Nghị quyết 47/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2014

Số hiệu 47/NQ-CP
Ngày ban hành 08/07/2014
Ngày có hiệu lực 08/07/2014
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 47/NQ-CP

Hà Nội, ngày 08 tháng 07 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 6 NĂM 2014

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 08/2012/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ, ý kiến các đại biểu và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp tháng 6 năm 2014,

QUYẾT NGHỊ:

1. Về tình hình kinh tế - xã hội và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2014:

Bước vào năm 2014, kinh tế nước ta có nhiều thuận lợi nhưng vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro; từ đầu tháng 5, Trung Quốc đã ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Đây là hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền trên biển của Việt Nam; vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã tham gia ký kết; trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai nước; đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, hợp tác phát triển trong khu vực và tác động bất lợi đến kinh tế - xã hội nước ta.

Trong 6 tháng đầu năm, nhờ sự nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến và đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm; tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 5,18%, cao hơn so với cùng kỳ hai năm trước; lạm phát được kiểm soát, giá tiêu dùng tăng thấp; mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm; dự trữ ngoại tệ tăng; cán cân thanh toán thặng dư cao; tỷ giá, thị trường ngoại hối, thị trường vàng cơ bản ổn định; xuất khẩu tăng khá cao và tiếp tục xuất siêu; thu ngân sách nhà nước đạt khá. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Các chính sách người có công, tạo việc làm, giảm nghèo, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao, thông tin, bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai theo kế hoạch và đạt những kết quả tích cực.

Thực hiện kịp thời các giải pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, khẳng định chủ quyền biển đảo, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, kiên quyết, kiên trì đấu tranh trên thực địa, đấu tranh bằng con đường chính trị, ngoại giao và thông tin truyền thông yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, được nhân dân ta đồng thuận và cộng đồng quốc tế ủng hộ. Đồng thời đã kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm những người có hành vi vi phạm pháp luật, chống người thi hành công vụ, phá hoại tài sản của Nhà nước, cá nhân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, bảo đảm vững chắc an ninh trật tự. Thực hiện nhiều giải pháp thiết thực giúp đỡ, hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp bị thiệt hại để sớm trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính phủ cũng đã yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, kiên quyết không để tình trạng này tái diễn, bảo đảm an ninh, an toàn cho các cơ quan, doanh nghiệp, người nước ngoài tại Việt Nam và bảo đảm tốt môi trường đầu tư kinh doanh.

Công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các ngành, các cấp được thực hiện quyết liệt, đồng bộ gắn với tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính. Tập trung chỉ đạo hoàn thiện thể chế, triển khai thực hiện Hiến pháp 2013; xây dựng, sửa đổi nhiều luật quan trọng như Luật đầu tư công, Luật doanh nghiệp, Luật phá sản; sửa đổi, ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, bảo đảm chất lượng. Kiểm tra đôn đốc, xử lý tại chỗ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Tổng cầu tăng chậm; tăng trưởng tín dụng thấp; việc xử lý nợ xấu còn chậm; tiêu thụ sản phẩm, nhất là gạo và một số nông sản còn nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn. Thị trường bất động sản phục hồi chậm. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt yêu cầu. Sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp vẫn thấp. Việc làm, thu nhập và đời sống một bộ phận dân cư, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn; nhiều sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm; tỷ lệ thanh niên chưa có việc làm cao. Kiểm soát dịch bệnh chưa đáp ứng yêu cầu; vệ sinh an toàn thực phẩm cải thiện chưa nhiều. Chưa khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp luật. Kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm. Việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và bảo đảm an toàn, an ninh mạng còn những mặt hạn chế.

Trong 6 tháng cuối năm, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi tăng trưởng nhưng thấp hơn dự báo đầu năm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến nhiều mặt kinh tế - xã hội nước ta, đòi hỏi các ngành, các cấp phải theo dõi sát tình hình, có giải pháp ứng phó phù hợp trên tất cả các lĩnh vực. Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương phát huy kết quả đạt được, vượt qua khó khăn thách thức, quyết tâm với nỗ lực cao nhất để bảo vệ chủ quyền; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ, phấn đấu thực hiện cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

a) Tập trung nỗ lực cao nhất bảo vệ chủ quyền quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội:

- Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng chính trị - ngoại giao; chủ động cung cấp kịp thời thông tin tình hình Biển Đông, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường chính nghĩa và các giải pháp thiện chí của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông.

- Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó trên thực địa, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 và luật pháp quốc tế.

- Bộ Công an chỉ đạo nắm chắc tình hình, phối hợp với lực lượng Quân đội nhân dân có phương án chủ động sẵn sàng đấu tranh với các hành vi gây mất ổn định an ninh trật tự, kiên quyết không để tái diễn sự việc như vừa qua; ngăn chặn kịp thời hoạt động của các thế lực thù địch, đối tượng phản động, nhất là tại các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất...

- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông cung cấp chính xác, kịp thời tình hình Biển Đông, chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; xây dựng Kế hoạch tổ chức triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử”, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

b) Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế:

- Các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo chủ động nắm tình hình, chuẩn bị tốt các phương án ứng phó với diễn biến tình hình, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tăng tổng cầu, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật gắn với cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi; đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và các tổ chức tín dụng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực.

- Bộ Công Thương chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng các thị trường xuất khẩu tiềm năng, đa dạng hóa các thị trường, bảo đảm không phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, một đối tác; triển khai các chương trình thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, khuyến khích tiêu dùng hàng hóa của Việt Nam; phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan trong hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; làm đầu mối, chủ trì và phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan thúc đẩy, đàm phán để sớm có thể ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan, Hàn Quốc các đối tác khác.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, đôn đốc thực hiện có hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, định hướng sản xuất nông sản cho các vùng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; tăng cường xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản; kiểm soát chặt chẽ nhập lậu gia súc, gia cầm qua biên giới; theo dõi chặt chẽ và chủ động các phương án phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống lụt bão và bảo đảm an toàn hồ đập; phối hợp với các địa phương ven biển khuyến khích, động viên ngư dân bám biển, bám ngư trường truyền thống, yên tâm sản xuất, đồng thời tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.

- Bộ Tài chính tăng cường chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá và kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng; phát hiện, và xử lý kịp thời các hành vi gian lận, chiếm đoạt tiền thuế; thu hồi nợ đọng thuế; quản lý chặt chẽ chi ngân sách nhà nước, nghiêm túc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu (điện, than, xăng dầu, giáo dục, y tế) theo lộ trình phù hợp, đồng thời có chính sách hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại, xử lý nghiêm hành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương triển khai thực hiện hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu đánh bắt cá xa bờ, đóng tàu và trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư. Phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát, cải cách các thủ tục hành chính về thuế, hải quan, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo thực hiện các giải pháp huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội, tăng cường thu hút và giải ngân vốn FDI, ODA; rà soát tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương bố trí bổ sung vốn đối ứng cho các công trình, dự án ODA; đề xuất ứng trước vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2015 để thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng hợp lý để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên; chỉ đạo thực hiện tốt chính sách cho vay hỗ trợ ngư dân đóng mới, sửa chữa tàu cá, kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo và ngư trường truyền thống; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng và bảo đảm an toàn hệ thống.

- Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo nâng cao công tác giám sát chất lượng và đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình giao thông trọng điểm; tăng cường quản lý, kiểm soát nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo và thực hiện quyết liệt việc kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn; chỉ đạo, đôn đốc giải phóng mặt bằng và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện về nguyên, vật liệu phục vụ thi công Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14 theo phạm vi quản lý.

- Bộ Xây dựng phối hợp với Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, trong đó bổ sung đối tượng được vay vốn để xây dựng nhà ở từ gói tín dụng hỗ trợ nhà ở là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động tại đô thị đã có đất ở phù hợp với quy hoạch và đang gặp khó khăn về nhà ở nhưng chưa được nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức; mức cho vay cụ thể phải bảo đảm nguyên tắc thấp hơn số tiền mà mỗi hộ gia đình, cá nhân được vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại các dự án phát triển nhà ở xã hội.

[...]