiệp.

b) Về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Cụm tiểu thủ công nghiệp, Cụm làng nghề:

[...]